Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp xa trường, cử nhân thất nghiệp

Để rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường - doanh nghiệp, hạn chế thất nghiệp và tránh phải đào tạo lại sau khi ra trường, nhiều ĐH, CĐ tuyển sinh theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Theo bản tin việc làm mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành Quản trị kinh doanh, Marketing, Tin học, Chứng khoán, Ngân hàng, Điện lực… đang thất nghiệp.

Một thống kê khác cho thấy cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh. Trong 10 cử nhân, 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.

Chính sự liên kết lỏng lẻo giữa nhà trường với doanh nghiệp dẫn đến cung - cầu vênh nhau trong đào tạo và hậu quả là nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nhằm hạn chế thực trạng này, một số trường đã chủ động tuyển sinh theo đặt hàng của đối tác.

Từ dạy nghề đến "đặt hàng” cử nhân

Trước đây, việc đặt hàng đào tạo nhân lực thường diễn ra giữa doanh nghiệp và các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Cũng có một số đại học nhận đào tạo theo hình thức này nhưng chỉ là khóa nghiệp vụ ngắn hạn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặt hàng nhân lực là cử nhân, kỹ sư.

Trước kỳ tuyển sinh 2016, Đại học Hòa Bình (Hà Nội) công bố chương trình đào tạo 60 cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng theo đơn đặt hàng nhân lực của doanh nghiệp. Trường cam kết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đạt chuẩn, sinh viên sẽ được làm việc tại ngân hàng. Sau thực tập 1 năm, sinh viên được cấp giấy chứng nhận kinh nghiệm làm việc.

Học viên trong giờ thực hành Công nghệ thông tin. Ảnh: 

Tuổi Trẻ.

Chương trình đào tạo cử nhân theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sẽ ở cấp độ nâng cao và chuyên sâu hơn, bao gồm năng lực tác nghiệp, phân tích và hoạch định, nghiên cứu chính sách về tài chính, ngân hàng. Khóa học chú trọng đào tạo các kỹ năng theo định hướng ứng dụng như Tin học theo chuẩn Quốc tế IC3, tiếng Anh giao tiếp Quốc tế (TOEIC 500), kỹ năng mềm…

Hiện nay, việc đào tạo theo đơn đặt hàng cũng nằm trong danh sách các hình thức đào tạo của một số trường như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Bình Dương, Đại học Tiền Giang…

Theo thống kê tại tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm 2013, 2014, các trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức, Cao đẳng Nghề Công nghệ, Trung cấp Nghề Hà Tĩnh, Trung cấp Nghề Kỹ nghệ… đã ký kết hợp đồng dạy nghề cho trên 1.000 lao động của hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đa số lao động đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp được tuyển dụng, bố trí việc làm và có thu nhập ổn định.

Vài năm gần đây, trường Cao đẳng nghề Kiên Giang cũng hợp tác với Công ty cổ phần Sài Gòn Phú Quốc thực hiện chương trình hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch cho huyện Phú Quốc với nội dung hợp tác đào tạo các lớp dài hạn trình độ Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và lớp bồi dưỡng ngắn hạn dưới 3 tháng mở tại Phú Quốc.

Trường cũng ký hợp tác với Công ty cổ phần Cơ Khí Kiên Giang để phát triển đào tạo các nghề thuộc nhóm nghề Cơ khí, đặc biệt là nghề Cắt gọt kim loại.

> Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016

Đặt hàng để tránh đào tạo lại

Việc các doanh nghiệp luôn than phiền về chương trình đào tạo của các trường chưa hợp lý và thiếu thực tiễn là điều khá phổ biến. Tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra đa số trường đại học, cao đẳng không đáp ứng được. Vì nhu cầu nhân lực, các doanh nghiệp “bất đắc dĩ” tuyển người và bắt đầu… đào tạo lại.

Trong bài tham luận gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2015, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra vấn đề hầu hết doanh nghiệp đang đóng vai trò "săn bắt" hơn là "nuôi trồng" nguồn nhân lực trong tương lai.

Hình thức hợp tác phổ biến hiện nay là tuyển dụng trực tiếp từ trường đại học, một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên làm thêm, thực tập.

Theo ông Sơn, rào cản lớn nhất của hợp tác trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt thông tin từ cả hai phía. Bên cạnh đó, phần lớn hoạt động hợp tác đều xuất phát từ mối quan hệ cá nhân giữa cán bộ, giảng viên trong trường đại học với đại diện doanh nghiệp, làm giảm tính bền vững và chuyên nghiệp trong quản lý, tổ chức các hoạt động.

Chính vì vậy, “liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp” chính là giải pháp phát triển nguồn nhân lực chiến lược cho các doanh nghiệp hiện nay nói riêng và giải quyết bài toán liên quan đến “khoảng cách” giữa đào tạo và sử dụng nói chung hiện nay.

Hai bên chưa gặp nhau về lợi ích

Trong chương trình Đối thoại chính sách: “Lập kế hoạch đào tạo kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”, diễn ra mới đây tại TP HCM, nhiều ý kiến quan ngại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cụ thể là thiếu mặn mà trong quá trình đào tạo sinh viên; cách thức để hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả.

Theo ông Sean Kenedy, Phó giám đốc Văn phòng Quan hệ Quốc tế, Cao đẳng Niagara, Canada, một chương trình đào tạo thành công phải có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động một cách kịp thời.

Ông Sean khẳng định, những thông tin từ thị trường lao động là quan trọng nhất đối với việc xây dựng chương trình đào tạo nghề. Trong đó, dữ liệu đáng tin cậy là thông qua việc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp để đánh giá độ tương thích chương trình đào tạo với nhu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng của sinh viên.

Còn ông Brent Howell, Trưởng khoa Công nghệ Kỹ thuật và Tài nguyên thiên nhiên, Cao đẳng Bắc Đại Tây Dương, Canada, nói, do lợi ích của đôi bên chưa gặp nhau nên khó lòng khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác.

Nhìn ở góc độ hợp tác đào tạo theo nhu cầu thực tế, cũng như việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, từ thực tế trên mà nhiều người cho rằng: Tại doanh nghiệp, tại trường, sinh viên thất nghiệp.

Chọn ngành học qua số liệu... thất nghiệp

Tham khảo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thí sinh nên cân nhắc kỹ để tránh những ngành học đang thừa nhân lực.


Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm