Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quay cuồng tìm nhà khi quay lại thành phố

Nhiều bạn trẻ vội vã tìm nhà trọ khi một số đại học ở Hà Nội thông báo lịch quay lại trường. Nhu cầu đột ngột tăng cao khiến tình trạng "cháy phòng" xảy ra ở vài khu vực.

Vừa nhận thông báo quay lại trường sau 10 tháng học online, Quỳnh Anh (19 tuổi, Quảng Nam), sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã vội vã tìm chỗ trọ.

Dù gần một tháng nữa mới đến trường tập trung, Quỳnh Anh đã tham gia nhiều hội nhóm môi giới trên mạng xã hội để tìm phòng ở. Nhưng cô hễ ưng căn nào, chỗ đó đã có người đặt cọc trước.

"Tôi cứ nghĩ mình tìm sớm thì sẽ có phòng rẻ, đẹp, ai ngờ lại gặp tình trạng 'cháy trọ'. Hiện sinh viên của nhiều trường khác cũng rục rịch đi học lại nên chỗ trống ở khu vực quận Cầu Giấy ngày càng khó kiếm", Quỳnh Anh nói.

Do một số trường đại học ở Hà Nội thông báo kế hoạch học trực tiếp sau Tết, các sinh viên bắt đầu lao vào "cuộc chiến tìm trọ" với tâm lý lo lắng, sợ hết nơi ở rẻ và gần trường.

cuoc chien tim tro anh 1

Sau khoảng thời gian dài học tại nhà, nhiều sinh viên bắt đầu trở lại Hà Nội, ráo riết tìm phòng trọ để chuẩn bị quay lại trường. Ảnh: Việt Linh.

Chật vật tìm trọ

Chia sẻ với Zing, Quỳnh Anh cho biết cô sẽ chính thức đi học trở lại vào ngày 7/3.

Thời điểm nhập học, Quỳnh Anh được nhà trường cho phép lưu trú tại KTX. Song, nơi này đang được trưng dụng làm khu vực cách ly Covid-19 nên cô phải chủ động về nơi ở trong một thời gian.

cuoc chien tim tro anh 2

Quỳnh Anh phải tìm chỗ ở tạm trong khi KTX trường được trưng dụng làm khu cách ly.

"Thú thực, điều này làm tôi thấy lo vì chưa quen đường sá, không có kinh nghiệm tìm nhà. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh phức tạp nên tôi chưa dám lên Hà Nội sớm để làm quen môi trường", cô giải thích.

Quỳnh Anh chỉ muốn tìm một phòng ở gần trường, chi phí dưới 2 triệu đồng, sạch sẽ và an toàn để ở ghép cùng một vài bạn học.

Tuy nhiên, những căn phòng thích hợp mà cô xem qua đều đã được đặt cọc vài ngày trước.

"Tôi sẽ tìm kiếm thêm, có thể xem xét ở khu vực cách trường 2-4 km cho dễ dàng.

Nếu không, tôi có thể chấp nhận ở tạm 1-2 tháng ở một chỗ không quá đẹp trong khi chờ được về KTX", cô nói.

Sau khi đặt cọc một căn phòng ở quận Nam Từ Liêm, Phương Thảo (19 tuổi, Hà Tây) như trút được gánh nặng. Một tuần qua, cô vừa học trực tuyến tại nhà, vừa ráo riết tìm chỗ trọ ở Hà Nội để kịp quay lại trường vào ngày 14/2 tới.

"Tôi là sinh viên năm nhất tại trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Tuần trước, tôi được thông báo sẽ đi học tập trung lại và bắt đầu tìm phòng ở kể từ lúc đó. Việc này không dễ dàng vì tôi chưa có kinh nghiệm 'săn nhà', lại phải xem chỗ ở qua Internet", Thảo nói.

Sau khi xem xét hàng chục phòng ở, cô cũng chốt được một chỗ cách trường 2 km với giá 3,5 triệu đồng. Nữ sinh này dự định ở chung cùng 3 người bạn khác để tiết kiệm chi phí.

Thảo cho biết khi bắt tay vào "săn" chỗ ở, cô gặp khó khăn vì nhiều chỗ ở gần trường, giá rẻ, sạch sẽ và an toàn đã kín chỗ từ sớm. Thời điểm này, nhiều trường bắt đầu tổ chức học trực tiếp lại nên nhu cầu tìm chỗ ở của sinh viên tăng cao đột biến.

"Thực ra, trường có KTX nhưng tôi muốn sống ở ngoài để chủ động về thời gian, có nhiều trải nghiệm hơn. Không nghĩ là đợt này tìm trọ lại khó và gấp rút như vậy".

