Cuối tháng 7/2021, Phạm Huyền My (18 tuổi, Yên Bái) nhận được thông báo trúng tuyển Đại học Kinh tế Quốc dân theo phương thức xét tuyển kết hợp của học sinh trường chuyên.
Đỗ vào ngành Marketing, cũng là nguyện vọng 1, My vui và hào hứng tới lúc nhập học để được đến trường. Tuy nhiên, do dịch bệnh, cả kỳ đầu tiên, nữ sinh học online tại nhà.
Việc học trực tuyến kéo dài và ở nhà quá lâu khiến My nhiều khi thấy nản, bí bách. Gần đây, khi Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo cho sinh viên tập trung trở lại từ ngày 14/2, cô mới xốc lại tinh thần.
“Khi trên các hội nhóm bắt đầu kháo nhau là có lịch học offline, mình vui không kém lúc biết tin đỗ đại học. Mình nhắn ngay cho các bạn cùng lớp. Đến khi có công văn chính thức, mọi người ai cũng hào hứng được đi học còn ‘trả kèo’ đi chơi, ăn uống”, My nói với Zing.
Vừa háo hức, vừa lo lắng là tâm trạng chung của nhiều sinh viên năm nhất khi được đến trường nghe giảng trực tiếp sau thời gian dài đã quen với việc học trực tuyến.
Nhiều đại học, học viện ở Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức dạy học tập trung sau Tết Âm lịch. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Chưa có cảm giác là sinh viên
Ở kỳ một năm nhất, My chủ yếu học các môn đại cương như Triết học, Toán cho các nhà kinh tế. Khi mới bắt đầu, cô hoang mang vì chương trình đại học khác nhiều so với cấp 3, mỗi tiết kéo dài 75 phút và thầy cô giảng rất nhanh.
Đến giữa kỳ, My bắt đầu quen với tốc độ dạy của giảng viên, đồng thời tham khảo cách học và ghi chép từ sinh viên khóa trên nên việc học dần ổn định hơn. Bên cạnh đó, cô cũng đăng ký tham gia vào các câu lạc bộ và sự kiện ở trường, nhưng chủ yếu hoạt động online nên chưa được trải nghiệm nhiều.
Huyền My hào hứng khi nhà trường thông báo lịch cho sinh viên tập trung trở lại. |
“Mình xem phim và thấy trên mạng các anh chị khóa trước được đi học trên trường, ăn uống, tham gia hoạt động ngoại khóa, làm thêm. Những việc này mình nghĩ khi lên đại học sẽ được trải nghiệm hết. Nhưng sau một kỳ học online ở nhà, mình vẫn chưa có cảm giác trở thành sinh viên”, nữ sinh nói.
Do đã thi học kỳ trước đó một tháng, My sẽ đi học quân sự hơn 10 ngày ở Việt Trì (Phú Thọ) rồi mới bắt đầu học tại trường.
“Mình hào hứng lắm vì mọi người vẫn nói vui rằng đời sinh viên nhất định phải đi học quân sự. Mấy hôm nay, mình chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân để mang theo. Mình may mắn có họ hàng ở Hà Nội nên không mất nhiều thời gian tìm và thuê nhà trọ. Ngày 11/2, mình cùng gia đình xuống đây để sắm sửa nốt những thứ còn thiếu”, cô cho hay.
Nhận giấy báo trúng tuyển khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội từ giữa tháng 9/2021, Nguyễn Minh Hiếu (Yên Bái) cũng trải qua nửa năm học online.
Ban đầu, Hiếu gặp khó khăn với các thủ tục do hướng dẫn còn khó hiểu và thao tác đôi khi bị lỗi. Cậu phải tự loay hoay khá lâu để có thể hoàn thành.
Về quá trình học trực tuyến, Hiếu cảm thấy không thực sự hiệu quả. Theo cậu, chất lượng giảng dạy của thầy cô vẫn vậy, nhưng qua màn hình máy tính, điện thoại khiến bản thân khó tập trung hơn nhiều.
“Việc học online cũng ảnh hưởng đến bài tập nhóm của mình khá nhiều vì đôi khi, các bạn không thể liên lạc được với nhau để họp và làm bài. Các thầy cô tạo điều kiện cho sinh viên nhưng mình mong sớm được đi học tại trường để có nhiều trải nghiệm hơn”, nam sinh nói.
Minh Hiếu gặp một số khó khăn trong quá trình học online ở nhà. |
Khi nhà trường thông báo cho sinh viên năm nhất đi học trực tiếp từ ngày 28/2, Hiếu có cảm xúc lẫn lộn.
Cậu lý giải: “Sau một học kỳ, mình đã quen với việc ở nhà và học online. Mọi thứ cũng đi vào nếp nên mình khá ngại khi phải thay đổi. Tuy nhiên, mình cũng hào hứng vì sắp được xuống Hà Nội. Mất khoảng một tuần, mình mới cảm thấy thật sự vui vẻ với thông báo của nhà trường. Hiện tại, mình đã sẵn sàng đi học trực tiếp. May mắn là gia đình chuẩn bị sẵn sàng về nhà ở từ trước nên sắp tới, mình chỉ cần xuống trước ít ngày để quen đường sá”.
Vốn có tính cách hòa đồng nên dù chưa xuống trường, Hiếu đã thân thiết với một nhóm bạn đại học. Ngoài ra, cậu đảm nhận vị trí phó bí thư và phó chi hội sinh viên nên tham gia mọi hoạt động của trường.
“Mình nghĩ không chỉ riêng mình mà các bạn sinh viên năm nhất khác ai cũng có kế hoạch hẹn hò, đi chơi ngay khi được đến trường. Cuộc sống sinh viên lúc đó mới như thật sự bắt đầu”, Hiếu chia sẻ.
Hy vọng là lần cuối học online
Kể từ khi nhận thông báo trúng tuyển vào khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vào tháng 9 năm ngoái, Vũ Thị Kim Đan (Hòa Bình) chưa có cơ hội đến trường.
Việc gặp mặt thầy cô, bạn bè trong lớp cũng chỉ diễn ra qua màn hình máy tính và tin nhắn trao đổi.
“Ban đầu, mình xác định sẽ phải học trực tuyến nhưng chỉ trong vòng khoảng 1-2 tháng, không nghĩ rằng kéo dài đến hết kỳ đầu của năm nhất”, Đan cho biết.
Kim Đan không nghĩ việc học online lại kéo dài tới hết kỳ 1 năm nhất. |
Năm học mới bắt đầu muộn, chương trình học được đẩy nhanh, Kim Đan khá bận rộn trong kỳ học vừa qua.
Dù bản thân không gặp quá nhiều trở ngại khi học online, nữ sinh viên hy vọng đây là lần cuối việc đến trường bị gián đoạn vì dịch bệnh.
Sau gần nửa năm học tại nhà, cảm giác tò mò, háo hức về trường đại học của cô phần nào vơi bớt.
“Nhận được thông báo đỗ, ai cũng hào hứng muốn đến xem trường mới, bạn mới. Khoa mình theo học lại có nhiều hoạt động như chào tân sinh viên, đêm diễn Halloween nhưng cuối cùng phải hoãn hết làm mình không khỏi hụt hẫng”, Đan bày tỏ.
Theo thông báo của nhà trường, Đan sẽ trở lại lớp vào 7/3.
Đầu tuần sau, Đan dự định xuống Hà Nội vài ngày tìm chỗ trọ rồi quay trở lại Hòa Bình học online tiếp. Đến đầu tháng 3, cô sẽ chuyển hẳn xuống Hà Nội.
Là bí thư của lớp, Đan có phần lo lắng vì sắp tới cần trò chuyện, trao đổi trực tiếp với các bạn trong lớp thường xuyên hơn.
“Trên mạng, có thể mình sẽ giao tiếp cởi mở, thoải mái hơn. Nhưng mình nghĩ mình vẫn sẽ có cách để xoay xở tốt chuyện này”, cô nói.
Nguyễn Sĩ Phi Anh (Hà Nội, Đại học Greenwich) mới chỉ gặp bạn bè trong lớp 2-3 lần kể từ khi trở thành tân sinh viên. Những lần gặp đều do thành viên trong lớp tự tổ chức. Các bạn đa số đến từ các tỉnh khác, chưa lên Hà Nội ở hẳn.
Từng trải qua phần lớn thời gian năm lớp 12 học online, việc tiếp tục học trực tuyến tại nhà trong những tháng vừa qua khiến Phi Anh không tránh khỏi cảm giác chán nản vì việc học không đạt hiệu quả tốt nhất.
“Ngoài khó tập trung, dễ đau lưng, mỏi mắt, mình chỉ nhớ được rất ít mặt các bạn trong lớp. Những người mình quen chủ yếu vì cùng làm bài tập nhóm, cần trao đổi bài vở với nhau”, nam sinh viên nói.
Đến lớp lần đầu vào ngày 14/2, Phi Anh dự tính thời gian tới sẽ tìm hiểu, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ở trường hơn.
“Bản thân có thấy lứa mình bị thiệt thòi hơn so với các anh chị khóa trước. Khi chưa có dịch bệnh, tân sinh viên được tổ chức đi dã ngoại đầu khóa để làm quen với nhau. Mình hy vọng trường sẽ tổ chức bù”.