Chiều 7/3 (sau 3 ngày xét hỏi), VKSND Hà Nội đã lần lượt đề nghị mức án với 9 bị cáo liên quan đến vụ vỡ đường ống nước sông Đà về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 229 Bộ luật hình sự 1999.
Theo đó, bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc BQL dự án) và Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc công ty cổ phần ống sợi thủy tinh) bị đề nghị mức án 36-42 tháng tù; Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc BQL dự án), Đỗ Đình Tri (nguyên cán bộ công ty giám sát) và Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất công ty cổ phần ống sợi thủy tinh) mức 30-36 tháng tù; Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị) và Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ công ty giám sát) mức 24-30 tháng tù.
Hai bị cáo Bùi Minh Quân (nguyên cán bộ công ty giám sát) bị đề nghị mức 15-18 tháng tù treo; Nguyễn Biên Hùng (nguyên cán bộ công ty giám sát) mức 12-15 tháng tù treo.
Hoàng Thế Trung là một trong số những bị cáo thuộc nhóm bị đề nghị mức án cao nhất. : H.L. |
Giám định đường ống vỡ khi đang cấp nước
Trước đó, sáng cùng ngày, trả lời câu hỏi của luật sư Trần Đình Triển về việc công bố bản kết luận giám định đường ống cấp nước (có đóng dấu mật) tại phiên tòa công khai, thiếu tá Nguyễn Văn Chung (điều tra viên cao cấp thuộc C46) trình bày, quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã đề nghị phối hợp Bộ Xây dựng để trưng cầu giám định ống nước gặp sự cố.
Nội dung trưng cầu tập trung tìm hiểu nguyên nhân gây vỡ đường ống cấp nước và giám định chất lượng ống có độ bền ra sao?
Ống cấp nước dự án nước sạch sông Đà gặp sự cố 18 lần khiến 23 ống nước bị vỡ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: H.N. |
Trước câu hỏi trên, điều tra viên cho biết vụ án vỡ đường ống cấp nước dự án nước sạch sông Đà có tính đặc thù khi cơ quan chức năng giám định đường ống bị vỡ khi công trình đang sử dụng.
"Dừng cấp nước thì không được phép nên cơ quan điều tra phải phối hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị liên quan để giám định", viên thiếu tá lý giải.
Tiếp đó, điều tra viên C46 cho hay sau 8 tháng phối hợp trưng cầu giám định, cơ quan điều tra xác định được nguyên nhân. Sau khi có kết luận lần thứ nhất, do có nhiều vấn đề cần làm rõ nên cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng giám định lần 2.
Các kết quả giám định này được Bộ Xây dựng trả lời lực lượng điều tra bằng văn bản, có đóng dấu mật.
Kết luận giám định không đủ thuyết phục
Trước đó, khi luật sư xét hỏi vào chiều 6/3, bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc BQL dự án) cho rằng kết luận giám định về nguyên nhân gây vỡ ống nước có nhiều mâu thuẫn.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải. Ảnh chụp qua màn hình: H.L. |
''Các kết luận đưa ra không đủ thuyết phục về nguyên nhân vỡ đường ống nước. Trong khi đó, cáo trạng lại chủ yếu dựa vào bản kết luận đó của cơ quan giám định'', bị cáo 57 tuổi nói.
Đứng tại bục khai báo, nguyên Phó giám đốc BQL dự án cho rằng với hệ thống ống cấp nước công nghệ mới, ngay cả có giám định cũng khó xác định được ống có đủ độ bền 50 năm hay không?
Trước tòa, bị cáo Khải khẳng định việc kết luận nguyên nhân còn nhiều mâu thuẫn, kết quả giám định cũng chưa chính xác.
Theo cáo trạng, năm 2009, dự án cấp nước sạch sông Đà được chủ đầu tư là Tổng công ty Vinaconex đưa vào vận hành sau 5 năm thi công. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân Hà Nội.
Từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống 18 lần gặp sự cố khiến 23 cây ống dẫn nước cốt sợi thủy tinh bị vỡ. Doanh nghiệp phải dừng cấp gần 2 triệu m3 nước trong gần 400 giờ; chi gần 17 tỷ đồng khắc phục.
9 bị cáo gồm lãnh đạo BQL và các đơn vị liên quan, cơ quan giám sát bị VKSND Tối cao truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.