Lớn lên ở Trung Quốc, Wandi Cao, người mẫu 27 tuổi, chưa bao giờ nghĩ mình có thể "phù hợp với các tiêu chuẩn sắc đẹp chính thống".
"Mọi người thường nói rằng tôi có gò má cao nên có tướng sát chồng. Mắt tôi quá nhỏ và điều đó cũng không tốt", Cao kể.
Dù đối mặt với nhiều lời chê bai ngoại hình từ khi còn nhỏ, cô vẫn quyết định không phẫu thuật thẩm mỹ.
"Tôi nghĩ rằng những thứ như gò má cao hay mắt nhỏ sẽ không thay đổi tính cách và tài năng của tôi".
Năm 2016, Cao chuyển đến Melbourne, Australia để theo đuổi nghề người mẫu. Tại đây, cô nhận được nhiều lời khen ngợi về ngoại hình từ các nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế thời trang.
Phải mất một thời gian cô mới hiểu được những lời khen thực sự chân thành chứ không chỉ là phép lịch sự. "Tôi nhận ra: 'Ồ! Mọi người đến từ các nền văn hóa và môi trường khác nhau có suy nghĩ rất khác về vẻ ngoài của tôi'".
Mẹ Wandi Cao nghĩ rằng con gái sẽ có cuộc sống dễ dàng hơn nếu phẫu thuật cắt mí mắt. Ảnh: ABC News. |
"Khuôn mặt châu Á"
Đầu tháng 7, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã yêu cầu các công ty truyền hình "tuân thủ duy trì đường hướng chính trị, đạo đức và thẩm mỹ đúng đắn".
Chỉ thị không đi sâu vào chi tiết về thẩm mỹ "đúng đắn", nhưng kêu gọi các công ty không quảng bá phẫu thuật thẩm mỹ, "tiểu thịt tươi", trang điểm quá nhiều, sử dụng filter và các tiêu chuẩn thẩm mỹ tiêu cực khác.
Quy định được đưa ra sau khi các cuộc tẩy chay trên mạng lan rộng đối với người mẫu và cả những nhân vật hoạt hình hư cấu có đôi mắt nhỏ.
Các nhà phê bình theo chủ nghĩa dân tộc cáo buộc một số thương hiệu phương Tây vẽ tranh biếm họa và rập khuôn bao gồm cả việc sử dụng trang điểm để làm nổi bật đôi mắt hí.
Cư dân mạng đã chỉ trích thương hiệu đồ ăn nhanh Three Squirrels vì thuê một người mẫu có "mắt xếch" (mi-mi-yan) vào cuối năm ngoái.
Bức ảnh năm 2012 của nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Man Chen gây tranh cãi. Ảnh: Dior. |
Một người dùng Weibo cho biết: "Thật là xúc phạm Trung Quốc khi bỏ qua lịch sử và văn hóa. Chúng tôi không biết người mẫu mắt xếch phục vụ cho thẩm mỹ của quốc gia nào, nhưng ít nhất đây là hiện tượng phiến diện, lệch lạc và xúc phạm".
Một số cáo buộc bộ phim hoạt hình I Am What I Am, xoay quanh múa lân truyền thống, khiến mắt các nhân vật trông như "lác" để xúc phạm người xem Trung Quốc vào năm ngoái.
Sách giáo khoa tiểu học đã được sử dụng gần 10 năm cũng bị tấn công vì đôi mắt mở to của trẻ em trong các bức tranh minh họa. Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo sẽ thay thế toàn bộ sách giáo khoa vào tháng 9.
Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng ở Trung Quốc đã bị chỉ trích vì sử dụng người mẫu có đôi mắt nhỏ.
Tháng 11/2021, Dior đối mặt làn sóng tẩy chay ở quốc gia tỷ dân vì trưng bày những bức ảnh chụp người mẫu mắt xếch của nhiếp ảnh gia Man Chen.
Man Chen, người từng được coi là nhiếp ảnh gia thời trang thành công nhất Trung Quốc, cũng xin lỗi, nói rằng những bức ảnh được chụp trong "thời gian đầu" khi quan điểm về nghệ thuật của cô chưa được hình thành.
Tương tự, thương hiệu cao cấp của Italy Gucci đã xóa quảng cáo có hình ảnh người mẫu châu Á khỏi các trang mạng xã hội sau khi bị các nhà phê bình chủ nghĩa dân tộc chỉ trích.
Global Times, tờ báo của Trung Quốc, tuyên bố cách trang điểm của người mẫu Gucci đã khuếch đại "khuôn mặt châu Á" thường được mô tả trong các câu chuyện của phương Tây.
Mercedes-Benz xóa quảng cáo với người mẫu Trung Quốc vì phản ứng dữ dội đối với đôi mắt xếch. Ảnh: Mercedes-Benz. |
Tiến sĩ Pan Wang, người chuyên nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales (Australia), cho biết cô không ngạc nhiên khi thấy tranh cãi xung quanh những hình ảnh này.
