Theo Đạo luật An ninh kỹ thuật số (DSA), Zaira (tên nhân vật được thay đổi) bị cáo buộc về tội danh phỉ báng trực tuyến vì tố cáo hành vi quấy rối tình dục của Paran Shah, một luật sư, trong nhóm chat cá nhân.
Tháng trước, cô cùng chồng, chị gái và một người bạn đã phải ngồi tù 6 ngày. Hiện tại, cô đã được tại ngoại để tiếp tục tham dự phiên xử. Zaira có nguy cơ bị phạt 5 năm tù nếu thua kiện.
Trong phiên xét xử tuần trước, tòa án địa phương tuyên bố Shah sẽ đồng ý giảm án, với điều kiện Zaira rút đơn kiện quấy rối tình dục chống lại anh ta.
"Tôi đã từ chối. Có nhiều áp lực buộc tôi và gia đình phải lùi bước, song tôi sẽ không nhượng bộ. Tôi sẵn sàng vào tù một lần nữa để bảo vệ nhân phẩm của mình", cô kể với VICE.
Nhiều phụ nữ ở Bangladesh là nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công cộng. Ảnh: World Bank. |
Tháng 12/2020, Zaira đã tố cáo Shah về hành vi động chạm vào cơ thể cô trên xe buýt. Shah đã bị bắt theo luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhưng được tại ngoại sau 3 ngày, theo VICE.
Tròn một năm sau, Shah được bổ nhiệm làm trợ lý thẩm phán, tuy nhiên không suôn sẻ do truyền thông và các nhà hoạt động xã hội không đồng tình để người có tiền sử quấy rối tình dục nhậm chức.
Lúc đó, Zaira đã nhắn vào nhóm chat riêng gồm 15 thành viên: "Liệu một kẻ từng có hành vi quấy rối có thể đảm bảo công lý cho phụ nữ không?". Cô cho biết một người trong nhóm đã chụp ảnh màn hình và gửi cho Shah, trở thành chứng cứ anh ta dùng để kiện cô tội phỉ báng vào tháng 12/2021.
VICE chưa thể liên hệ với Shah để phỏng vấn. Tuy nhiên, Daily Star trích dẫn lời nói của anh: "Ai chia sẻ bài viết, thông tin đó sẽ bị buộc tội". Zaira cho biết chồng, chị gái và bạn cô đã bị liên lụy, dù không có mặt trong nhóm chat.
Được thông qua 4 năm trước, đạo luật DSA được đánh giá "có nhiều khoản còn mơ hồ và phiến diện".
Phụ nữ ở Bangladesh gặp khó khăn khi lên tiếng tố cáo các hành vi quấy rối tình dục vì thiếu sự bảo hộ từ luật pháp. Ảnh: Munir Uz Zaman/AFP. |
Thực tế, một số quốc gia Nam Á thường thiếu điều luật bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực và quấy rối tình dục. Trong khi đó, đạo luật chống phỉ báng bằng ngôn từ có xu hướng được những kẻ bị cáo buộc quấy rối sử dụng để bịt miệng, trừng phạt phụ nữ, nhất là trên nền tảng trực tuyến.
Taqbir Huda, Trưởng nhóm vận động Chương trình Đa dạng và Công bằng Giới, cho biết trường hợp của Zaira là bất thường.
"Hiếm có cô gái nào bị buộc tội về hành vi vi phạm DSA theo cách này", ông Huda nói.
Phiên điều trần tiếp theo được ấn định vào ngày 22/5, nhưng Zaira lo ngại lệnh bảo lãnh của cô có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào.
"Dù khó khăn, tôi vẫn sẽ không đầu hàng. Tôi hy vọng quyết tâm của mình là một thông điệp tới xã hội, nơi phụ nữ muốn lên tiếng chống lại những điều xấu xa", cô nói với VICE.