Theo Vice, quy định mới do Hiệp hội Y khoa Nhật Bản công bố hôm 14/3 là kết quả từ quá trình nhiều phụ nữ và nhóm y tế ở nước này lên tiếng phản đối, đòi trao nhiều quyền hơn cho nữ giới trong việc phá thai. Bộ Y tế Nhật Bản sau đó đã thông qua các nguyên tắc do hiệp hội đưa ra.
Trước đó, Nhật Bản duy trì luật yêu cầu người vợ phải có sự chấp thuận bằng văn bản của chồng nếu muốn bỏ thai trong bụng. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm chứng minh được người cha đã chết, mất tích hoặc việc tiếp tục có bầu ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.
Nhật Bản là 1 trong 12 quốc gia duy trì luật yêu cầu phụ nữ muốn phá thai cần sự chấp thuận của người phối ngẫu. Ảnh: Japan Times. |
Trong trường hợp người phụ nữ chưa kết hôn, nhiều cơ sở y tế vẫn yêu cầu sự đồng ý từ người được cho là cha của đứa bé vì lo sợ các vụ kiện tụng. Điều kiện này xảy ra với cả trường hợp nạn nhân bị hiếp dâm.
VS Forum, nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị lạm dụng, là một trong số các tổ chức yêu cầu cải cách Đạo luật Sức khỏe Bà mẹ của Nhật Bản.
Tháng 6 năm ngoái, VS Forum yêu cầu Hiệp hội Y khoa Nhật Bản xem xét lại cách họ cấp phép chuyện phá thai.
"Mặc dù luật quy định nếu phụ nữ bị hiếp dâm, cô ấy không cần sự đồng ý của người phối ngẫu để phá thai. Nhưng trên thực tế, điều đó thường không xảy ra. Các nạn nhân nữ vẫn bị từ chối tại nhiều cơ sở y tế", Masato Takashi, giám đốc điều hành của VS Forum, cho hay.
Quy định mới về việc phá thai của Nhật Bản được cho là có tiến bộ, song việc thực hiện và hiệu quả đem lại vẫn đang bị đặt dấu hỏi. Ảnh: Vice. |
Mặc dù các nhóm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình khuyến khích hướng dẫn mới, nhưng họ hiện không rõ nó sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế.
“Chính phủ không gửi bất kỳ hướng dẫn nào về cách thực hiện những sửa đổi này. Người vợ có cần báo cảnh sát để được coi là nạn nhân của bạo lực gia đình không? Hay chỉ đơn thuần những nạn nhân từng tìm đến chúng tôi mới được giúp đỡ? Chưa có gì rõ ràng cả", phát ngôn viên từ Trung tâm tư vấn nạn nhân Saitama bày tỏ.
Giám đốc Takashi cho hay nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn có thể khó tiếp cận việc phá thai vì những điều vốn bị coi là nhạy cảm, cấm kỵ.
"Người vợ thường giấu chuyện mình bị chồng bạo hành vì cảm thấy xấu hổ. Rõ ràng, điều luật mới có ích nhưng chưa đủ hiệu quả", ông nói.
Trong 25 năm qua, các điều luật liên quan đến chuyện phá thai ở phụ nữ đã bớt khắt khe hơn. 29 quốc gia đã nới lỏng luật phá thai kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, hàng triệu phụ nữ vẫn sống dưới những quy định hạn chế. Theo Trung tâm Quyền sinh sản, một tổ chức vận động pháp lý toàn cầu, 41% số phụ nữ trên thế giới không thể tự do chấm dứt việc mang thai của mình, với 26 quốc gia cấm hoàn toàn chuyện phá thai.
Nhật Bản là 1 trong 12 nước vẫn yêu cầu sự đồng ý của người phối ngẫu đối với hành động này. Một số nước khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Kuwait, Maroc, Yemen và Syria.