Sau khi báo chí đưa tin Việt Nam vượt Mỹ, Úc về Toán, Khoa học, đứng thứ 12 bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một số chuyên gia đã nêu quan điểm về vấn đề này.
Tuy nhiên, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng, khi nào OECD công bố chính thức, mới có cơ sở xem xét.
Theo GS Thiệp, thông tin đó chỉ chung chung, chưa biết dựa trên tiêu chí cụ thể nào, nên “tôi chưa thể nói được gì”.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, phải xem xét thận trọng xếp hạng của OECD. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Nhìn từ thực tế, ông Thiệp cho rằng, giáo dục Việt Nam như thế nào thì ai cũng biết, và “chúng ta đang phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.
GS Lâm Quang Thiệp cho biết, dự kiến tuần tới, OECD sẽ công bố kết quả khảo sát này tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là kênh tham khảo và phải xem xét cẩn thận.
Ông nêu ví dụ, các đội tuyển Olympic Toán Việt Nam luôn nằm trong top đầu mỗi lần đi thi. Điều đó chứng tỏ học sinh Việt Nam giỏi Toán, nhưng không khẳng định được nền toán học nước nhà tốt.
Khi tham dự Olympic Toán, mỗi quốc gia có quan điểm khác nhau. Việt Nam lựa chọn trong cả nước để tuyển mấy em đại diện đi thi, còn với một số nước, đó chỉ là cuộc chơi.
Cũng theo GS Lâm Quang Thiệp, kết quả PISA năm 2012 không khẳng định được chất lượng giáo dục Việt Nam tốt hơn những nước xếp hạng dưới. Bởi, PISA không dựa vào chương trình giáo dục mà căn cứ trên năng lực của học sinh 15 tuổi ở trường phổ thông, trường nghề...
Qua tiêu chí đó, không thể nói tổng thể nền giáo dục Việt Nam tốt, mà chỉ có thể khẳng định 2 điều: Tố chất học sinh Việt Nam tốt, và học sinh Việt Nam có khả năng vượt khó để học tập.