Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đình chỉ một năm học sinh nói xấu thầy cô trên Facebook là quá nặng

Nhiều luật sư, giáo viên cho rằng hình phạt đuổi học 7 học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội là quá nặng, không mang tính nhân văn và giáo dục.

Câu chuyện bảy học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) bị đuổi học một tuần và một năm, một em bị cảnh cáo, vì chat nói xấu thầy cô qua Facebook nhận được nhiều ý kiến tranh luận.  

Nhiều người không đồng tình với cách ứng xử của 8 em này nhưng cũng phản đối việc giáo viên tự ý xem tin nhắn trên điện thoại của học sinh. Hình thức đuổi học một năm cũng được cho là quá nặng, dù nhất trí phải xử lý kỷ luật để răn đe.

Cô giáo vi phạm quyền riêng tư?

Độc giả Hà Tiến Thành nhận định trong trường hợp trên, cả giáo viên lẫn học sinh đều sai.

“Giáo viên cũng phải bị xem xét do vi phạm quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của học sinh, được dạy trong sách Giáo dục Công dân lớp 6. Không thể kỷ luật học sinh mà bỏ qua lỗi của giáo viên được”, bạn đọc tên Sơn nêu quan điểm.

hoc sinh noi xau thay co tren mang anh 1
THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng GD&ĐT, cũng không đồng ý với việc giáo viên tự ý xem tin nhắn của học sinh, vì điện thoại là vật dụng cá nhân, thầy cô không có quyền xâm phạm riêng tư của các em. Ông cho rằng cách làm của giáo viên càng khiến học sinh thêm bất mãn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng trong câu chuyện trên, cô giáo đã xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

"Điện thoại là tài sản cá nhân, việc lấy điện thoại của học sinh phải hỏi ý kiến. Cô giáo đọc tin nhắn riêng tư của các em là xâm phạm quyền riêng tư", luật sư Hậu nói.

Tương tự, luật sư Huỳnh Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận định việc cô giáo xem tin nhắn trên điện thoại học sinh vừa mất lịch sự vừa vi phạm pháp luật.

Theo ông Hiệp, trường hợp cô giáo tình cờ thấy tin nhắn nghi ngờ nội dung xấu có thể mời phụ huynh, học sinh có mặt và yêu cầu em đó mở điện thoại. Đó là cách dạy các em tôn trọng người khác.

Hình phạt quá nặng tay

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân của việc học sinh xúc phạm giáo viên. Dựa vào đó, trường có biện pháp giáo dục thích hợp để các em nhận ra thiếu sót của bản thân và sửa sai. Nếu học sinh ngoan cố không nhận sai, biện pháp kỷ luật sẽ nặng hơn.

Theo báo cáo của trường THPT Nguyễn Trãi, ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10 sử dụng điện thoại trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu, giao cho cô chủ nhiệm.

Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô chủ nhiệm thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích” - tên cô chủ nhiệm, nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường. Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày.

Nhà trường quyết định đuổi học một năm 3 học sinh và đuổi học một tuần 4 em khác. Một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.

Trường cần nhìn nhận hai chiều, không phải ngẫu nhiên học sinh lại nói xấu giáo viên. Ông Nhĩ quan niệm học sinh nhiều khi bồng bột, chưa suy nghĩ chín chắn nên phạm sai lầm.

Trong trường hợp này, trường cần tìm hiểu lý do khiến các em bức xúc dẫn đến những lời lẽ không hay về thầy cô, rồi cho học sinh kiểm điểm. Đồng thời, trường cần làm việc với cha mẹ học sinh để hiểu trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục con.

Nếu học sinh công khai xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội, sự việc nghiêm trọng hơn. Trong câu chuyện ở Thanh Hóa, các em được cho là trao đổi trong nhóm riêng, chứng tỏ có sự thận trọng khi bày tỏ bức xúc.

“Đuổi học sinh là hình phạt quá nặng. Trong mọi trường hợp, nhà trường chỉ đuổi học sinh khi không còn khả năng giáo dục. Trường học cần quán triệt tinh thần giáo dục trẻ con là chính, không phải vì thù ghét, bực tức mà đưa ra hình thức kỷ luật”, nguyên thứ trưởng GD&ĐT bày tỏ quan điểm.

Ông nói thêm các biện pháp kỷ luật trong trường, dù nặng hay nhẹ, đều phải mang tính giáo dục. Không phải cứ học sinh vi phạm là kỷ luật, đuổi học vì bản chất của giáo dục là “cứu” người. Việc đuổi học nhiều khi gây tác dụng ngược, khiến học sinh càng thêm bực tức và dễ sa ngã khi không được quản lý nghiêm khắc.

