Mùa lễ hội luôn được xem là dịp vui vẻ, nhưng nhiều người lại cảm thấy trống vắng ngay sau đó. Hiệu ứng tâm lý này cũng xảy ra ngay sau Giáng sinh, khi những buổi tiệc đã tàn và mọi người quay về với cuộc sống thường nhật, theo The Coversation.
Các nhà tâm lý mô tả các hình thái cảm xúc là "low mood" hay "uể oải". "Low mood" thường chỉ là trạng thái tạm thời và khó tìm được một nguyên nhân cụ thể. Trong khi đó, uể oải là tình trạng kéo dài hơn của sự chán nản, trống rỗng và không có mục đích suốt vài tuần, thậm chí vài tháng.
Nỗi buồn hậu Giáng sinh
Cảm giác buồn bã, trống trải sau Giáng sinh cũng tương tự như "hiệu ứng cuối tuần", hay còn gọi là cảm xúc "ngày thứ hai buồn".
Theo đó, tâm trạng chúng ta lên cao vào ngày nghỉ khi được kết nối với mọi người, nhưng xấu đi đáng kể khi cuối tuần kết thúc, đặc biệt đối với những người phải quay lại với công việc.
Cảm xúc vui vẻ của Giáng sinh qua đi và phải trở lại với thói quen thường nhật cũng khiến bạn buồn theo cách tương tự.
Theo The Coversation, một trong những lý do khiến mọi người có cảm xúc như vậy liên quan đến vấn đề mục tiêu cuộc sống. Con người luôn có xu hướng tìm kiếm và đặt ra mục tiêu để phấn đấu.
Khi những niềm vui của lễ hội qua đi, người ta dễ bị tuột "mood" khi quay lại nhịp sống thường ngày. Ảnh: Olia Danilevic/Pexels. |
Mục tiêu khiến chúng ta có động lực, phấn khích và hạnh phúc. Khi có mục tiêu phía trước, ta cảm giác mình tiến bộ và đáng tự hào. Đó là lý do chúng ta hào hứng khi nghĩ đến việc chuẩn bị một ngày Giáng sinh tuyệt vời.
Tổ chức các buổi họp mặt, trang trí nhà cửa, lên kế hoạch cho tiệc tối - những việc đó đều hướng tới hoàn thành mục tiêu có một Giáng sinh an lành.
Nhưng một vấn đề của đặt mục tiêu là khi đạt được chúng, người ta dễ quay lại với cảm giác chán chường.
Chỉ có một cách để giải quyết vấn đề là bạn phải đặt ra mục tiêu khác tiếp theo. Nhưng chỉ đặt mục tiêu là không đủ để ta vượt qua tiêu cực, bạn còn cần chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mình thật tốt.
Tình trạng thể chất cũng có tác động tới việc một người cảm thấy buồn bã sau Giáng sinh. Ăn uống quá nhiều trong các buổi tiệc dẫn đến tăng cân và tác động đến cảm xúc.
Suốt mùa lễ hội, thói quen của mọi người cũng thay đổi đáng kể: họ ăn uống nhiều hơn và ngủ lâu hơn mức bình thường khoảng 5%. Tất cả thay đổi đó khiến tâm trạng xuống thấp.
Cách xây dựng niềm vui
Để vượt qua tâm trạng buồn "hậu Giáng sinh", điều chúng ta cần làm là phải chăm sóc "khu vườn tinh thần" của mình. Thừa nhận sự tồn tại của cảm xúc buồn bã của bản thân là bước đầu tiên để đánh bại nó.
Trang Real Buzz gợi ý những cách để bạn đối phó với cảm giác ủ rũ sau ngày lễ như: thiết lập kế hoạch, ăn uống hợp lý, lên dây cót tinh thần...
Nếu cảm thấy bơ phờ và thiếu cảm hứng sau lễ hội cuối năm, bạn có thể tự "bơm" năng lượng cho bản thân bằng cách bước khỏi vùng an toàn và chấp nhận một vài rủi ro. Đó có thể là việc nhỏ như nói chuyện với một người lạ, hay quyết định quan trọng hơn như đăng ký khóa học mới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc chinh phục nỗi sợ hãi mang lại cho chúng ta tâm trạng tích cực hơn.
Thiết lập lại các thói quen lành mạnh là điều quan trọng sau thời gian "bung xõa" trong Giáng sinh. Ảnh: Shutterstock. |
Tập thể dục cũng là một cách hiệu quả để cải thiện tâm trạng, đồng thời giúp chúng ta giảm cân sau khi ăn uống quá đà dịp lễ. Khi tập luyện, cơ thể giải phóng endorphin giúp nâng cao tâm trạng hiệu quả.
Một trong những lý khiến người ta buồn chán sau Giáng sinh là vì nỗi lo tài chính, sau khi đã chi khoản lớn cho những món quà và tiệc tùng. Bước đầu tiên để giải quyết lo lắng chính là lôi vấn đề ra ánh sáng và nhìn thẳng vào nó. Vì vậy, hãy nghiêm túc ngồi lại và sắp xếp kế hoạch tài chính của mình.
Nếu thấy mình đang quá tập trung vào nỗi buồn, hãy đánh lạc hương bản thân bằng cách chuyển hướng quan tâm tới người khác. Dành thời gian tham gia công việc tình nguyện, hoặc cam kết thực hiện một hành động tử tế mỗi ngày - như lắng nghe người khác, mỉm cười với mọi người - sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.