Ngày 25/5, người phụ nữ họ Cheng (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc) đưa con lớn đi học rồi trở về nhà ru con nhỏ ngủ. Dù cô cố gắng vỗ về, em bé vẫn tỉnh và tiếp tục khóc lớn. Người mẹ trẻ trở nên mất bình tĩnh nên đã quát và đánh con, theo Dianshi News.
Nhưng sau đó, cô lập tức hối hận và tự tát mình.
"Tôi đã trách mình rất nhiều. Tôi sẽ học cách kiểm soát cảm xúc và thay đổi cách nuôi dạy con cái tốt hơn", cô nói.
Đoạn video ghi lại hành động của Cheng được đăng tải lên mạng xã hội. Thay vì trách móc hành động của người mẹ trẻ, nhiều người tỏ ra đồng cảm với cô.
"Tôi cảm nhận được nỗi đau của cô ấy. Chỉ những ai từng chăm sóc trẻ em mới hiểu được điều này", một cư dân mạng bình luận.
Một người khác viết: "Sinh ra em bé là việc của hai người, nhưng tại sao nuôi dạy chúng lại trở thành nhiệm vụ của riêng người mẹ?".
Hình ảnh cắt từ video cho thấy Cheng tự tát mình sau khi đánh con. Ảnh: Weibo. |
Cheng là một trong số hàng chục nghìn bà mẹ ở Trung Quốc đang thiếu thốn sự hỗ trợ của gia đình và xã hội khi chăm lo cho con cái.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, vào năm 2019, phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi dành 1 giờ 55 phút cho việc chăm sóc con cái mỗi ngày, trong khi nam giới chỉ dành 29 phút.
Trên diễn đàn về nuôi dạy con cái, một người mẹ phàn nàn rằng chồng mình ít khi tham gia chăm sóc con nhỏ. Cô mô tả thói quen hàng ngày của mình như sau:
"6h sáng, tôi bị đánh thức khi con nằm bên cạnh. 8h, tôi chuẩn bị quần áo, tã lót và 3 bữa ăn trong ngày cho con, sau đó đi làm. Buổi trưa, tôi vội vàng về nhà cho con bú. 18h, tôi tắm rửa, massage và thay quần áo cho con. 19h, tôi chơi với con. Đến 20h, tôi chỉ có thể xả hơi sau khi dỗ con đi ngủ".
Năm 2018, bà Guo Ge, giảng viên khoa Xã hội học, Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, thực hiện nghiên cứu về sự thiếu hụt hỗ trợ xã hội đối với việc nuôi dạy con cái và gông cùm của định kiến giới lên phụ nữ. Trong đó, bà nhấn mạnh rằng tư tưởng "phụ nữ nội trợ" cũ kỹ gây ra rất nhiều vấn đề về nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc.
Theo bà, chính phủ Trung Quốc cần cung cấp sự hỗ trợ xã hội toàn diện hơn cho các gia đình chăm sóc trẻ em.