Đồng hồ điểm 21h30, kiểm tra kỹ bộ dụng cụ y tế và nhận phân công điểm trực, các thành viên trong bộ áo khoác xanh phản quang, in dòng chữ "không bỏ rơi ai cả" lại bắt đầu xuất phát, tỏa ra trên nhiều cung đường, tuyến phố ở Hà Nội.
Họ là những thành viên của đội cứu hộ tai nạn giao thông FAS Angel, hoạt động mỗi ngày, cả vào dịp lễ, Tết. Hai năm từ ngày thành lập nhóm, đội tình nguyện giúp đỡ hơn 3.000 trường hợp gặp tai nạn khi lưu thông ở thủ đô.
Trò chuyện với Zing, Phạm Quốc Việt, đội trưởng đội cứu hộ, chia sẻ: "Người khen ngợi, gọi chúng tôi là anh hùng. Người chê chúng tôi ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’. Còn cả nhóm nghĩ đơn giản công việc thì vẫn phải làm thôi. Hoàn thành tốt ca trực, không ai bị thương là anh em vui rồi”.
21h30 mỗi tối, đội tập trung ở số 42 Nguyễn Xiển kiểm tra dụng cụ y tế và phân chia điểm trực. |
Ngày tất bật kiếm sống, tối cứu giúp mọi người
Thành lập từ năm 2019, thành viên FAS Angel chủ yếu là tài xế chạy xe ôm công nghệ, shipper. Ban ngày, họ tất bật kiếm sống, đến tối lại tham gia đội cứu hộ.
"Do đặc thù công việc hàng ngày, các thành viên khá thông thuộc đường phố Hà Nội. Nếu xảy ra tai nạn, mọi người có thể chủ động và nhanh chóng tiếp cận hiện trường, giúp đỡ người bị nạn", Quốc Việt nói.
Ngày mới lập nhóm, đội chỉ có 2 thành viên. Giờ, con số đã mở rộng ra hơn 70 người. Trước khi tham gia cứu hộ, các thành viên được đào tạo những bước sơ, cấp cứu cơ bản. Hàng tháng, mỗi người trích một phần nhỏ tiền lương mua băng gạc, thuốc, dụng cụ y tế.
Các thành viên trong đội thường túc trực ở những khu vực dễ xảy ra va chạm vào ban tối như đường vành đai 3, hầm Kim Liên, các phố Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Trường Chinh, Định Công.
Ngoài đi tuần, FAS Angel còn có nhóm trực online 24/24, theo dõi tin tức giao thông trên các diễn đàn mạng và nhận bộ đàm của 113, 115.
Nhận được tin báo tai nạn, nhóm trưởng căn cứ vào vị trí sẽ điều phối người gần nhất tới sơ cứu cho nạn nhân nếu xe cứu thương chưa kịp đến.
Những buổi đi tuần đêm còn có sự tham gia của thành viên nữ. |
Làm nhiệm vụ cứu hộ, anh em trong đội coi những hôm cả nhóm được thảnh thơi, không vội vàng chạy ngược xuôi là ngày may mắn vì ít vụ va chạm xảy ra, mọi người đi đường an toàn.
Có đêm, phần việc của đội chỉ là tiếp nhận sơ cứu một ca cho nạn nhân bị thương nhẹ tại đường Nguyễn Xiển. Nam thanh niên say rượu, không làm chủ tốc độ nên đâm vào ôtô dừng đèn đỏ phía trước.
Song, cũng có lúc trong vòng 1 tiếng đồng hồ, FAS Angel ghi nhận tới 4 vụ tai nạn cần hỗ trợ. Mọi người thức trắng đêm, giúp đỡ người bị thương, bảo vệ tài sản, điều tiết giao thông, đến 6-7h sáng hôm sau mới về nhà nghỉ ngơi.
Trong thời gian hoạt động, đội cũng thường xuyên tổ chức những buổi đào tạo nâng cao kỹ năng sơ, cấp cứu cho cả nhóm. Cứ thế, người cũ truyền đạt kinh nghiệm cho người mới.
Bị nạn nhân cầm dao dọa
Không bỏ rơi. Không thu phí. Không tranh cãi. Không phân biệt. Không kết án.
Anh Việt nhắc đến tiêu chí 5 "không" của FAS Angel. "Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi" là câu nói cả đội vẫn thường nhắc nhở nhau.
