Từ tình yêu
Tuấn cho biết, nhóm được thành lập từ tháng 4/2012, bởi anh Nguyễn Tràng An và chị Nguyễn Lương Tuyết Nhung. Vốn là những người tham gia nhiều diễn đàn yêu động vật nên anh An và chị Nhung đã biết tới hoạt động cứu hộ chó mèo của một số nhóm khác đang phát triển thành công nhưng chủ yếu ở Sài Gòn.
Trong đó là nhóm Yêu Động Vật của bạn Vi Thảo Nguyên hoạt động rất ấn tượng. Trong quá trình sinh hoạt trên diễn đàn, nhận thấy số lượng chó mèo bị bỏ rơi tại Hà Nội ngày một gia tăng, An và Nhung quyết định thành lập Trạm cứu hộ tương tự như thế ở Hà Nội.
Trần Đảng trèo cây xà cừ cao qua nóc nhà để cứu mèo. |
Thời điểm mới thành lập, do nhân lực có hạn nên mỗi tháng nhóm chỉ cứu hộ được khoảng 10 con chó mèo. Sau đó, nhờ mạng xã hội, nhóm đã được nhiều người biết đến và đăng ký tham gia. Thời gian gần đây, trung bình mỗi tháng số chó mèo được cứu hộ đã tăng lên gần 40 con/tháng, không phân biệt tình trạng đang khỏe mạnh hay ốm đau, bạo hành.
Số chó mèo mà trạm tiếp nhận được phân loại theo tình trạng sức khoẻ. Với những trường hợp bệnh nặng hoặc cần được cấp cứu khẩn cấp thì trạm đưa ngay đến phòng khám thú y. Các trường hợp bệnh nhẹ có thể tự chăm sóc được (hoặc đã phục hồi một phần sau khi được chạy chữa ở phòng khám) sẽ được đưa về nhà các thành viên ở quanh Hà Nội để chăm sóc, tiếp đến khi sức khỏe ổn định sẽ chuyển về nhà chủ mới.
Tuy nhiên, có đến 1/3 trường hợp chó mèo được cứu hộ nhưng không sống được do sức khỏe quá yếu hoặc bị bỏ đói lâu. Những trường hợp này nhóm sẽ mang ra các khu đất xa trung tâm để chôn và xử lý đúng theo quy trình phòng chống dịch bệnh gia súc.
Gặp các bạn trẻ của nhóm tại một buổi gặp gỡ định kỳ hằng tháng, tôi hỏi tại sao lại đặt tên nhóm trên mạng xã hội là "Trạm cứu hộ chó mèo"? Tuấn cười: "Không thể đặt là "Bạn trẻ hay 9X" được vì trong số thành viên của nhóm có cả những người lớn tuổi. Bác Diệp ở phố Đông Tác (Đống Đa) là một điển hình. Năm nay bác đã ngoài 60 tuổi, tuy không trực tiếp đi cứu hộ nhưng bác là một trong những thành viên tích cực nhất nhận chó mèo về nuôi hoặc tìm chủ mới cho chúng".
Cứu mèo như… bắt trộm
Số chó mèo được cứu hộ của nhóm hiện nay rất nhiều và được chăm sóc tốt ở khắp nơi. Nhưng kể về những lúc đi cứu hộ, nhiều thành viên của nhóm cũng không khỏi rùng mình: "Tại sao lúc đó mình lại làm được những việc tưởng chừng như điên rồ đó".
Trần Đảng (SN 1989) là nhân viên làm việc trong một khách sạn ở Hà Nội kể về lần cùng Ngọc Quang (thành viên trẻ nhất, SN 1997) đi cứu một chú mèo mắc trên ngọn cây xà cừ. Đảng cho biết: "Nhận được thông tin từ các bạn thành viên, Đảng và Quang đến nơi thì thấy chú mèo nằm tít tận ngọn cây. Rất may là có người dân gần đó cho Quang trèo lên mái nhà và mượn thang vắt qua cây xà cừ cứu mèo xuống".
“Nhiều trường hợp vừa tự trèo, vừa run, miệng ngậm dao hoặc cái kéo phòng khi mèo bị mắc. Em thấy mình hơi giống phim hành động, may mà em có võ!” - Quang, cậu học sinh cấp 3 cười toe.