Thấp thỏm chờ thông báo

Từ khi trở thành sinh viên, Nghiêm Thị Anh (19 tuổi, Thái Nguyên) vẫn chưa có cơ hội đặt chân tới giảng đường. Suốt hơn nửa năm qua, cô theo dõi các bài giảng thông qua màn hình máy tính, không khác mấy so với thời điểm học lớp 12.

“Đôi lúc, đường truyền Internet không ổn định khiến tiết học bị gián đoạn. Tuy nhiên, học online tại nhà giúp tôi tiết kiệm được một khoản chi phí so với việc xuống Hà Nội”, cô nói.

Nghiêm Thị Anh, sinh viên năm nhất trường Đại học Nội Vụ, đã làm quen được vài người bạn mới. Tuy nhiên, họ chưa có cơ hội gặp nhau bên ngoài không gian mạng. Các cô gái dự tính sẽ ở trọ cùng nhau để tiết kiệm chi phí và bớt nỗi lo lần đầu xa nhà.

Thế nhưng, Nghiêm Thị Anh khá hoang mang khi nghe tin nhiều sinh viên đã nhanh chóng lên Hà Nội và thuê gần hết phòng trọ ở gần trường dù chưa có thông báo đi học trực tiếp.

cuoc chien tim tro anh 3

Đức Anh tự tin rằng có thể tìm được chỗ ở ngay khi có thông báo đi học lại của nhà trường.

“Tôi sợ rằng mình không còn nhiều lựa chọn phù hợp. Là sinh viên năm nhất, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm tìm thuê trọ. Một số vấn đề có thể kể đến như khu vực sống nằm xa trường, không đảm bảo an ninh trật tự, chủ nhà đẩy giá cao…”, cô chia sẻ.

Trong khi đó, Lê Đức Anh (21 tuổi), sinh viên năm 3 trường Đại học Kiến trúc, tự tin có thể tìm trọ và chuyển vào chỉ trong thời gian ngắn.

“Hiện nhà trường chưa có công văn chính thức nên tôi không rõ ngày nào được đi học.

Tuy nhiên, nếu chẳng may trường đột ngột thông báo trở lại học trực tiếp vào ngày 14/2 như các trường khác, tôi nghĩ mình vẫn kịp tìm phòng trọ phù hợp”, Đức Anh, ngụ tại huyện Ba Vì, chia sẻ.

Sau 3 năm đi học xa nhà, chàng trai cảm thấy có đủ kinh nghiệm trong việc tìm thuê phòng trọ. Nhớ lại hồi còn là sinh viên năm nhất, Đức Anh cho biết anh mất nhiều thời gian tìm đường khi đi xem phòng, đặc biệt những nơi nằm trong ngõ sâu.

Hiện anh cũng hiểu rõ tiêu chí chọn phòng của mình hơn trước: gần trường, phòng khép kín, linh động về giờ giấc, giá điện, nước sinh hoạt ở mặt bằng chung và nằm ở khu vực đảm bảo an ninh trật tự.

Tuy nhiên, Đức Anh vẫn không khỏi lo lắng bởi chưa nhận được thông báo đi học trực tiếp từ phía nhà trường. Anh sợ rằng sau khi đã tìm được nơi ở phù hợp và cọc tiền, mà trường lại tiếp tục học online, anh sẽ phải hủy hợp đồng thuê nhà, gây thiệt hại đáng kể kinh tế.

Năm ngoái, vì lỡ đóng tiền thuê trọ 6 tháng, anh và bạn cùng phòng bám trụ ở Hà Nội, đến đầu tháng 11 mới trở về nhà. Anh cho biết bên cho thuê có hỗ trợ chi phí trong thời điểm dịch bệnh nhưng không đáng kể.

“Đó là chưa kể đến quá trình vận chuyển đồ đạc vất vả. Nếu học online tiếp, tôi sẽ lại phải mang hành lý trở về quê dù mới đem lên phòng trọ. Do đó, tôi hy vọng nhà trường đưa thông báo sớm nhất để sinh viên có thể chủ động thời gian của mình”, anh nói.

Giới trẻ Hà Nội: 'Nhiều phim có bản lậu nhưng chỉ muốn chờ ra rạp xem'

Háo hức đặt vé khi phòng chiếu ở Hà Nội mở cửa, Minh Ngân (quận Hai Bà Trưng) cho hay cô chấp nhận mua vị trí trong góc, ngồi chéo vì "được xem phim ngoài rạp trở lại là vui rồi".

Trang Minh - Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm