Mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị bỏ chữ "mũ bảo hiểm lưỡi trai" trong hồ sơ kiểm định. Theo ông Hùng, hiện không có thuật ngữ nào là mũ bảo hiểm lưỡi trai.
Kiến nghị trên được đưa ra sau khi kết quả một cuộc khảo sát từ Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Đại học Y tế công cộng về mũ bảo hiểm được công bố.
Theo đó, có gần 89,9% số mũ được nghiên cứu không đủ khả năng bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não. Đồng thời, 26% trong số này là mũ dạng lưỡi trai với đặc điểm lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng.
"Vậy cơ quan chức năng đã có quy chuẩn cụ thể cho mũ bảo hiểm chưa? Nếu đội mũ không đảm bảo quy định có bị xử phạt không?", độc giả Nguyễn Khải Linh đặt câu hỏi.
Mũ bảo hiểm được phép lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận, công bố hợp quy theo QCVN 2: 2008/BKHCN. Ảnh: T.K. |
Giải đáp thắc mắc trên, thiếu tá Đào Việt Long (Phó trưởng phòng CSGT, Công an Hà Nội) cho biết hiện nay quy định về mũ bảo hiểm của người điều khiển môtô, xe máy đã được nêu rất rõ tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy của Bộ Khoa học và Công nghệ (QCVN 2: 2008/BKHCN).
Theo đó, mũ đạt yêu cầu phải đảm bảo có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần phải đạt các chỉ tiêu khác liên quan đến kích thước, chất liệu và các chỉ số thử nghiệm đảm bảo an toàn đối với người dùng.
Tuy nhiên, theo thiếu tá Long, hiện nay CSGT Hà Nội không xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng do các quy định đang không đặt ra quy định xử phạt đối với các trường hợp này. Ngoài ra, việc phân biệt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn bằng mắt thường là rất khó, trong khi hiện giờ chưa có trang thiết bị, kỹ thuật máy móc để hỗ trợ CSGT xác định mũ bảo hiểm giả hay thật.
"CSGT chỉ tập trung xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai và các loại mũ không phải là mũ bảo hiểm khi ngồi xe máy tham gia giao thông...", ông Long nói.
Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn làm giảm tỷ lệ tử vong 40-42% và giảm tỷ lệ thương tật nặng tới 69% trong trường hợp gặp tai nạn. Ảnh: H.N. |
Để khắc phục tình trạng trên, vị lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội nhấn mạnh cơ quan chức năng cần kiểm soát, xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ rõ cho người dân thấy các quy chuẩn của mũ bảo hiểm để họ dễ dàng nhận biết khi mua và sử dụng.
“Chúng ta phải khuyến cáo cho người tham gia giao thông thấy những loại mũ này phần lớn đều có các bộ phận như vỏ, lớp chống xung động có cấu tạo không tốt. Khi có va chạm, nó không thể bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho họ. Việc tuyên truyền cho người dân thấy là việc quan trọng nhất, trước khi nghĩ tới xử phạt ”, ông Long nói thêm.