Ngọc Quang vui mừng vì chú chó vừa cứu được có sức khỏe khá tốt. |
Được biết, Đảng và Quang là hai thành viên tập võ từ nhỏ nên được phân công phụ trách nhóm trực tiếp cứu hộ. Đảng kể thêm về lần cứu hộ nhớ đời của nhóm. Hôm đấy có ổ mèo con được mèo mẹ tha lên vị trí vừa kín vừa hiểm, đến nỗi chính mèo mẹ sau đó nhảy lên còn bị trượt chân rơi xuống. Các tình nguyện viên phải nghe ngóng, rọi đèn, quan sát khắp nơi mới xác định được vị trí chính xác. Đảng giữ cho Quang (người nhỏ hơn) nhoài hẳn người ra ban công mới kéo mèo lên được… Đấy là chưa kể tai bay vạ gió khi cứu hộ còn gặp rắn, rết ở những góc tường ẩm thấp trên mái nhà, gác bếp…
Bên cạnh yêu thương động vật cùng sự dũng cảm, nhóm còn có những thành viên rất kiên trì và khôn khéo mới có thể cứu được những chú chó, mèo bị nạn ở những vị trí hiểm. Huyền Trang, cô gái phụ trách việc tìm người nuôi dưỡng chó mèo sau cứu hộ là một ví dụ. Cạnh nhà Trang có một khu đất trống, xung quanh nhà xây kín. Một hôm Trang thấy có chú mèo con kêu cả ngày dưới đó, không cách nào leo lên được. Trang lên mạng tìm kiếm và nhờ các bạn trong diễn đàn góp ý. Sáng hôm sau, Trang cho thức ăn vào một cái lồng nhỏ, buộc dây rồi thả xuống. Ngồi canh đến gần cuối giờ chiều, chú mèo con đói quá, mò vào lồng ăn. Khi kéo được mèo lên thì Trang mới nhớ là mình cũng quên ăn cơm trưa.
Như Trang còn được ngồi trong nhà, trường hợp của Thúy Vân (SN 1989) còn đáng nể hơn. Mấy lần đi học về, Vân thấy một chú mèo xơ xác, cổ bị quấn dây hay lấp ló rình thức ăn. Lần ấy, sau khi tan học, Trang mất 2 buổi ngồi rình cạnh… đống rác mới bắt được mèo.
Khó khăn là vậy, nhưng hiểm nguy tai nạn luôn cận kề. “Con mèo em bắt về được bị dây quấn chặt, chân chuyển sang giai đoạn hoại tử. Trong lúc em cắt dây trói, do hoảng sợ nên mèo đã quay ra cắn người bạn đang giữ hộ” - Trang kể thêm. Hay như Trần Đảng, trong lần cứu một ổ 7 chú mèo con trốn ở dưới đống cốp-pha trong sân trường Olympia, anh phải thò tay vào mò từng chú mèo. Bao nhiêu lần thò vào bấy nhiêu lần bị mèo cắn. Vết cắn nhằng nhịt Đảng không đếm nổi.
Đội cứu hộ cần… cứu hộ
Đa số chó mèo Trạm tiếp nhận đều đã lang thang ngoài đường một thời gian và mang mầm dịch bệnh. Nhẹ thì suy nhược, đau mắt, giun sán; nặng thì tiêu chảy, liệt, giảm bạch cầu… Những trường hợp nặng đội cứu hộ sẽ được đưa ngay tới phòng khám. Những trường hợp nhẹ có thể tự xử lý thì các bạn tình nguyện viên sẽ đón về chăm sóc tại nhà.
Khó khăn Trạm gặp phải trong quá trình cứu hộ có rất nhiều dạng: thiếu kinh phí để chạy chữa cho những ca nặng tại phòng khám, thiếu người chăm sóc chó mèo tại nhà trong khi số lượng tiếp nhận ngày một tăng. Hầu hết tình nguyện viên là học sinh, sinh viên nên rất hạn chế về thời gian lẫn tài chính. Kỹ năng chăm sóc chó mèo của họ vẫn chỉ là kinh nghiệm…
Nhóm trưởng Tuấn cho biết: "Mong muốn hàng đầu của nhóm là tìm được một địa điểm hợp lý để tập trung chăm sóc chó mèo trong thời gian tìm chủ mới".
“Địa điểm lý tưởng nhất là một bãi đất trống, xa trung tâm, tránh gây ảnh hưởng đến người xung quanh, đặc biệt là tiếng chó mèo kêu và mùi hôi” - Tuấn giải thích thêm.
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) tại Việt Nam chia sẻ: “Đây là nhóm đầu tiên của miền Bắc hoạt động cứu hộ chó mèo nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, các bạn sẽ sớm vượt qua để trở thành một tổ chức có quy mô. Trung tâm Animals Asia sẽ theo sát các bạn trong giai đoạn khó khăn này!”.
Best Friend – No more homeless pets là hội thảo vì động vật được tổ chức thường niên với gần 2.000 thành viên. Đông Nam Á có 2 tổ chức Soi dog foundation (Thái Lan) và Change for Animals foundation (Singapore) là thành viên tích cực trong việc cứu trợ chó mèo. Vi Thảo Nguyên là một trong hai bạn trẻ đại diện cho Việt Nam tham dự hội thảo đó.