Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ khoa hai khối A, B: 'Chọn ngành chớ dại với cao'

Ngô Vương Minh, thủ khoa hai khối A, B kỳ thi THPT quốc gia 2015 lưu ý thí sinh, hãy chọn nghề phù hợp năng lực, hoàn cảnh bản thân, gia đình và chú ý đến cả yếu tố đầu ra.

Đam mê là điều được bạn trẻ nhắc đến nhiều nhất khi định hướng chọn ngành nghề học. Tuy nhiên, thực tế, nhiều học sinh đến giai đoạn nước rút của kỳ thi tuyển sinh vẫn không biết mình đam mê gì, không xác định được hướng đi cho bản thân. 

Chọn ngành học theo đam mê và hoàn cảnh 

Vũ Thu Thủy – thủ khoa khối C ngành Quan hệ Công chúng -Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2014 chia sẻ, học sinh nên nộp hơn một bộ hồ sơ theo các tiêu chí: Năng lực học tập, ý muốn bản thân, định hướng gia đình để có nhiều lựa chọn.

Còn Ngô Vương Minh (sinh viên Đại học Y Hà Nội) khuyên, thí sinh nên tham khảo ý kiến gia đình và tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng về ngành nghề mình định gắn bó trong tương lai trước khi quyết định.

Trong khi đó, Hoàng Đình Quang – Á khoa Đại học Ngoại thương năm 2012, lưu ý, nếu hiện tại chưa xác định được đam mê nghề nghiệp thì cũng không nên quá lo lắng. Bởi kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh nộp hồ sơ sau khi biết điểm, sẽ chủ động hơn. Quan trọng là học sinh phải nỗ lực, nếu nản chí, lười biếng thì có đam mê cũng thất bại.

Ngô Vương Minh - thủ khoa kép hai khối A,B kỳ thi THPT quốc gia 2015 và cô giáo. Ảnh: NVCC.

Theo nam sinh Đại học Ngoại thương, đam mê nghề nghiệp cũng nên dựa trên hoàn cảnh gia đình. Điều kiện gia đình khó khăn, học sinh cần cân nhắc một số phương án, có thể phải vừa học vừa đi làm thêm; hay học nghề và lựa chọn trường có miễn giảm học phí.

Chia sẻ quan điểm này, Ngô Vương Minh cho rằng, chỉ có đam mê thôi là chưa đủ, cần có tài năng thực sự và một chỗ dựa vững chắc - gia đình.

> Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016

Cách chọn nghề không mắc sai lầm

Ngô Vương Minh cho rằng, sai lầm của nhiều bạn trẻ khi chọn ngành, nghề là... đâm đầu vào các trường top cao như Y, Dược, Ngoại thương... Trong khi đó, bản thân không đam mê, không am hiểu về chương trình đào tạo, cũng như năng lực không đáp ứng được yêu cầu. "Hãy chọn nghề phù hợp, không nên để ý quá nhiều đầu vào và phải tính đến cả đầu ra nữa", nam sinh nêu quan điểm.

Còn với Hoàng Đình Quang, quan trọng là mỗi học sinh phải biết mình có đáp ứng được những điều mà ngành nghề đó yêu cầu hay không? "Ví dụ, nghề phi công đòi hỏi sức khỏe tốt, thần kinh vững, không sợ độ cao. Muốn làm luật sư, bạn phải nói năng lưu loát, không bị ngọng, tự tin... Nếu thí sinh không thể luyện tập để khắc phục các nhược điểm, đáp ứng được yêu cầu mà ngành nghề đặt ra thì không nên lựa chọn", Quang nói.

Một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là tiềm năng phát triển của ngành muốn học trong tương lai. Á khoa Đại học Ngoại thương cho rằng, khi hiệp định TPP được ký kết, một số ngành nghề cần nhiều nhân lực như xuất nhập khẩu (thủy hải sản, linh kiện điện tử, đặc biệt là các sản phẩm liên quan dệt may), xuất nhập khẩu lao động, sản xuất nguyên vật phụ liệu ngành dệt may, đầu tư nước ngoài, bất động sản, luật thương mại, luật sở hữu trí tuệ...

Xu hướng phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử cũng khiến các ngành công nghệ thông tin trở nên rất tiềm năng. Đây cũng là một trong những kênh thí sinh nên tham khảo kỹ trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp.

Hoàng Đình Quang - Á khoa Đại học Ngoại thương 2012. Ảnh: Quyên Quyên.

Nộp hồ sơ thế nào để tỷ lệ đỗ cao?

Xác định đam mê, chọn ngành nghề phù hợp là những yếu tố quan trọng, tuy nhiên, việc nộp hồ sơ là điều kiện quyết định cho kết quả đỗ hay trượt.

Từ trải nghiệm của bản thân, Vũ Thu Thủy chia sẻ, thí sinh cần cân nhắc 3 yếu tố: Lực học, số lượng đăng ký tuyển sinh và điểm trúng tuyển 3 năm gần nhất. Không nên đăng ký xét tuyển theo kiểu "tù mù", không có thông tin về ngành, trường học.

Còn Hoàng Đình Quang lưu ý, thí sinh cần nắm chắc thông tin tuyển sinh của trường sẽ nộp hồ sơ. Bộ tiêu chí của trường có thể bao gồm: Hạnh kiểm các kỳ học, học lực, điểm trung bình các kỳ học tại trường THPT, điểm thi THPT quốc gia. Trên cở sở đó, các em chuẩn bị kỹ cho bộ hồ sơ của mình "có sức nặng".

Ví dụ, có trường lại tính điểm xét tuyển dựa trên môn học ưu tiên, nếu cùng được 25 điểm nhưng nếu điểm toán cao hơn thì sẽ được chọn. Càng nắm được nhiều thông tin, học sinh càng có cơ hội trúng tuyển vì "biết người biết ta trăm trận trăm thắng".

Những ngành học dễ xin việc làm

Theo dự báo thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Kỹ thuật ôtô, Tâm lý học... là những ngành cần nhiều nhân lực trong vài năm tới.

Chọn ngành học qua số liệu... thất nghiệp

Tham khảo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thí sinh nên cân nhắc kỹ để tránh những ngành học đang thừa nhân lực.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm