Trong 3 năm kể từ 15/3, công dân 13 nước được miễn thị thực khi đến Việt Nam, không phân biệt loại hộ chiếu và mục đích nhập cảnh. Công dân các nước được miễn thị thực gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Khó hiểu
Sau khi đọc xong thông báo từ Chính phủ, điều đầu tiên các doanh nghiệp inbound (đưa khách vào Việt Nam) suy nghĩ là tại sao chỉ cho khách lưu trú 15 ngày tính từ lúc nhập cảnh. Trả lời Zing, nhiều bên cho biết họ không hiểu 15 ngày hay 30 ngày có gì khác nhau? So với tiềm năng khai thác du lịch của Việt Nam, con số 15 ngày thực sự quá ít.
"Tôi chẳng hiểu lý do gì để chọn con số 15 ngày? Khách du lịch ở càng lâu, chi tiêu càng nhiều, càng có lợi. Như thế này sẽ rất khó để cạnh tranh", ông Phạm Hà, CEO Lux Group, chia sẻ quan điểm.
Đa số doanh nghiệp lữ hành nhận xét khách du lịch, đặc biệt là khách châu Âu có xu hướng du lịch dài (18-21 ngày). Việc giới hạn thời gian 15 ngày thực sự khiến họ phải cân nhắc việc đi du lịch Việt Nam.
Khách quốc tế muốn lưu trú ở Việt Nam lâu hơn. Ảnh: Golden Bay. |
Trong khi đó, nếu cho phép khách nhập cảnh lâu hơn, hoặc cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần, du khách có thể tới Việt Nam, du lịch một số nước lân cận như Campuchia và quay về. Tạo lịch trình thuận lợi hơn cho khách hàng cũng là cách giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế.
Cũng theo đa số đơn vị lữ hành, 13 nước được miễn thị thực là con số quá nhỏ so với những đối thủ cạnh tranh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Một số doanh nghiệp gợi ý nên miễn visa cho khách Australia, Mỹ và New Zealand. Lý do đây là những tập khách hàng lớn đã trải nghiệm du lịch Việt Nam. Nếu miễn thị thực, họ có thể hào hứng với việc quay lại Việt Nam nhiều lần, cũng như giới thiệu Việt Nam cho bạn bè, người thân.
Dù chính sách visa vẫn chưa "thỏa mãn" được các doanh nghiệp, họ vẫn cho rằng tín hiệu này cũng khá tích cực, tạo khí thế cho ngành du lịch trở lại. Ít nhất, tới lúc này, doanh nghiệp đã có thể có thông tin chính thức gửi tới khách hàng - những người đang lăn tăn vấn đề visa.
"Tôi có thể dám chắc Hàn Quốc là thị trường tiềm năng nhất trong số 13 quốc gia vừa được Việt Nam miễn thị thực. Thời gian tới đây, họ sẽ là những vị khách đầu tiên tới Việt Nam. Riêng về điểm đến tiềm năng nhất, tôi tự tin đó chính là Phú Quốc.
Trong đợt thí điểm vừa rồi, Phú Quốc đã hưởng lợi lớn từ hiệu ứng truyền thông. Khi quay trở lại Việt Nam, du khách sẽ có nhu cầu tới đây", ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, giám đốc công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc, chia sẻ.
Du lịch vẫn chờ y tế
Cho tới 14h chiều 15/3 - cột mốc mở cửa du lịch, Bộ Y tế vẫn chưa có thêm thông báo nào về việc cách ly với khách nhập cảnh. Trước đó, chiều 14/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi công văn yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi quy định theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".
Tới sáng 15/3, theo cập nhật mới nhất của phóng viên, phía Bộ Y tế vẫn đang xin ý kiến Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để hoàn thiện dự thảo "Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh" (bao gồm khách du lịch).
Phản hồi cởi mở hơn của Bộ Y tế là thứ ngành du lịch cần. Ảnh: World Mate Travel. |
Trả lời Zing, ông Phạm Hà cho biết tất cả bộ, ngành đều đang chờ đợi câu trả lời cuối cùng từ Bộ Y tế. Việc đưa ra thông báo chậm trễ sẽ cản trở công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong ngày trở lại.
"Chúng ta đã chậm hơn so với các nước. Trong khi đó, nhiều nước cũng đã áp dụng chính sách thoáng hơn về vấn đề xét nghiệm. Bản thân doanh nghiệp đâu có muốn làm phiền khách như thế. Trên thế giới cũng đâu phân biệt virus quốc tế với virus nội địa?
Các nước đều có cơ hội. Bây giờ, ai thuận tiện hơn về chính sách visa, y tế thì sẽ có lợi thôi", ông Hà nói.