Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp tự ý 'cưỡng chế' đất của dân là sai luật

Các luật sư cho rằng hành động tự ý san ủi, "cưỡng chế" đất của công ty Long Sơn thay chính quyền địa phương là trái pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), các tranh chấp đất đai tại hai xã Đắk Ngo và Quảng Trực (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) thời gian qua hết sức phức tạp, dù vậy việc thu hồi đất cũng phải làm theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Ông Hưng cho rằng việc doanh nghiệp tự phát tổ chức lực lượng đi san ủi, “cưỡng chế” đất đang tranh chấp là hành động hoàn toàn sai pháp luật. Bởi, trước đó ông Ngô Xuân Lộc (Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông) cho biết Công ty Long Sơn đã tự phát san ủi vườn điều đang tranh chấp với người dân mà chưa thông báo với chính quyền địa phương.

Theo luật sư Hưng khi nhà nước giao đất cho doanh nghiệp, bao gồm cả phần đất bị người dân xâm canh thì nguyên tắc vẫn phải xem xét hỗ trợ, bồi thường tài sản trên đất.

Doanh nghiep tu cuong che dat anh 1
Hiện trường vụ xả súng khiến ba người chết tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông. Ảnh: Phước Tuần. 

Ông phân tích, theo quy định khoản 3, điều 70 Luật đất đai năm 2013, “chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế”. Đồng thời việc cưỡng chế để thực hiện quyết định thu hồi đất phải căn cứ theo quy định tại Điều 71 Luật đất đai 2013.

Người dân cũng có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định cưỡng chế do chính quyền địa phương ban hành và tòa sẽ phân xử. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp không được tự ý tổ chức lực lượng với gậy gộc, dao rựa đi “cưỡng chế”, làm thay việc chính quyền.

Đồng quan điểm, luật sư Tạ Quang Tòng, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết trong trường hợp này Công ty TNHH Thương mại Long Sơn không có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất. Nên việc công ty đứng ra tổ chức, đưa dụng cụ đến cưỡng chế là vi phạm pháp luật.

Về mặt hậu quả, việc cần quan tâm chính là sự chống trả của người dân dẫn đến thương vong. Người dân vi phạm pháp luật là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên, cần phải biết được nguyên nhân là bắt nguồn từ đâu.

Theo ông Tòng, ở đây có thể thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương cho thuê đất nhưng không tiến hành thực địa và giao nhận trên địa bàn mà chỉ giao nhận trên giấy. Từ đó không ghi nhận được có bao nhiêu vùng đất người dân đang canh tác, đất hoang hóa.

"Cơ quan chức năng không lên được phương án đền bù giải tỏa thỏa đáng cho người dân nên quyền lợi của họ bị đe dọa dẫn đến phản ứng. Việc phản ứng của người dân là sai nhưng trong việc này có trách nhiệm của chính quyền địa phương", luật sư Tòng nói. 

Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, thông tin hiện cơ quan chức năng chưa thể khẳng định chính xác khu vườn xảy ra tranh chấp thuộc quyền quản lý của Công ty Long Sơn hay không. Vì khi giao đất cho công ty, tỉnh chỉ xác định tọa độ trên bản đồ còn mốc ở thực địa thì chưa cắm.

Tuy nhiên, trước đây để giữ trật tự, tránh xung đột giữa người dân và công ty, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đang có hoạt động tranh chấp đất với người dân giữ nguyên hiện trạng.

Sáng 23/10, ba người cầm súng dạng hoa cải và thể thao xông đến bắn nhóm công nhân đang san ủi vườn điều tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Trong số các nạn nhân nằm la liệt tại hiện trường, 3 người không qua khỏi, 16 người bị thương.

Vụ xả súng ở Đắk Nông: Công ty Long Sơn tự phát san ủi vườn

Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông Ngô Xuân Lộc khẳng định: Công ty TNHH Thương mại Long Sơn đã tự phát san ủi vườn điều của người dân, chưa thông qua chính quyền địa phương.

Truy nã nghi can xả súng ở Đắk Nông làm 3 người chết

Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án xả súng khiến 3 người chết, 16 bị thương ở Đắk Nông. Công an cũng ra quyết định truy nã một nghi can.


Phước Tuần - Tây Nguyên

Bạn có thể quan tâm