Thế giới đã thay đổi theo chiều hướng khó đoán trong vài năm trở lại đây. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn bởi tác động từ đại dịch nhưng cũng chính điều đó đã giúp cho văn học lãng mạn nở rộ, theo The Guardian.
Emily Henry, tác giả truyện lãng mạn, chia sẻ: “Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn và cảm thấy tồi tệ, một cuốn sách với cái kết có hậu trở thành một món quà giúp bạn vượt qua nỗi buồn”.
Tại Anh, doanh thu tiểu thuyết lãng mạn bắt đầu tăng vọt kể từ năm 2012, mở đầu bằng việc “Fifty Shades of Grey” (50 sắc thái) trở nên nổi tiếng và xuất hiện trên các bảng xếp hạng. Từ khi ra mắt, cuốn sách này vẫn duy trì doanh số ổn định, thậm chí tăng đều qua mỗi năm.
Người trẻ cởi mở hơn với việc đọc sách nói về tình yêu. Ảnh: Vogue. |
Mạnh dạn nói về mọi sắc thái của tình yêu
Beth O'Leary, tác giả cuốn “The Flatshare” (Người lạ chung giường), cho rằng cộng đồng BookTok (kết hợp giữa "book" và Tik Tok), đã thay đổi vị thế của tiểu thuyết tình cảm.
“Thay vì phải giấu giếm như trước đây, người trẻ tự hào khi là độc giả của những câu chuyện lãng mạn. Họ thẳng thắn chia sẻ tình yêu của mình với tác phẩm trên mạng xã hội”, cô nói
Emily cũng chia sẻ niềm vui của mình khi thấy thể loại sách này đang ngày được đón nhận.
Cô kể lại: “Tôi đã lớn lên với quan niệm rằng đọc những cuốn sách như vậy là đáng xấu hổ. Thật vui khi thấy độc giả sẵn sàng làm video về phản ứng của mình với những cảnh tình tứ trong sách, kể cả những cảnh nóng. Tôi thấy rằng chúng ta đang cởi mở hơn và dần không còn ngượng ngùng khi nói về ham muốn, đặc biệt là với phụ nữ”.
Những cuốn tiểu thuyết lãng mạn ngày càng trở nên ăn khách. Ảnh: TV Insider. |
Sự thay đổi này được phản ánh khá rõ ràng trong các số liệu. Thay vì mua sách điện tử, dễ đọc và riêng tư hơn vì khó thấy bìa sách, giới trẻ lại ủng hộ sách in nhiều hơn.
Thống kê của Nielsen Book trên nhóm người tiêu dùng từ 13-24 tuổi cho thấy sách in chiếm tới gần ⅔ số tiểu thuyết tình yêu được mua vào. Trong khi đó, tỷ lệ này ở những nhóm tuổi khác không vượt quá 40%.
Lizzie Damilola Blackburn, một nhà văn khác cho biết: “Đại dịch đã tạo ra một bước ngoặt. Sự lãng mạn được coi là một thú vui tội lỗi trong một thời gian dài. Nhưng giờ đây mọi người có thể mạnh dạn nói rằng họ đang đọc những câu chuyện tình”.
Phá vỡ tiêu chuẩn
Không chỉ dừng lại ở sự lãng mạn, nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết thể loại này cũng trở nên đa dạng hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ của những cuộc gặp gỡ điển hình giữa một cô gái và một chàng trai có ngoại hình và đi theo những tình tiết lối mòn.
“Sách có ý nghĩa hơn khi nó đại diện cho tất cả con người trong xã hội”, Lizzie khẳng định.
Tình tiết và nhân vật của những cuốn truyện tình cảm được đa dạng hóa và hấp dẫn hơn. Ảnh: Radio Times. |
Tác giả TJ Klune cũng đã giành được nhiều lời khen ngợi khi khai thác câu chuyện về các nhân vật là LGBTQ+ hay những người mắc bệnh bẩm sinh trong các cuốn sách của mình.
Một trong số đó là “Heat Wave”, kể về Nick, cậu thanh niên 16 tuổi mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý).
Chia sẻ về những tác phẩm của mình, Klune nói: “Sự lãng mạn không phải chỉ cho số đông. Nó cũng dành cho số ít những người chịu thiệt thòi về thể chất, những người đồng tính, những người từ mọi tầng lớp xã hội, những người chưa từng được xuất hiện như nhân vật chính trong bất kỳ hình thức truyền thông nào trước đây”.
Nhà văn Imogen Crimp cho biết các tác giả ngày nay ít chấp nhận những cốt truyện đã quá cũ. Cô cho rằng: “Thay vì đi theo truyền thống, chúng tôi muốn khai thác những khía cạnh khác trong các mối quan hệ”.
Mạng xã hội dành cho người yêu sách
Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.