Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đôi giày rách nát giá 1.850 USD, đắt tiền nhưng vô giá trị

Theo các chuyên gia, những sản phẩm đến từ phân khúc cao cấp không có giá trị sử dụng, ít tính năng sẽ sớm bị đào thải khỏi thị trường.

Những ngày gần đây, “đôi giày rách nát” trị giá 1.850 USD của Balenciaga và chiếc ô không che được mưa do Gucci hợp tác với Adidas sản xuất (1.649 USD) liên tục vấp phải làn sóng chỉ trích và chế giễu.

Các món đồ này được cho là đắt tiền nhưng “vô dụng”, không có nhiều chức năng.

Vụ việc thu hút hàng trăm triệu lượt tương tác trên các trang blog hàng đầu ở đất nước tỷ dân.

Tuy các nhà thiết kế đã nhanh chóng thay đổi tên sản phẩm của chiếc ô thành “dù che nắng”, thương hiệu này vẫn hứng chịu cơn bão lửa trực tuyến, theo Jing Daily.

Thuong hieu xa xi o Trung Quoc anh 1

Nhiều khách hàng Trung Quốc cảm thấy bị lừa khi mua phải mua sản phẩm vô dụng. Ảnh: SCMP.

Chỉ dùng để trang trí

Trên trang web, nhà mốt Italy mô tả sản phẩm không được khuyến khích sử dụng như một chiếc ô thông thường nhưng thích hợp để biến tấu thành phụ kiện đi kèm với trang phục. Điều này càng làm tăng thêm sự phản đối kịch liệt từ phía dư luận.

Tương tự, câu chuyện về đôi sneaker rách của Balenciaga cũng vướng phải chỉ trích về tính sáng tạo không có giá trị cao và bị nghi ngờ là truyền thông “bẩn”. Sản phẩm này có cái tên hoa mỹ là "Paris Sneakers". Thế nhưng, thiết kế lại hoàn toàn trái ngược với hình ảnh hoa lệ của thủ đô nước Pháp.

Số lượng chỉ vỏn vẹn 100 đôi với giá 1.850 USD cho bản màu đen, trắng và 625 USD với bản thường.

Dù mang ý nghĩa nói về tác động của thời trang nhanh đối với môi trường, thông điệp này cũng không gây được tiếng vang cho người tiêu dùng xứ Trung. Khán giả cũng không quá lạ lẫm trước những chiêu trò mà nhà mốt này thường dùng để gây tranh luận.

“Tôi có thể dễ dàng lấy được những chiếc giống hệt miễn phí từ thùng rác”, một dân mạng nhận xét.

Các thương hiệu xa xỉ dường như không quá coi trọng những phản ứng dữ dội và các luồng tranh cãi.

Rốt cuộc, nhóm người phản đối trên mạng mới là đối tượng mục tiêu thực sự của các nhãn hàng. Còn những khách hàng trung thành thì mua chúng vì giá trị hơn là tính thực tế của sản phẩm.

Tuy nhiên, điều này cho thấy rõ tình trạng bất ổn và đặt ra câu hỏi liệu thị trường hàng xa xỉ cá nhân lớn thứ 2 thế giới có thể phát triển nếu cứ tiếp tục phớt lờ ý kiến từ người tiêu dùng.

Với nhiều người ở quốc gia đông dân nhất thế giới, tâm lý mua đồ hiệu là để thỏa mãn nhu cầu được xã hội công nhận và thăng tiến trong địa vị chứ không quan tâm đến công năng.

Giảm thiểu tính ứng dụng trong khi tập trung vào việc tạo ra những câu chuyện “phi thường” là một cách hiệu quả để các nhãn hàng cao cấp xây dựng định vị thương hiệu độc quyền, khiến sản phẩm của họ trở nên đáng giá hơn.

Tuy nhiên, trong mô hình phi tập trung (P2P), việc bỏ qua tiếng nói của công chúng khiến ngành hàng này gặp rủi ro cao.

Các đô thị hàng đầu như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến - nơi có lượng khách du lịch nội địa cao - đã trở nên bão hòa với cửa hàng xa xỉ.

Thói quen mua sắm thay đổi

Trong nhiều thập kỷ, người giàu Trung Quốc đổ xô vào các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Prada hay Gucci. Thói quen chi tiêu này xuất phát từ quan niệm hàng hóa phương Tây có chất lượng tốt hơn, đồng thời giúp người dùng thể hiện đẳng cấp trong xã hội.

Theo Jing Daily, văn hóa thể diện ở xứ Trung có liên quan đến những người chơi đồ hiệu, thúc đẩy quyết định mua hàng tới 30%.

Do đó, các thương hiệu phải hiểu tầm quan trọng của việc duy trì hình ảnh đáng mơ ước và tránh những tác động tiêu cực từ nhóm tiêu dùng bên ngoài đối tượng mục tiêu của họ.

Để làm được điều đó, họ phải chân thực hơn khi tạo ra các thông điệp cho sản phẩm.

Thuong hieu xa xi o Trung Quoc anh 4

Các thương hiệu quốc tế phải thay đổi chiến lược truyền bá nếu muốn tồn tại lâu ở thị trường xứ Trung. Ảnh: People.

Một cái bẫy phổ biến mà một số hãng thời trang trên toàn cầu có xu hướng rơi vào là áp dụng cách tiếp cận “lấy phương Tây làm trung tâm”.

Suy nghĩ này có thể bị người Trung Quốc coi là hời hợt và dẫn đến các chiến lược không hiệu quả.

Nhiều người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu ngày nay đang dần rời xa mô hình tiêu dùng của thế hệ cha mẹ họ và quay lưng với hàng hiệu nước ngoài.

Đặc biệt, nhóm nhân khẩu học sinh từ năm 1980 đến 2000 lớn lên trong thời đại hàng hóa “Made in China” gắn liền với tốc độ tăng trưởng sản xuất rực rỡ, tiến bộ công nghệ và kỹ thuật số đổi mới.

Những thất bại mới nhất mà Balenciaga và Gucci trải qua cho thấy các thương hiệu cao cấp đang chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ thế hệ trẻ ở đất nước tỷ dân.

Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhãn hàng trên thị trường phải suy nghĩ lại về tính thực tế và khả năng chi trả cho sản phẩm của họ hoặc ít nhất đổi cách tiếp cận về thông điệp.

Hàng hiệu xa xỉ Trung Quốc chạy về vùng quê

​​Khi thị phần ở đô thị ngày càng cạnh tranh, các thành phố cấp thấp, vùng quê ở Trung Quốc là nơi được những thương hiệu cao cấp nhắm đến.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm