Việc thể hiện cá tính thông qua các màu đang trở thành xu hướng làm đẹp mới tại Hàn Quốc. Đây không chỉ là trào lưu trong giới mộ điệu mà ngay cả những người bình thường cũng tìm đến các chuyên gia để được tư vấn.
“Tôi nghĩ mình là người hợp tông màu lạnh, nhưng vẫn muốn đi tư vấn để có kết quả đúng nhất. Tôi khá nhẹ nhõm khi biết rằng mình thực sự hợp với màu lạnh. Kể từ đó, tôi luôn cố gắng tìm những món đồ thời trang có màu sắc dựa theo gợi ý mà tôi nhận được”, nhân viên văn phòng Kim Hye-min (27 tuổi) chia sẻ.
Hầu hết chuyên gia tư vấn về màu sắc cá nhân sẽ có một chồng các mẫu vải màu khác nhau trong bộ công cụ của mình. Khách hàng sẽ cần để mặt mộc khi tới nhận tư vấn và được đánh giá dựa trên làn da chưa qua trang điểm. Màu sắc được coi là không phù hợp khi làm gương mặt tối đi.
Màu sắc chủ đạo trở thành phương pháp xác định phong cách cá nhân của giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh: Preview. |
Các buổi tư vấn như vậy thường có giá dao động từ 38-117 USD.
Kim Min-kyoung, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu về màu KMK đồng thời là một chuyên gia tư vấn màu sắc, cho biết màu sắc cá nhân đã trở thành xu hướng mới, nhất là sau đại dịch, mọi người quan tâm đến bản thân hơn, họ đặc biệt chú ý đến sở thích và những gì phù hợp.
Theo Kim, nếu thời gian hoặc tiền bạc trở thành vấn đề, trí tuệ nhân tạo có thể là một cách khác để tìm ra màu sắc phù hợp một cách khách quan. Tại Hàn Quốc, nhiều ứng dụng đã được ra đời để phục vụ nhu cầu này.
Những người trẻ chạy theo trào lưu
Những người trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30, hay còn gọi là thế hệ MZ, phụ thuộc rất nhiều vào màu sắc cá nhân khi đưa ra quyết định về phong cách.
Kang Yi-reh (25 tuổi, sống tại Seoul, Hàn Quốc) chia sẻ: “Tôi đã tìm ra màu sắc chủ đạo qua chương trình của một cửa hàng mỹ phẩm. Kể từ đó, mọi sản phẩm từ đồ làm đẹp đến quần áo và phụ kiện đều được tôi mua dựa trên màu sắc cá nhân đó”.
Kang cho biết cô tiếp xúc với khái niệm màu sắc cá nhân sau khi nghe một người bạn kể về buổi tư vấn để tìm kiếm màu sắc của riêng mình và đối với cô điều đó khiến cho người bạn trở nên có sức hút hơn.
“Cô ấy đã thay đổi mọi thứ bên ngoài theo kết quả nhận được sau buổi tư vấn. Cá nhân tôi, sau khi làm điều tương tự, rất nhiều bạn bè đã nói rằng trông tôi khác hẳn trước đây. Tôi cảm thấy hình ảnh của mình đã được cải thiện sau khi làm theo lời khuyên”, cô nói.
Ngay cả nam giới cũng tỏ ra thích thú với việc tìm cho mình một màu phù hợp. Ảnh: Korea JoongAng Daily. |
Theo giáo sư Han, người tiêu dùng Hàn Quốc đặc biệt nhạy cảm với xu hướng và cách người khác nhìn nhận về họ. Trong khi ở nhiều nước khác, tính tôn trọng sở thích cá nhân và sự đa dạng về sắc tộc khiến cho mọi người làm điều mình thích trong thời gian dài, ở Hàn Quốc, mọi người có xu hướng chạy theo trào lưu.
Thị trường liên quan đến màu sắc chủ đạo được dự đoán sẽ phát triển hơn nữa tại Hàn Quốc. Theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm nước này, vào năm 2021, quy mô thị trường mỹ phẩm được cá nhân hóa đã tăng lên 1,1 tỷ USD bất chấp đại dịch và có khả năng tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2025.
Không chỉ phổ biến với phái nữ, đây cũng là xu hướng được nhiều nam giới hưởng ứng. Vận động viên trượt băng tốc độ Olympic Kwak Yoon-gy cũng đã kể về kinh nghiệm gặp chuyên gia để tìm ra màu sắc chủ đạo cho mình trên kênh YouTube cá nhân.
Kim, nhân viên Viện nghiên cứu màu sắc KMK, cho biết đối với nam giới, màu tóc, cà vạt và áo sơ mi có thể thay đổi ấn tượng của họ trong mắt người đối diện.
“Tìm ra màu sắc cá nhân là một cách để bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình, ít nhất là về những thứ bên ngoài. Đó cũng là cách để tôi hiểu hơn về người khác”, Kim nói.
Nguồn gốc
Sự phân tích màu sắc phân loại con người thành 12 nhóm khác nhau nhằm xác định bảng màu và sắc độ phù hợp với từng người.
12 nhóm màu này được chia đều tương ứng với 4 mùa chính. Tùy thuộc vào những đặc điểm ngoại hình, mỗi người sẽ được xếp vào các mùa xuân hạ thu đông. Trong 4 mùa này lại có những sắc độ khác nhau như light (sáng), cool (lạnh), soft (nhẹ), dark (tối) hoặc warm (ấm).
Mùa đông và mùa hè được coi là tông màu lạnh còn mùa xuân và thu được xếp vào nhóm màu ấm.
Đa số buổi tư vấn ở Hàn Quốc bắt đầu bằng việc xác định tông màu cho khách hàng. Nếu vị khách đó hợp với sắc cam, đỏ có nghĩa là họ hợp tông ấm và ngược lại.
Phân loại màu sắc theo mùa đã bắt đầu phổ biến từ những năm 1980. Ảnh: Korea JoongAng Daily. |
Mặc dù chỉ mới bắt đầu trở thành trào lưu trong giới trẻ, màu sắc cá nhân là một phương pháp làm đẹp đã có từ khá lâu đời.
Han Ji-su, giáo sư ngành làm đẹp tại Đại học Nữ sinh Sungshin, cho biết: “Từ những năm 1990, việc sử dụng màu theo đặc điểm cá nhân đã là một phần không thể thiếu trong ngành làm đẹp ở Hàn Quốc. Nó được biết đến nhiều hơn sau khi cuốn sách có tựa đề 'Color Me Beautiful' được xuất bản những năm 1980 dựa trên lý thuyết của Itten”.
Johannes Itten (1888-1967) là người đầu tiên chia màu sắc thành ấm và lạnh, sáng và tối. Lý thuyết màu sắc bốn mùa của nhà lý luận nghệ thuật và màu sắc người Thụy Sĩ được coi là nguồn gốc của trào lưu cá nhân hóa màu sắc.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.