Công việc xuất phát từ sự tình nguyện của mỗi người, vậy nên không ít lần các thành viên nhận phải những lời chê là "bao đồng", "rảnh rỗi".
"Vì công việc nên tôi đi suốt. Sáng sớm, tôi ra khỏi nhà khi con còn chưa tỉnh giấc. Đêm muộn sau ca tuần với anh em, tôi mới trở về. Nhiều người trách móc nói vợ con không lo lại đi quan tâm người ngoài nhưng thật may vì vợ luôn hiểu và thông cảm. Việc gia đình, chăm sóc con cái, cô ấy đều chu toàn", anh Hùng, thành viên trong đội, chia sẻ.
Ngoài lo cứu hộ, các thành viên cũng coi chuyện đối mặt với những rắc rối nảy sinh trong lúc tiếp cận hiện trường như một phần công việc.
Đặng Tùng, thành viên hoạt động tích cực trong nhóm, kể cậu và đồng đội từng bị chính nạn nhân cầm dao dọa, chửi bới, không chịu hợp tác sơ cứu trong lúc mất nhận thức do quá say rượu. Khi khác, kẻ gian lợi dụng đám đông để cướp điện thoại và ví tiền của đội cứu hộ, khi họ đang tập trung băng bó vết thương cho người bị nạn.
Một số hình ảnh FAS Angel cung cấp về những vụ tai nạn đội hỗ trợ sơ cứu. |
“Nhiều khi, người nhà không đến kịp, chúng tôi phải trực tiếp đưa nạn nhân vào bệnh viện. Gặp người có hoàn cảnh khó khăn, anh em quyên góp tiền để đóng viện phí cho họ, có bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu”, Việt tâm sự.
Chứng kiến nhiều vụ tai nạn trong suốt 2 năm, điều khiến Quốc Việt và những người còn lại tự hào nhất là nhiều người bị chấn thương nặng được giúp kịp thời đã may mắn thoát khỏi cơn nguy kịch.
Tuy vậy, cảm giác day dứt, tiếc nuối vẫn thường ập đến với những ca cả đội đã làm hết sức nhưng vẫn không thể cứu sống nạn nhân.
“Tôi vẫn nhớ vụ tai nạn trên đường Hồ Tùng Mậu cách đây nửa năm, một thanh niên bị 3 bánh sau của xe container đè lên. Khi tôi tới, nạn nhân đã thở rất yếu. Không thể làm gì khác, tôi chỉ biết xin lỗi và nói cậu ấy yên tâm, người nhà sẽ đến sớm", Việt kể lại.
Bông băng, nước muối sát trùng, vật dụng y tế luôn được các thành viên chuẩn bị đầy đủ trong mỗi buổi đi tuần. |
Hai năm tình nguyện giúp đỡ người đi đường, sự hiện diện của đội FAS Angel trên các tuyến phố của thủ đô dần trở nên quen thuộc hơn với người dân.
"Lúc bắt đầu nảy ra ý tưởng, tôi in tem có tên FAS Angel cùng số điện thoại của mình đi phân phát khắp nơi cho bạn bè, người thân. Ngay cả khi ra đường gặp người lạ, tôi cũng gửi họ những chiếc tem này với hy vọng đội cứu hộ sẽ được biết nhiều hơn", Việt kể.
Di chuyển trên đường, các thành viên sẽ mặc đồng phục áo dạ quang có in logo, thông điệp của FAS Angel để người dân dễ nhận biết. Nhờ vậy, nhiều trường hợp bị thương hoặc người ở gần nơi xảy ra tai nạn đã chủ động liên hệ với đội đến hỗ trợ.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của FAS Angel chính là kinh phí để duy trì hoạt động. Các thành viên đa phần đều là lao động chính của gia đình. Nhiều người thuê trọ vì từ tỉnh khác đến Hà Nội làm việc, phải chi trả nhiều khoản phát sinh khác.
"Tôi hy vọng sẽ có những mạnh thường quân hỗ trợ bông băng, cồn sát trùng, vật dụng y tế, để đội giảm bớt gánh nặng chi phí. Anh em có vậy cũng yên tâm hỗ trợ người bị nạn hơn", người trưởng nhóm bày tỏ.