Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp du lịch biến 'nguy' thành 'cơ' thời Covid-19

Giống như các nước khác, du lịch Việt Nam cũng hứng chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với khó khăn, biến “nguy” thành “cơ”.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ngành công nghiệp không khói ước tính tổn thất 300-450 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Con số này tương đương gần 1/3 tổng số 1.500 tỷ USD mà ngành du lịch thu được năm 2019.

Tổn thất của ngành du lịch toàn cầu

Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cũng ước tính, nếu đại dịch kéo dài thêm vài tháng, du lịch toàn cầu sẽ mất 75 triệu việc làm và doanh thu 2.100 tỷ USD. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch cũng phải mất khoảng 10 tháng để phục hồi.

Các địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Khải Hoàn Môn (Pháp), Kim tự tháp Giza (Ai Cập), Quảng trường Thời đại (Mỹ), Đấu trường Colosseum (Italy)... vắng như “ngày tận thế”. Các công viên giải trí Disney World, Disneyland Paris và Disneyland California cũng buộc phải đóng cửa vào tháng 3.

sungroup anh 1

Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen ở Quang Hanh - Cẩm Phả sắp mở cửa phục vụ du khách.

Ngành du lịch Nhật Bản dự báo “bốc hơi” hàng chục tỷ USD. Du lịch Indonesia dự đoán tổn thất khoảng 4 tỷ USD. Singapore mất trung bình từ 18.000 đến 20.000 lượt du khách mỗi ngày từ khi chủng mới của virus corona xuất hiện.

Du lịch Việt Nam cũng không thoát khỏi “màn đêm u tối”. Thống kê của Tổng Cục Du lịch cho thấy, trong quý I năm nay, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống… trên cả nước giảm khoảng 13.000 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ lữ hành giảm khoảng 3.500 tỷ đồng, hàng trăm nghìn lao động du lịch mất việc làm. Thiệt hại khó có thể tính đủ bằng những con số.

Chủ động để thích ứng

Các doanh nghiệp du lịch chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tuy nhiên, đứng trước tình thế khó, nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động thích ứng, biến thời gian này thành giai đoạn “dưỡng sức”, sau đó có thể “bứt phá” hiệu quả.

Là một trong những tên tuổi hàng đầu của lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, Tập đoàn Sun Group không nằm ngoài vòng xoáy khắc nghiệt của Covid-19. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc tập đoàn cho biết, doanh nghiệp này đã sớm lên kế hoạch khôi phục kinh doanh, ưu tiên chiến dịch kích cầu nội địa để đón đầu giai đoạn bùng nổ hậu Covid-19.

Với mong muốn “biến nguy thành cơ”, Sun Group đã dành thời gian nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn bị hàng loạt dự án, sản phẩm du lịch mới để đón đầu giai đoạn du lịch bùng nổ trở lại. Trong đó có thể kể đến dự án khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen ở Quang Hanh - Cẩm Phả, khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay tại Hạ Long...

Bên cạnh đó, các khu vui chơi giải trí Sun World khắp 3 miền cũng đã tận dụng quãng thời gian tạm dừng hoạt động để cải tạo cảnh quan, nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ. Từ ngày 27/4, khi các Sun World lần lượt mở cửa trở lại, du khách hào hứng trước những không gian quen mà lạ, tràn đầy sức sống mới mẻ tại các địa điểm vui chơi này.

Song song với việc áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch, tuân thủ nghiêm ngặt Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ khi hoạt động trở lại, các Sun World cũng đưa ra những chương trình kích cầu hấp dẫn, mang đến cho du khách cơ hội xả hơi sau thời gian cách ly xã hội, từng bước góp phần tái khởi động thị trường du lịch Việt Nam đã gần như tê liệt vì dịch bệnh.

Cụ thể, Sun World Fansipan Legend tại Sa Pa đang triển khai chương trình ưu đãi lớn - giảm giá vé cáp treo đến 60% cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc. Trong khi đó, khu du lịch Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng mang đến cho du khách chương trình kích cầu lớn mang tên Miền Trung - Tây Nguyên chờ chi - Bà Nà ngay đi, với giá vé cáp treo giảm đến 60% cho du khách 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

sungroup anh 2

Bà Nà Hills mở cửa trở lại với những ưu đãi hấp dẫn dành cho người dân 19 tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Lâm An - Giám đốc KDL Sun World Ba Na Hills chia sẻ: "Việc Bà Nà Hills mở cửa trở lại với những ưu đãi hấp dẫn dành cho người dân 19 tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên được kỳ vọng góp phần kích hoạt thị trường du lịch Đà Nẵng nói riêng và thị trường du lịch nội địa nói chung. Từ đó, giải quyết công ăn việc làm cho nhân lực ngành du lịch, từng bước kích cầu du lịch Việt Nam sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh”.

Ông An cho biết, KDL Sun World Ba Na Hills cũng đang lên kế hoạch liên kết kích cầu với các đơn vị khác trong ngành, ra mắt nhiều chương trình kích cầu lớn và hấp dẫn hơn, từng bước đưa thị trường du lịch nội địa ấm trở lại. “Sau đó, chúng tôi hướng đến các thị trường quốc tế với những chiến dịch khác”, ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, Sun Group còn tận dụng thời gian giãn cách xã hội để nâng cao “sức khỏe” nội tại cho doanh nghiệp, bằng cách triển khai chiến dịch Thay đổi vì tương lai - #changeforfuture với quy mô toàn tập đoàn, nhằm lan tỏa tinh thần lạc quan, tích cực, chấp nhận thử thách. Thông qua chiến dịch, mỗi cán bộ nhân viên hoàn thiện bản thân cả về thể chất lẫn trí tuệ, kiến thức, kỹ năng cho công việc.

Đến nay, khi chính thức nới lỏng cách ly, các địa phương có nguy cơ thấp bắt đầu mở cửa các điểm tham quan du lịch. Theo dự báo, du lịch Việt Nam sẽ sớm được đánh thức sau giấc ngủ đông dài, dù vẫn cần nhiều thời gian để hồi sức. Khi đó, các kế hoạch tái xuất của những doanh nghiệp lớn hứa hẹn thúc đẩy kích cầu mạnh mẽ, dần đưa du lịch trở lại đúng vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Giang Quốc Hoàng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm