Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội quân livestream làm loạn khu dân cư

Người dân ở đường Anfu (Thượng Hải, Trung Quốc), nơi thành điểm check-in nổi tiếng trên mạng, đã phải kéo kín rèm cửa, chỉ dám đi dạo vào chiều tối để tránh bị làm phiền.

Sự yên tĩnh của con đường Anfu dài 900 m, đẹp như tranh vẽ ở trung tâm thành phố Thượng Hải, đã bị phá vỡ bởi đội quân phát trực tiếp. Cư dân nơi đây bất bình khi khu vực sinh sống trở thành điểm check-in "hot trend", với hàng loạt ngôi sao mạng tìm đến để quay phim, chụp hình.

Sự nổi tiếng của con phố này bắt đầu với clip viral có tựa đề "tiểu công chúa đường Anfu" - một người phụ nữ ngoài 50 tuổi diện trang phục Lolita xuống phố.

Theo truyền thông Trung Quốc, người phụ nữ luôn diện những bộ váy công chúa ra đường là vì muốn thực hiện ước mơ ngày trẻ của mình. Phải điều trị bệnh khiến cơ thể phù nề, tóc rụng, những chiếc váy là thứ khiến bà cảm thấy hạnh phúc hơn.

Phong thái tự tin, cùng sự đối lập giữa ngoại hình và trang phục đã khiến người phụ nữ này nổi tiếng khắp mạng xã hội xứ tỷ dân. Nhiều người thèm muốn được nổi tiếng tương tự nên đã bắt chước người phụ nữ, cố quay video ở cùng địa điểm để đăng lên mạng.

Đội quân gây hỗn loạn

Theo một báo cáo của Shanghai News Radio, một người đàn ông chuyên phát trực tiếp đã xuất hiện ở con phố này trong 3 tháng liền.

Khi được đề nghị giải thích về lý do lựa chọn địa điểm, anh nói: "Tôi gặp những người sành điệu nhất ở đây - từ những chàng trai vạm vỡ đến các cô nàng quyến rũ, nó khiến tôi có thêm lượng truy cập".

Một số người phát livestream chuyên nghiệp thậm chí quay phim không ngừng trong nhiều giờ.

Những cư dân sinh sống ở đây đã phàn nàn về trò hề mà đám đông livestream đang gây ra trên con phố yên bình, đẹp đẽ một thời của họ. Một số người dân có sở thích đi dạo vào ban ngày cũng phải cố chờ đến chiều tối để tránh những kẻ gây phiền nhiễu.

doi quan livestream anh 1

Hàng loạt người phát trực tiếp đã tìm đến con phố để livestream.

Nhiều vlogger, nhiếp ảnh gia đứng chụp từ trên vỉa hè, tràn xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho người đi bộ và các phương tiện giao thông đi qua đoạn đường này.

Một số cửa hàng trên phố còn cố gắng quảng bá thương hiệu của mình bằng cách đặt đồ nội thất đẹp hoặc các đạo cụ khác nhau trước mặt tiền, nhằm thu hút người đến chụp ảnh.

"Con đường này từng toát lên bầu không khí sang trọng, tràn ngập nét nhẹ nhàng và trang nhã. Nhưng giờ đây tất cả bị lấn át bởi sự hỗn loạn và phô trương. Cách đây mấy ngày, trên đường từ rạp chiếu phim về nhà, tôi đã thực sự kinh ngạc trước đám đông những người livestream hú hét, la ó và làm đủ mọi trò hề", một người dân kể với Shine.

Một số cư dân phải kéo kín rèm cửa vào ban ngày để tránh những ánh mắt tò mò và camera. Một vài người trong số họ nhận ra mình đã thành đối tượng chụp ảnh khi đang đứng phơi quần áo bên ngoài.

Khó dẹp đội quân livestream

Đường Anfu không phải nơi duy nhất bị làm loạn theo cách không mong muốn bởi đội quân livestream.

Mùa xuân, khi hoa nở rộ khắp Thượng Hải, các công viên của thành phố cũng trong tình trạng báo động.

Tại Bảo Sơn, cảnh sát địa phương đã đưa ra cảnh báo để mọi người chuẩn bị cho sự gia tăng đám đông, đặc biệt là ở các địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội, chẳng hạn Công viên Gucun - nơi gây sốt với vườn hoa anh đào.

doi quan livestream anh 2

Nhiều người đứng chụp ảnh, quay phim hàng tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến việc ngắm cảnh của du khách tại công viên.

Các cô nàng phát trực tiếp đứng dưới các gốc cây suốt nhiều tiếng đồng hồ. Để thu hút sự chú ý, họ ngồi trên thang cao và mặc những bộ quần áo kỳ lạ. Người quay phim được trang bị tấm phản quang, thang hoặc ghế đẩu.

Một số du khách đến công viên đã tỏ ra khó chịu. "Mọi người đến để ngắm hoa, nhưng chỉ thấy những cô nàng muốn gây sự chú ý đang dán mắt vào màn hình livestream", một cô gái giới thiệu mình là Yumi, người Thượng Hải và đang sống ở Nhật Bản, bày tỏ.

Yumi bức xúc khi nhìn thấy một số nữ vlogger cầm trên tay cành hoa đã bị bẻ gãy, nói rằng đó là điều không thể tha thứ.

"Trừ khi tình trạng này được giải quyết, nếu không tôi sẽ không tới đây nữa", cô nói.

Nhiều người cho rằng các cơ quan quản lý công viên có nên có hành động quyết liệt để điều chỉnh các hành vi xấu xí.

Một số dân mạng đề xuất các công viên có thể quy định một số cây cụ thể cho phép những người livestream tiếp cận, cung cấp những chiếc thang có màu sắc rực rỡ cho ai muốn chụp ảnh riêng.

Khu vực còn lại của công viên sẽ cấm các hoạt động liveatream và săn ảnh, ít nhất là trong giờ cao điểm.

Tuy nhiên, một du khách tên Shao bác bỏ đề xuất này vì cho rằng không thực tế. Ông cho biết những người phát trực tiếp có xu hướng ưu tiên nhiều địa điểm khác nhau, và việc dành một không gian cố định cho họ có thể khiến những khách tham quan khác không hài lòng.

Công viên Gucun đã cử thêm nhân viên an ninh để nhắc nhở nếu một người hoặc nhóm chụp ảnh nán lại quá lâu ở một chỗ.

Những người khác cho rằng trách nhiệm kiểm soát hành vi của những người phát trực tiếp thuộc về các nền tảng video. Nền tảng sẽ kiểm duyệt các video có dấu hiệu vi phạm chuẩn mực đạo đức, xã hội và quyền riêng tư.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm