Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đối chất vụ 'Lê Hoàng bị tố tráo kịch bản phim'

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nói, phim "Cát nóng" được nhà nước tài trợ 6 tỷ đồng và đề tên ông nhưng thực chất nó đã bị tráo bởi một kịch bản hoàn toàn khác của đạo diễn Lê Hoàng.

Đối chất vụ 'Lê Hoàng bị tố tráo kịch bản phim'

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nói, phim "Cát nóng" được nhà nước tài trợ 6 tỷ đồng và đề tên ông nhưng thực chất nó đã bị tráo bởi một kịch bản hoàn toàn khác của đạo diễn Lê Hoàng.

Sau khi bộ phim Cát nóng trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội lần 2 gây thất vọng nặng nề cho dư luận, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, Ủy viên Hội đồng Thẩm định và Tuyển chọn kịch bản Trung ương - Cục Điện ảnh Việt Nam, Nguyên Phó Chủ Tịch Hội Điện Ảnh TP.HCM, quyết định lên tiếng. Ông cho biết, kịch bản phim với tên gọi là Cát nóng ban đầu do chính ông viết, được Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt và Cục điện ảnh giải ngân 6 tỷ đồng duyệt để sản xuất. Đơn vị sản xuất là Hãng phim Giải Phóng.

"Theo tôi biết, bên hãng phim mời nhiều đạo diễn như Hồ Quang Minh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh nhưng họ không thực hiện được với nhiều lý do. Sau đó, hãng phim có mời được đạo diễn Lê Hoàng nhưng vị này không làm được theo kịch bản của tôi mà yêu cầu thay thế kịch bản khác được viết lại dựa trên cái sườn của tôi.

 
Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân.

Kịch bản của tôi nói về cặp vợ chồng nông dân trồng dưa trên một vùng cát trắng như ở Bình Thuận. Họ phải đối mặt với thiên tai, hạn hán… nhưng khi những luống dưa tươi tốt, họ lại phải chiến đấu với những con giông thích cắn phá dưa. Người chồng đã bị cát vùi lấp chết khi đào bắt con giông cuối cùng phá hoại vườn dưa.

Lê Hoàng không thể làm phim dựa trên kịch bản này của tôi bởi vì tư duy, thẩm mỹ của tôi và vị đạo diễn Gái nhảy này quá khác nhau. Vị này cũng không thể quay những con giông như trong kịch bản của tôi nên đã viết lại kịch bản khác cho dễ sản xuất nhưng vẫn được hãng phim chấp nhận. Trong kịch bản của Lê Hoàng, cảnh phim cũng là những đồi cát nhưng nội dung hoàn toàn khác. Đó là sự tranh chấp đất đai khi thu hồi, giải phóng mặt bằng của chủ resort với 2 chị em chủ đất", nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nói.

 
Một cảnh trong phim Cát nóng.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho biết, ông đã lên tiếng xin hãng phim Giải phóng cho rút tên và kịch bản khỏi dự án phim trước khi sản xuất phịm nhưng không được. Giám đốc hãng phim Giải Phóng là ông Thái Hòa không đồng ý và yêu cầu ông Nhân đứng tên trên kịch bản của Lê Hoàng, giữ lại tên phim cho hợp thức hóa. Sau đó, ông Nhân đề nghị và được ông Hòa cấp cho một văn bản xác nhận quyền sở hữu nội dung kịch bản Cát nóng trước đó để sau này sản xuất với điều kiện là phải đổi tên khác.

Ông Nhân không dám "làm căng", đổi tên kịch bản lại là Mùa dưa vì lúc đó đang làm cho hãng phim này, khó khăn lắm mới được nhà nước duyệt và cấp kinh phí sản xuất. "Tuy nhiên, sau khi bộ phim được công chiếu đã có nhiều điều tiếng, bạn bè của tôi chỉ trích tôi khá nhiều. Tôi thấy cần phải lên tiếng bộ phim không phải là của tôi. Tôi không phỉ báng gì Lê Hoàng nhưng thẩm mỹ, quan điểm về phim của tôi hoàn toàn khác, được thể hiện qua mấy chục năm nay. Tôi cũng không cần gì bởi trước khi bộ phim sản xuất, tôi cũng khẳng định với đoàn phim là nếu có đoạt giải gì sau này về kịch bản, tôi cũng trả lại cho Lê Hoàng", ông Nhân nói.

