Bố anh A. tham gia giao thông và va chạm với một người đàn ông cố tình đi ngược chiều. Bố anh bị gãy chân, phải phẫu thuật, đóng đinh còn người kia ngã đập đầu, tụ máu não và qua đời sau đó 10 ngày.
Thời điểm xảy ra tai nạn, bố anh A. di chuyển đúng tốc độ và phần đường quy định. Anh A. thắc mắc khi người đàn ông kia đã qua đời, ai là người có trách nhiệm bồi thường cho bố mình trong trường hợp này.
Luật sư Hà Kim Tâm. Ảnh: NVCC. |
Luật sư Hà Kim Tâm (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Onekey & Partners) cho biết nếu anh A. chứng minh được thiệt hại do người đàn ông kia gây ra, vợ và con của người này sẽ có trách nhiệm bồi thường cho bố anh.
Khoản 1, Điều 615, Bộ luật Dân sự 2015, quy định những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Do đó, nếu có đủ căn cứ chứng minh bố anh A. chịu thiệt hại do người đàn ông kia gây ra, anh có thể yêu cầu những người hưởng thừa kế bồi thường thiệt hại.
Khoản 1, Điều 651, Bộ luật Dân sự 2015, quy định thứ tự những người thừa kế theo pháp luật như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Hàng thừa kế thứ hai gồm ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Thứ tự ưu tiên hưởng thừa kế được sắp xếp theo thứ tự các hàng thừa kế. Những người có tên trong hàng thừa kế thứ nhất phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trước. Nếu hàng thừa kế trước không còn ai, hàng thừa kế sau phải thực hiện.