Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Định kiến dai dẳng ‘phụ nữ mặc hở hang nên bị sàm sỡ’

Nhiều nghiên cứu chỉ ra nạn nhân ăn mặc bình thường vẫn có thể bị quấy rối nơi công cộng. Thế nhưng, định kiến sai lầm “mặc hở hang mới bị sàm sỡ” lại xuất hiện sau mỗi sự việc.

Tối 20/5, camera giám sát tại ngã 3 Yên Phụ - Thanh Niên (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) ghi lại cảnh cô gái đang dừng xe ở giao lộ thì bị nam thanh niên động chạm rồi bỏ chạy.

Sau khi clip được đăng tải lên mạng xã hội, bên cạnh những lời chỉ trích nhắm vào kẻ có hành vi sai trái, một số ý kiến cho rằng từ sự việc này, phụ nữ “nên rút kinh nghiệm, đừng mặc hở hang ra đường nếu không muốn mời gọi biến thái”.

Đây là phản ứng đổ lỗi cho nạn nhân thường thấy trong các vụ sàm sỡ, quấy rối nơi công cộng.

Các chuyên gia khẳng định việc nạn nhân bị tấn công tình dục không liên quan tới trang phục mà họ mặc, phụ nữ diện đồ thế nào khi ra đường là lựa chọn cá nhân.

Co gai bi sam so o Tay Ho anh 1

Cơ quan chức năng quận Tây Hồ đang truy xét kẻ sàm sỡ cô gái trên địa bàn sau khi nạn nhân đến trình báo. Ảnh cắt từ clip.

“Cô ta đã mặc gì?”

Khi nạn nhân của hành vi tấn công hoặc quấy rối tình dục lên tiếng, họ thường bị choáng ngợp bởi những câu hỏi dò xét về bản thân hơn là nhắm tới thủ phạm.

Một trong những câu hỏi khó chịu nhất là: “Cô ta đã mặc gì?”.

Điều này dường như ngụ ý rằng nạn nhân tự kích động cuộc tấn công tình dục đối với mình, rằng họ chính là nguyên nhân của sự việc, theo HuffPost.

Một cuộc khảo sát được thực hiện cho The Independent vào năm 2019 cho thấy 55% nam giới (trong tổng số 1.104 người trưởng thành và được đánh giá là đại diện cho dân số Vương quốc Anh) tin rằng “phụ nữ ăn mặc càng hở hang thì càng có nhiều khả năng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục”.

Tỷ lệ nam giới đưa ra quan điểm này cao hơn phụ nữ, với 41% nữ giới tin rằng trang phục của nạn nhân có liên quan đến việc họ bị sàm sỡ, quấy rối tình dục.

Dublin Rape Crisis Centre, trung tâm điều hành đường dây trợ giúp miễn phí cho người bị tấn công tình dục, nhận định những kết quả trên cho thấy việc đổ lỗi cho nạn nhân sâu sắc thế nào trong xã hội.

“Có một giả định, được đưa ra mà không hề có căn cứ nào, rằng cách phụ nữ ăn mặc khi ra ngoài có khả năng dẫn đến việc họ bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục. Đó là định kiến sai lầm phổ biến qua nhiều thế hệ. Nạn nhân có thể mặc quần jean, đồng phục học sinh hoặc đồ ngủ”, Noeline Blackwell, người đứng đầu trung tâm, cho biết.

Necessary Behavior dẫn nghiên cứu trên 1.000 người ở London (Vương quốc Anh) năm 2010 cho thấy 54% phụ nữ đổ lỗi ít nhất một phần cho các nạn nhân bị hiếp dâm rằng họ “tán tỉnh hoặc mặc trang phục khiêu khích”.

Đây là hiện trạng nguy hiểm.

Theo nhà trị liệu tâm lý Beverly Engel, các nạn nhân không dám lên tiếng vì xã hội có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân nói chung. Không có gì ngạc nhiên khi bạo lực tình dục là một trong những tội phạm ít được trình báo nhất với hơn 80% vụ việc rơi vào im lặng, theo phân tích của Bộ Tư pháp Anh.

“Vấn đề không nằm ở chiếc áo phông, váy ngắn hay giày cao gót mà nạn nhân mặc. Đó là về các chuẩn mực và hành vi giới đã được bào chữa một cách có hệ thống”, Engel phân tích.

Tháng 3/2020, một buổi trình diễn thời trang đặc biệt được tổ chức ở Warsaw. Nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp trên khắp Ba Lan bước lên sàn catwalk trong trang phục họ mặc khi bị tấn công: từ váy, quần jean, đến áo khoác dày, đồ ngủ, thậm chí cả quần áo trẻ em.