 
Đạo diễn Lê Hoàng.

Sáng 22/12, Hãng phim Giải Phóng đã triệu tập buổi họp trực tiếp giữa các bên nhằm làm sáng tỏ sự việc. Tham dự buổi họp có ông Thái Hòa - Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, các bên liên quan gồm đạo diễn Lê Hoàng, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, các thành viên hội đồng nghệ thuật hãng phim như đạo diễn Đào Bá Sơn, ĐD Hồ Ngọc Xum, nhà văn Văn Lê...

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân giãi bày, kịch bản phim Cát nóng ông viết cách đây 14 năm (tựa cũ là Mùa dưa). Kịch bản này được hội đồng duyệt kịch bản quốc gia duyệt 6 tỷ đồng để làm phim sau khi hợp tác bất thành với một số đạo diễn. Ông Thái Hòa giao kịch bản này cho đạo diễn Lê Hoàng - người trước đó cũng đã từ chối. Lần này đạo diễn Lê Hoàng nhận nhưng với điều kiện là kịch bản phải được viết lại với nội dung theo ý của vị ông. 

Ông Nhân cho rằng, dù nội dung kịch bản phân cảnh của đạo diễn Lê Hoàng không như kịch bản của ông. Tuy nhiên trước đây từng có trường hợp là một bộ phim đứng hai tên tác giả kịch bản là kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh. Ví dụ: phim Trăng nơi đáy giếng có kịch bản văn học là Bích Thủy, kịch bản phân cảnh là đạo diễn Vinh Sơn. Vì thế, ông Nhân cho biết đã có tiền lệ này, ông cũng chấp nhận.

Trong vụ này ông Nhân nói, ông cũng không có ý kiện cáo, nhưng phim Cát nóng bị dư luận chê nhiều, một mặt bị gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... chất vấn, gây sức ép quá nên ông phải lên tiếng. Sau phần giải trình của ông Phạm Thùy Nhân, đạo diễn Lê Hoàng trình bày ngắn gọn hai ý. Thứ nhất, quy trình làm phim Cát nóng là công khai, theo trình tự của ban giám đốc, hội đồng nghệ thuật hãng phim. Lê Hoàng không phải lén lén lút lút cầm kịch bản người khác để làm ra sản phẩm của mình, không thể nói đạo diễn Lê Hoàng là “âm mưu rút ruột” kịch bản người khác.

Quách Ngọc Ngoan trong phim Cát nóng.

Thứ hai, Lê Hoàng đòi hỏi ông Phạm Thùy Nhân phải có cách cư xử "trượng phu". Làm nghệ sĩ ắt có tác phẩm hay, dở. Nếu tác phẩm hay cùng vui, nhưng đừng vì phim dở mà quay sang phản ứng như vậy.

Ông Thái Hòa nhấn mạnh, trong 8 cuộc họp hội đồng nghệ thuật về kịch bản phim Cát nóng đều có mặt ông Phạm Thùy Nhân. Sở dĩ ông giao kịch bản cho đạo diễn Lê Hoàng là vì áp lực thời gian phim phải ra mắt trong năm 2012, trong khi các đạo diễn do ông Phạm Thùy Nhân giới thiệu đều từ chối hoặc không đủ điều kiện. Giữa hãng phim và ông Phạm Thùy Nhân đã có những thỏa thuận bằng văn bản, tiền tác quyền 80 triệu đồng mà ông Phạm Thùy Nhân yêu cầu bên hãng phim cũng trả đủ. Cuộc đối chất khép lại với không khí ôn hòa hơn người ta tưởng. Sắp tới, ông Phạm Thùy Nhân vẫn hợp tác với Hãng phim Giải Phóng một dự án 50 tập phim. 

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm