Hơn 2 năm trước, Jung Soo Jin, chuyên gia vật lý trị liệu ở Hàn Quốc, bắt đầu tập gym, ăn kiêng với mục tiêu cuối cùng là có một thân hình đẹp, cơ bắp săn chắc để chụp body profile (ảnh thể hiện rõ ưu điểm vóc dáng).
"Chúng ta đang sống trong thời đại mà mạng xã hội chi phối nhiều thứ. Mọi người thể hiện bản thân qua hình ảnh và các video. Ai cũng muốn đăng nội dung thu hút sự chú ý và lời khen ngợi của mọi người, body profile là một trong những thứ như vậy", Jung nói với The Korea Times.
Jung đặt mục tiêu giảm cân cấp tốc và có thân hình săn chắc trong vòng 100 ngày.
Cô tập luyện 6 ngày/tuần, mỗi ngày tập khoảng 3 tiếng. Về chế độ ăn kiêng, Jung loại bỏ hoàn toàn tinh bột, muối và chất béo.
10 tuần sau đó, chưa đến thời hạn 100 ngày, cô gái 26 tuổi đã hoàn thành mục tiêu: giảm được cân, có thân hình đẹp và những tấm ảnh body profile "nghìn like" trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần cũng nhanh chóng kéo đến. Jung hoàn toàn hối hận về kế hoạch giảm cân cực đoan và nhận ra rằng những lời khen trên mạng xã hội không thể giúp cô khỏe mạnh và hạnh phúc trở lại.
Jung Soo Jin hối hận vì ăn kiêng, tập luyện thiếu lành mạnh để chụp body profile. Ảnh: The Korea Times. |
Nỗi ám ảnh về ngoại hình
Khi cắt giảm tinh bột, muối, chất béo trong khẩu phần ăn kiêng, Jung đã giảm được cân. Nhưng vài tuần sau đó, mạch máu của cô bị sưng phồng, da như bị kích ứng nặng.
"Tôi cảm thấy dễ bị ớn lạnh và phải mặc 5 cái áo để giữ ấm. Cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, thiếu sức sống".
Ngoài ra, quá trình giảm cân, tập luyện cường độ cao cũng khiến Jung tách biệt với những người xung quanh.
"Vì thực đơn và chương trình tập luyện khác biệt, tôi hầu như làm mọi thứ một mình, rất cô đơn. Mỗi lần bước lên cân, tôi cũng cảm thấy áp lực và dễ suy sụp nếu không giảm được kg nào".
Vấn đề lớn nhất của Jung là rối loạn kinh nguyệt. Đã hơn 2 năm từ ngày chụp body profile nhưng cô vẫn chưa có kinh trở lại.
Bác sĩ nói rằng quá trình trao đổi chất bị gián đoạn khiến cơ thể cô ngừng tiết ra máu như một cách tự bảo vệ. Ngoài ra, Jung được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang do mất cân bằng hormone. Hiện tại, cô vẫn được điều trị bằng thuốc.
Đăng ảnh body profile trở thành trào lưu sau khi Covid-19 bùng phát. Ảnh: seangraphy. |
Yoo Hyun Jae, nhà nghiên cứu văn hóa thiếu niên tại Đại học Sogang ở Seoul, cho rằng xu hướng body profile phản ánh nỗi ám ảnh về ngoại hình và địa vị xã hội của người Hàn.
Giới trẻ xứ kim chi luôn bị áp lực phải trông đẹp nhất ở nơi công cộng, bất kể trên mạng hay ngoài đời thực.
Theo ông Yoo, dường như chỉ ở Hàn Quốc, một công ty bán sản phẩm dành cho người ăn kiêng mới có thể dán những tấm áp phích kêu gọi khách hàng "xem lại bỏng ngô của bạn" trong các rạp chiếu phim.
Các bác sĩ thẩm mỹ xuất hiện trong những biển quảng cáo ở ga tàu điện ngầm để liên tục nhắc nhở những người qua đường rằng họ chưa đủ đẹp.
Ông Yoo nói rằng văn hóa người nổi tiếng cũng đóng vai trò quan trọng. Những người đầu tiên công bố ảnh hồ sơ cơ thể có thể là ngôi sao nhạc pop mà từ đó nhiều thanh niên học cách bắt chước.
Cảnh báo các vấn đề sức khỏe
Shin Choong Woo, huấn luyện viên cá nhân, nói rằng ngày càng nhiều người thích chụp body profile, nhưng không phải ai cũng có thể chụp được kiểu ảnh này.
"Trước đây, nó chỉ phổ biến với các vận động viên, huấn luyện viên thể hình. Nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, phòng tập đóng cửa nhiều tháng, không ít người đã bị mất dáng. Một số bắt đầu lấy body profile làm mục tiêu để thúc đẩy bản thân tập luyện trở lại. Tôi nghĩ bây giờ 3/4 người đến phòng tập gym là để chuẩn bị cho một buổi chụp body profile".
Một số người vốn đã có thân hình thon gọn, họ thường đặt mục tiêu giảm cân và tập luyện trong vòng 10 tuần cho đến 100 ngày. Còn với những người lần đầu tiên đến phòng gym hoặc có thân hình quá khổ sẽ đặt thời hạn dài hơn là 6 tháng cho đến một năm.
Chụp ảnh body profile ngày càng phổ biến với giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh: sim0406g. |
"Với những người vốn đã quen với việc tập gym và có sẵn thân hình khá săn chắc, 3 tháng dù ngắn, họ vẫn có thể đạt mục tiêu trước thời hạn. Điều này khiến nhiều người bình thường có kỳ vọng sai lầm rằng họ cũng có thể làm được như vậy. Và các vấn đề bắt đầu nảy sinh khi mọi người đều cố gắng quá mức để giảm cân trong vòng 2-3 tháng".
Shin nói những tác động tiêu cực có thể đến cả trong và sau quá trình ép cân, tập luyện cường độ cao.
Tinh bột, muối, chất béo đều cung cấp những chất thiết yếu cho cơ thể, giúp sản sinh hormone và duy trì hình thể, chức năng cơ thể. Nhưng nhiều người lại cắt giảm chúng khi ăn kiêng, điều này hết sức nguy hiểm, gây nên rụng tóc, rối loạn chức năng sinh dục..
Đặc biệt với phụ nữ, quá trình này rất dễ dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố.
Hwang Hee Jin, bác sĩ tại Bệnh viện St. Mary, Seoul, cho biết: "Việc cơ thể mất nhiều chất béo, đối với phụ nữ, có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, gây ra kinh nguyệt không đều. Chế độ ăn kiêng quá mức cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến mọi người thường xuyên bị cảm lạnh, viêm ruột, rụng tóc".