Co gai bi sam so o Tay Ho anh 3

Phụ nữ trên khắp Ba Lan tham dự buổi trình diễn đặc biệt nhằm phản đối xu hướng đổ lỗi cho trang phục của nạn nhân trong các vụ tấn công tình dục. Ảnh: Hubert Marzecki.

Đây là sự kiện đầu tiên thuộc loại hình này ở Ba Lan, nhằm đáp trả những ý kiến cho rằng cách phụ nữ ăn mặc có thể kích động bạo lực tình dục và xúi giục nạn nhân “phải im lặng, ẩn nấp và biến mất”.

Hiệp hội Forget-me-not, đơn vị tổ chức, cho biết: “Chúng tôi muốn chỉ ra sự vô lý của định kiến này, bởi vì quần áo không khiêu khích bất cứ ai. Đây là lời động viên dành cho các nạn nhân rằng họ sẽ không bao giờ cô đơn”.

Nạn nhân không có lỗi

Bà Mai Quỳnh Anh, quản lý dự án Nhà Nhiều Cột, nhận định việc ăn mặc của phụ nữ chưa bao giờ và không bao giờ nên được coi là nguyên nhân cho việc họ bị tấn công tình dục.

Cộng đồng cần nhận thức về những quan điểm đổ lỗi cho nạn nhân và phản đối lại nó.

“Việc đổ lỗi cho nạn nhân vừa không giúp giảm tình trạng bị xâm hại, tấn công tình dục mà còn khiến cho việc lên tiếng bảo vệ chính mình của nạn nhân trở nên khó khăn hơn. Những người bị tấn công tình dục, để bảo vệ danh dự cho chính mình và gia đình, có thể buộc phải chọn cách im lặng thay vì tố cáo kẻ xâm hại mình”, bà nói với Zing.

Theo bà Quỳnh Anh, chừng nào vẫn còn những quan điểm đổ lỗi cho nạn nhân như trên, phụ nữ vẫn chọn cách im lặng để bảo vệ danh dự cho chính mình và người thân.

Tuy nhiên, hiện nay, bà nhận thấy phụ nữ đã chủ động lên tiếng nhiều hơn để tố cáo những hành vi tấn công tình dục ở nơi công cộng.

Bà Quỳnh Anh dẫn vụ việc một phụ nữ bị quay lén bằng điện thoại trên máy bay đã lên tiếng tố cáo kẻ biến thái cũng như khiếu nại về cách xử lý của hãng hàng không nơi xảy ra sự việc. Hay một nữ sinh ở Hà Nội đưa ra bằng chứng để tố cáo và cảnh báo tới cộng đồng về bị sàm sỡ trên chuyến tàu điện trên cao cũng cho thấy sự chủ động của phụ nữ ngày nay.

“Những trường hợp đó cho thấy bản thân phụ nữ có nhận thức tốt hơn về hiện tượng tấn công, xâm hại tình dục, đồng thời phản ánh quan điểm xã hội đang dần thay đổi. Ngày càng nhiều người nhận thức tốt hơn và sẵn sàng ở bên, ủng hộ nạn nhân chống lại các hành vi xâm hại tình dục và quan điểm nguy hiểm đổ lỗi cho nạn nhân”, bà nói.

Co gai bi sam so o Tay Ho anh 4

Việc ăn mặc của phụ nữ chưa bao giờ và không bao giờ nên được coi là nguyên nhân cho việc họ bị tấn công tình dục. Ảnh: Telegraph.

Theo quản lý dự án Nhà Nhiều Cột, khi bị sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nơi công cộng, phụ nữ có thể làm theo cách sau để bảo vệ bản thân.

Bước đầu tiên là lên tiếng. Nạn nhân lập tức hét thật to để mọi người xung quanh chú ý và giúp đỡ. Tiếp đến, nếu có thể, họ cần chạy thật nhanh để tránh xa khỏi kẻ đang có hành vi xâm hại, tấn công mình. Sau đó, nạn nhân kể lại sự việc cho người thân và trình báo lên cơ quan chức năng để tìm sự trợ giúp, ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra trong tương lai đối với bản thân và người xung quanh.

Khi sự việc diễn ra, nếu có thể, nạn nhân hãy sử dụng điện thoại hoặc bất cứ thiết bị nào có thể ghi hình để chụp, quay lại sự việc làm bằng chứng cho việc tố cáo, trình báo.

“Hãy nhớ, khi bị tấn công tình dục, nạn nhân không bao giờ là người có lỗi. Việc lên tiếng là rất cần thiết để bảo vệ chính họ và những người xung quanh”, bà Quỳnh Anh khẳng định.

Các mạng xã hội lặng thinh khi phụ nữ bị quấy rối, lạm dụng

Nhà văn Sharan Dhaliwal cho biết cô nhận được hàng trăm bức ảnh nhạy cảm từ nam giới trong nhiều năm qua dù đã chặn vô số tài khoản.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm