Tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế đã công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2018-2020. Theo đó, một kết quả đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì ở khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Trước đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã tổ chức một cuộc điều tra nghiên cứu về thực trạng tiêu thụ thức ăn nhanh ở người 15-25 tuổi trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy 61,5% sinh viên thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh vì ngon, 56,3% vì giá rẻ, 44,5% ăn vì thuận tiện,...
Những con số này cùng hàng loạt thông tin liên quan tác hại của đồ ăn nhanh đã được lan truyền rộng rãi khiến nhiều người thêm lo lắng về tác động của chúng tới cân nặng và tỷ lệ mỡ trên cơ thể.
Khó có thể đổ lỗi cho riêng đồ ăn nhanh
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng dù có sự chênh lệch, tỷ lệ béo phì gia tăng ở cả thành thị và nông thôn. Chính điều này khiến việc quy kết tình trạng thừa cân, béo phì cho đồ ăn nhanh là không đủ.
“Đồ ăn nhanh được bán khá nhiều ở thành thị. Các món ăn này không phổ biến ở nông thôn. Tuy nhiên, ở nông thôn vẫn có những người thừa cân, béo phì. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng có rất nhiều yếu tố tác động tới tình trạng này”, tiến sĩ Thục nói.
Vị chuyên gia này cho rằng nguyên nhân gây béo phì còn là sự trao đổi chất trong cơ thể, các hoạt động thể lực, gene, lối sống, môi trường,... Điều này thể hiện rõ khi các thành viên trong một gia đình cùng ăn những loại thực phẩm giống nhau nhưng có người gầy, trường hợp khác lại béo.
Tình trạng thừa cân, béo phì có thể đến từ nhiều yếu tố khác trong lối sống bên cạnh đồ ăn nhanh. Ảnh minh họa: NYDailyNews. |
Tuy nhiên, tiến sĩ Thục cho biết trong tài liệu của các nước phát triển và cả Việt Nam cũng ghi nhận những mối liên quan giữa đồ ăn nhanh và tình trạng thừa cân, béo phì. Nhiều người cũng có nghĩ rằng thức ăn nhanh được chiên rán nhiều dầu mỡ, từ đó gây béo phì.
“Đây cũng chỉ là một yếu tố bởi không chỉ dầu mỡ, việc ăn quá nhiều gạo, thịt cũng có thể gây béo phì. Tình trạng thừa cân, béo phì sẽ xảy ra bất cứ khi nào chúng ta dư thừa năng lượng”, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng giải thích.
Một yếu tố khác của đồ ăn nhanh được cân nhắc là việc sử dụng các thực phẩm chứa protein (chất đạm) bị biến tính trong quá trình xử lý nhiệt cao. Tương tự dầu mỡ, các sản phẩm này cũng gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể.
Tiến sĩ Thục nói thêm: “Còn rất nhiều yếu tố khác để cân nhắc về ảnh hưởng của đồ ăn nhanh tới tình trạng béo phì. Khi đặt câu hỏi tại sao trẻ phải sử dụng đồ ăn nhanh, chúng ta có thể nghĩ tới lối sống của gia đình, việc ăn ngủ có thực sự điều độ hay không, có đang ngồi quá nhiều để không thể chế biến thức ăn tươi sống không,...”.
Do đó, vị chuyên gia này kết luận rất khó để quy kết hậu quả thừa cân, béo phì đến từ đồ ăn nhanh. Tình trạng này liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống của mỗi người.
Điều chỉnh ngay từ giai đoạn thừa cân
Theo tiến sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, việc nhận biết béo phì khá dễ khi chỉ cần nhìn bằng mắt thường. Tuy nhiên, đa số chúng ta lại không chú ý tới giai đoạn thừa cân.
“Quan điểm của nhiều phụ huynh là nhìn con mũm mĩm vẫn xinh hơn một em bé gầy. Điều này dễ gây ra tình trạng thừa cân kéo dài nhiều năm và trở thành béo phì. Khi đó, việc điều chỉnh và giảm cân cho trẻ sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, vị chuyên gia nhận định.
Phụ huynh nên phát hiện và có sự điều chỉnh ngay từ thời điểm trẻ thừa cân. Ảnh minh họa: Familydoctor. |
Để nhận biết trẻ thừa cân, về mặt y tế, với trẻ dưới 5 tuổi, hầu hết bệnh viện sẽ phát cho gia đình biểu đồ tăng trưởng kèm theo hướng dẫn tiêm chủng mở rộng. Trong đó có hướng dẫn các bà mẹ cách nhận biết con ở giới hạn bình thường, thừa cân hay béo phì.
Với lứa tuổi học sinh, các trường học cũng thường xuyên có chương trình khám bệnh định kỳ 2 lần/năm. Tuy không thể dựa hoàn toàn vào đó, phụ huynh vẫn phát hiện được trẻ có xu hướng thừa cân thông qua kết quả khám.
Ngoài ra, tiến sĩ Thục cũng gợi ý phụ huynh nên cân cho con một lần/tháng, từ đó đánh giá tốc độ tăng của trẻ.
“Càng lớn, cân nặng của trẻ sẽ tăng chậm lại. Nếu quan sát sau một tháng cân nặng của trẻ tăng lên đột biến, chúng ta có thể phải xem lại”, vị chuyên gia này nói.
Ngoài ra, tình trạng thừa cân, béo phì còn được quyết định dựa trên chiều cao, tỷ lệ khối nạc, mỡ, các chỉ số xét nghiệm,... Do đó, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng khuyến cáo nếu phụ huynh nghi ngờ nên đưa con tới các cơ sở y tế để tham khảo và được tư vấn cụ thể