Martin Kilduff, giáo sư về hành vi Đại học London, cho biết: “Người trẻ bây giờ nói về sự cân bằng trong công việc và cuộc sống hay những kỳ vọng của mình thoải mái hơn rất nhiều so với trước đây. Họ lên tiếng nhiều hơn, theo một cách tích cực. Và để cho người khác thấy mình đang nghĩ gì”.
Tuy nhiên, song hành với điều đó, những người lao động trẻ phải đối mặt với một nghịch lý.
Mặc dù việc bày tỏ ý kiến vẫn được khuyến khích như một điều cần phải có ở các công ty, trong nhiều trường hợp, quản lý hay những người lớn tuổi hơn lại quen với suy nghĩ phải làm nên chuyện thì mới có quyền nói và không nên tỏ vẻ trước mặt cấp trên, theo BBC.
Trong khi những người lớn tuổi cho rằng nên im lặng làm việc, giới trẻ ngày nay lại có suy nghĩ ngược lại. Ảnh: Thirdman/Pexels. |
Nghĩa vụ phải nói ra
Mong muốn ý kiến của mình được tiếp thu không phải là mới. Một nghiên cứu năm 2011, về người lao động thuộc thế hệ millennial – những người lúc bấy giờ mới bước chân vào thị trường lao động, chỉ ra rằng 90% tin rằng lãnh đạo nên lắng nghe ý kiến của họ.
Và vấn đề này đang ngày càng nổi cộm hơn nữa ở thời của Gen Z. Theo các chuyên gia, họ đang tiếp nối những kỳ vọng từ thời millennial và phát triển chúng.
“Việc cất tiếng nói đối với người trẻ thời nay giống như một nghĩa vụ đạo đức vậy”, Haydn Shaw, tác giả cuốn “Sticking Points: How to Get 4 Generations Working Together in the 12 Places They Come Apart” (tạm dịch: Mấu chốt để 4 thế hệ làm việc cùng nhau), cho hay.
Có nhiều lý do khiến lao động trẻ ngày càng khao khát có tiếng nói. Họ đang đưa những giá trị của mình vào nơi làm việc, chú tâm nhiều hơn đến đạo đức, lập trường cũng như sự bình đẳng ở công ty.
Gen Z có mong muốn được thể hiện mình nhiều hơn các thế hệ trước. Ảnh: Thirdman/Pexels. |
Kyle Brykman, trợ lý giáo sư quản lý tại Đại học Windsor (Canada), cho biết các điều kiện kinh tế hiện tại cũng có thể giải thích lý do tính cá nhân được biểu hiện theo cách rõ rệt hơn trước.
Địa vị của người lao động đã dần được cải thiện theo thời gian, bởi vậy, họ nghĩ nhiều hơn về quyền lợi cho bản thân. Có những người sẽ gặp may mắn khi làm việc trong môi trường mà thế hệ trẻ có thể tham gia vào các cuộc thảo luận và được tạo điều kiện để nói ra những ý kiến của mình.
Dưới ảnh hưởng từ thế hệ millennial, thậm chí nhiều công ty đã thuê chuyên gia để cải thiện tính đa dạng và hòa nhập hay có các chương trình thu hút tiếng nói, ý tưởng, phản hồi của nhân viên trẻ.
Giáo sư Kilduff cho rằng đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của các công ty. Ông nói: “Tìm và hiểu được nhân viên của mình là lợi thế để giữ chân người lao động trong bối cảnh việc tuyển dụng ngày càng khó khăn và nhân tài thì khan hiếm”.
Mặt khác của câu chuyện
Trong khi một số nơi đang làm rất tốt, vẫn còn đó nhiều môi trường mà việc giơ tay phát biểu trong cuộc họp cũng không hề đơn giản.
Nguyên nhân chính của sự mất kết nối này là những chuẩn mực và quan điểm lỗi thời đã ăn sâu vào suy nghĩ của người lãnh đạo. Họ yêu cầu nhân viên mới, trẻ tuổi hơn phải chờ đến lượt mình lên tiếng sau khi đã có một thời gian “trả giá”.
Haydn Shaw so sánh thực trạng này với những buổi họp mặt gia đình: “Ông bà, bố mẹ của bạn được dạy rằng con cháu phải ngồi ở bàn nhỏ và chờ cho đến khi được mời ngồi vào bàn chính. Chính suy nghĩ phải đợi tới lượt đó đã chi phối cuộc sống của họ”.
Sự khác biệt về suy nghĩ trở thành rào cản giao tiếp giữa sếp lớn và nhân viên trẻ. Ảnh: Mart Production/Pexels. |
Đối với thế hệ X và Baby Boomers chính trị hay cuộc sống cá nhân được coi là những chủ đề không nên nói ở nơi làm việc. Một cuộc khảo sát từ nền tảng dành cho nhân viên do Perceptyx phát triển cho thấy một nửa số lao động trên 45 tuổi muốn cấm thảo luận chính trị tại văn phòng, trong khi phần lớn người trẻ hưởng ứng việc này.
Một số quy tắc làm việc được duy trì từ quá khứ dựa trên những chuẩn mực cũ và những người thuộc thế hệ trước mong đợi Gen Z cũng sẽ chấp thuận và tuân theo như họ đã làm. Họ học cách giữ im lặng vì điều đó giúp cuộc sống dễ dàng hơn và kỳ vọng thế hệ sau cũng phải làm như mình.
Suy nghĩ này đã có ảnh hưởng nhiều đến những người trẻ. Ví dụ, một người mới đi làm sẽ ít có khả năng lên tiếng hơn và khi lên tiếng, những ý tưởng của họ sẽ phải “núp bóng” hoặc quy cho người có vị trí cao hơn.
Khó chịu bởi sự khác biệt
Theo Shaw, Một số nhà quản lý, không muốn lắng nghe ý kiến của cấp dưới bởi không muốn trở thành kẻ xấu, từ chối yêu cầu hoặc dập tắt ý tưởng của người khác. Họ chỉ đơn giản là không có câu trả lời có thể khiến người nghe hài lòng.
Ngoài ra, khoảng cách thế hệ cũng là lý do khiến nhiều cấp trên không thoải mái khi giải quyết vấn đề lao động trẻ đặt ra. Trong khi gen X và Baby Boomers quen việc giải quyết các vấn đề riêng tư ở nhà, Gen Z lại thường mang những câu chuyện này tới chỗ làm. Nó không chỉ gây khó chịu mà còn là một thách thức lớn với thế hệ cũ.
“Việc thể hiện cảm xúc nhiều hơn tại nơi làm việc thay vì giữ kín và tỏ ra ổn định là thay đổi lớn. Đôi khi nó trở nên quá tải và những người quản lý không biết cách để xử lý nó”, Shaw nói.
Những cuộc trò chuyện có thể là cách để thu hẹp khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels. |
Chia sẻ về giải pháp cho thực trạng này, Kilduff cho rằng: “Một cuộc trò chuyện hai chiều có thể mang lại “sự hợp tác hiệu quả” cho cả hai bên. Người lao động trẻ có thể lên tiếng trong khi các lãnh đạo lớn tuổi đưa ra lời khuyên về dựa trên kinh nghiệm về cạm bẫy cũng như cơ hội trong công việc”.
Các nhà quản lý nên xây dựng một môi trường an toàn, nơi mọi người được trao quyền để đặt câu hỏi, đưa ra yêu cầu và ý tưởng. Shaw cho biết việc tạo ra sự an toàn về tâm lý sẽ giúp nhân viên cảm yên tâm và cởi mở hơn khi cất tiếng nói.
Các công ty cũng có thể được hưởng lợi từ việc này. Họ có thể tránh được tình trạng lao động trẻ nghỉ việc và đỡ được chi phí tuyển dụng trong tương lai.
Tuy nhiên, lao động trẻ hiện nay có lẽ vẫn sẽ phải chấp nhận phần nào thực tế và tuân theo các quy tắc nhất định bởi người có quyền quyết định vẫn đa số là người của thế hệ cũ. Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi chỉ thật sự đến khi thế hệ trẻ trở thành người đứng đầu.
Helly Tống: Tôi đọc sách để tưởng tượng và lắng nghe chính mình'
Chia sẻ với Zing Lifestyle, Helly Tống nói điều làm cô thích nhất ở một cuốn sách là ngôn ngữ, cảm xúc và mạch truyện. 9X cho biết khi tò mò về một nhân vật nào đó, cô sẽ dành nhiều thời gian xem tài liệu về họ.