"Khi các nhà quảng cáo, đặc biệt là thương hiệu phương Tây, đều sử dụng một loại hình ảnh cụ thể để mô tả người Trung Quốc, điều đó có thể sẽ tạo ra ấn tượng rập khuôn về chủng tộc và văn hóa. Đối với một số người, họ chắc chắn cảm thấy bị xúc phạm".
Tuy nhiên, bà Wang cho biết nhiều nhà phê bình phản ứng thái quá, vì "một số đơn vị quảng cáo và người mẫu được tuyển dụng không có ý định bóp méo hình ảnh đất nước và con người Trung Quốc".
"Thật không hay khi thấy rằng họ đang truyền bá quan điểm của mình và áp đặt nó lên người khác với mục đích tạo ra một cuộc chiến văn hóa hoặc ý thức hệ giữa Trung Quốc và các nền văn hóa phương Tây".
Bà Wang nói thêm rằng một số bình luận đang xoay quanh vấn đề body shaming (miệt thị ngoại hình).
"Nhiều người sinh ra đã có đôi mắt xếch và điều đó chẳng có gì sai trái cả".
Sự mâu thuẫn
Thời cổ đại, đôi mắt dài và nhỏ được coi là đẹp ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, về sau, đặc điểm cơ thể này được sử dụng như một sự xúc phạm đối với người châu Á và gắn liền với hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc "Yellow Peril".
Trong văn hóa đại chúng, điều này được thể hiện ở Fu Manchu, nhân vật hư cấu được tạo ra bởi tiểu thuyết gia người Anh Sax Rohmer trước Thế chiến thứ nhất và được đưa vào các bộ phim vào những năm 1920.
Nhưng vì hầu hết bộ phim phương Tây đều bị cấm ở Trung Quốc trước khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, nên rất ít người Trung Quốc quen thuộc với nhân vật và sự xúc phạm liên quan.
Thông qua bức họa Hằng Nga, nghệ sĩ Zhang Tinyan miêu tả vẻ đẹp lý tưởng trong triều đại nhà Thanh. Ảnh: Zhongguo Yoshupin Shoucang. |
Sau khi tiến hành chuyển đổi kinh tế vào cuối những năm 1970, Trung Quốc bắt đầu thích nghi với văn hóa và các tiêu chuẩn sắc đẹp của phương Tây.
Ngày nay, nhiều người nổi tiếng với đôi mắt hai mí và chiếc mũi cao, chẳng hạn như nữ diễn viên Địch Lệ Nhiệt Ba và Phạm Băng Băng.
Trong khi đó, nhiều người sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc trang điểm để thay đổi ngoại hình của họ cho phù hợp với tiêu chuẩn mới.
Theo ước tính của Deloitte, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc đã phát triển từ năm 2012 và sẽ đạt 311,5 tỷ NDT (khoảng 68,5 tỷ USD) vào năm 2023.
Tiến sĩ Wang cho biết chính phủ Trung Quốc hiện muốn "củng cố bản sắc dân tộc thông qua việc xây dựng hình ảnh tích cực".
Địch Lệ Nhiệt Ba được xem là hiện thân của tiêu chuẩn vẻ đẹp lý tưởng ở Trung Quốc hiện nay. Ảnh: Weibo. |
"Hình ảnh 'đôi mắt xếch' không phù hợp với điều này. Chính phủ không muốn người khác sử dụng hình ảnh 'mắt xếch' để gắn mác Trung Quốc và làm xấu mặt người dân Trung Quốc".
Chỉ thị của Cục Phát thanh và Truyền hình yêu cầu các tác phẩm truyền hình "không được tự ý sử dụng, làm theo, sao chép sản phẩm của nước ngoài".
Ashley Galina Dudarenok, chuyên gia tiếp thị ở Hong Kong (Trung Quốc), coi những tranh cãi về đôi mắt của các người mẫu là "sự xung đột giữa điều thương hiệu muốn giới thiệu và tiêu chuẩn sắc đẹp của Trung Quốc".
"Sự cân bằng có thể được tìm thấy nếu các thương hiệu nhìn vào giá trị nghệ thuật của riêng họ và những gì người Trung Quốc coi trọng. Người tiêu dùng Trung Quốc biết rằng họ có sức mạnh vì chiếm phần lớn thị trường mà các thương hiệu nước ngoài đang hướng tới.
Đây là lý do các thương hiệu phải coi trọng thử nghiệm hoặc hệ thống đánh giá sản phẩm, chiến dịch hay thậm chí là các bài đăng trên mạng xã hội. Việc tung ra bất cứ thứ gì mà không có thử nghiệm và đánh giá phù hợp sẽ gây phản tác dụng".
Nhưng bà Dudarenok cũng cho biết phần lớn khách hàng Trung Quốc vẫn "tập trung vào chất lượng và muốn có những sản phẩm tốt nhất".
"Nếu là các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng và bị chỉ trích, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn bỏ tiền mua nếu chất lượng sản phẩm tốt", bà Dudarenok nhận định.