Đồng tình với quan điểm trên, cô T.T.T., hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM, cho rằng hình phạt đuổi học một năm trong trường hợp này có phần nặng tay.

"Mọi việc giáo viên làm cũng chỉ vì giáo dục các em. Tuổi học trò, suy nghĩ, tư duy rất đơn giản, non nớt. Học sinh làm sai, chúng ta phải phân tích, giảng giải để các em hiểu, nhận thức được cái sai của mình và làm đúng mới là mục đích trên hết. Đuổi học khiến các em sợ, đó cũng là một cách, nhưng đám trẻ có tâm phục, khẩu phục hay không? Tôi e là không. Vậy thì hình thức kỷ luật không có ý nghĩa, thậm chí sẽ tạo ra tâm lý hận thù, phản ứng nguy hiểm khi các em suy nghĩ bồng bột", cô T. phân tích.

"Tôi ước gì thầy cô suy nghĩ lại"

Đặt mình vào trường hợp phải xử lý những học sinh mắc lỗi như trên, cô T. cho biết một hình thức kỷ luật là cần thiết nhưng sẽ làm theo cách khác.

"Tôi sẽ họp hội đồng kỷ luật đối với các em nhưng đồng thời phải phân tích cho học sinh hiểu được cái sai của mình. Hình thức kỷ luật có thể là đình chỉ học tập một tuần hoặc yêu cầu các em viết bản kiểm điểm", cô T. cho biết.

Vị hiệu trưởng này cho hay trường cô cũng xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự, thậm chí học sinh còn công khai nói xấu thầy cô trên mạng xã hội. Nhà trường chỉ yêu cầu các em gỡ nội dung đó xuống và làm việc với học sinh, sau đó các em tự động xin lỗi thầy cô.

"Một quyết định kỷ luật vội vàng, chưa thấu đáo ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời mỗi học sinh và thầy cô cũng sẽ day dứt suốt cuộc đời. Chúng ta phải dạy các em làm người trước khi dạy chữ, truyền thụ kiến thức. Có thể trong lúc nóng giận, chúng ta không lường hết được hậu quả của việc đuổi học các em. Tôi ước chi thầy cô suy xét thấu đáo hơn, có hình phạt phù hợp hơn.", cô T. chia sẻ

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), khẳng định đưa ra hình thức kỷ luật rất dễ nhưng giáo dục được các em mới khó.

"Trong trường hợp này nên xem xét thông tin các em đưa ra là thật hay bịa đặt. Các em này trước đó từng mắc lỗi hay chưa. Nếu thầy cô ngồi lại phân tích cho các em hiểu lỗi sai, tịch thu điện thoại trong vài ngày hay viết bản kiểm điểm, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có ích sẽ tốt hơn. Giáo viên phải thận trọng khi đưa ra hình thức kỷ luật", thầy Phú nói.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du cho rằng đình chỉ học tập một năm là hình thức kỷ luật nặng trong các trường phổ thông. Nếu các trường buộc phải đưa ra hình phạt này nghĩa là đã hết cách dạy dỗ, giáo dục các em. Nhưng trường hợp học sinh nói xấu thầy cô, bạn bè trên mạng xã hội chưa phải là tình huống đặc biệt nghiêm trọng, hết phương pháp giáo dục.

Chiều 31/10, trao đổi với Zing.vn, thầy Bùi Nguyên Tiến, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nói: “Đây không phải tin nhắn riêng tư. Thứ nhất, không phải tin nhắn hai người với nhau. Đây là trao đổi trên Fanpage của một nhóm học sinh. Thứ hai, một học sinh làm chứng việc này chứ không phải xem giấu giếm”.

Cũng theo thầy Tiến, sau khi báo chí đăng tin, có những ý kiến trái chiều là quyền của mọi người. Ông nói không hiểu từ đâu nội dung cuộc trò chuyện của 8 học sinh bị lộ và phát tán ra ngoài trước khi hội đồng kỷ luật nhà trường vào cuộc. Nhiều học sinh toàn trường biết và có hỏi thăm thầy cô về sự việc.

“Ngoài cô chủ nhiệm, các em này còn xúc phạm, nói xấu hai giáo viên khác. Mức kỷ luật đuổi học một năm đối với 3 em là có tác dụng, có tính răn đe. Mình vẫn đảm bảo tính pháp lý, vẫn đảm bảo được việc giáo dục hơn 1.000 học sinh”, thầy Tiến nói.

Bảy học sinh bị đuổi học vì xúc phạm giáo viên trên Facebook

Ba học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đuổi học một năm, bốn em khác bị đuổi học một tuần, vì dùng Facebook xúc phạm giáo viên và nhà trường.

Nhật Sương - Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm