Chen Jun và Lin Li (Chiết Giang, Trung Quốc) yêu nhau 3 năm và về chung một nhà vào tháng 6 vừa qua, khi Lin mang thai.
Lin là con một. Vì vậy, khi biết tin mang thai và quyết định đi đến hôn nhân, cô nói trước với chồng rằng muốn đứa con đầu sinh ra sẽ mang họ của mình. Khi đó, Chen đồng ý và cho biết muốn hai vợ chồng sinh 2 đứa con, một đứa mang họ mẹ, đứa còn lại mang họ bố, theo The Paper.
Tháng 9 vừa qua, Lin hạ sinh một bé trai. Cha mẹ Lin gợi ý chuyện để đứa trẻ mang họ nhà ngoại và được Chen đồng ý.
Tuy nhiên, cha mẹ Chen tỏ ý không hài lòng, cho rằng đứa con cả, lại là con trai, mà để mang họ của mẹ thì gia đình sẽ bị chê cười.
Vợ chồng ly hôn vì tranh cãi việc con mang họ bên nào. Ảnh minh họa: AP. |
Lúc này, Chen lại nghe lời cha mẹ, muốn vợ nhượng bộ song Lin không đồng ý. 3 ngày sau khi sinh, cô bế con về nhà mẹ đẻ.
"Mọi thứ đều có thể thương lượng trừ việc đứa trẻ sẽ mang họ nào. Nếu không, cha mẹ tôi muốn chúng ta ly hôn", Lin nói với chồng.
Sau đó, khi Lin đi làm giấy khai sinh cho con, mâu thuẫn giữa hai bên càng gay gắt. Đến tháng 10, Lin Li đệ đơn ly hôn lên tòa án địa phương. Dù thẩm phán nhiều lần đề nghị hòa giải, cả hai bên đều không nhân nhượng về chuyện đặt họ của đứa trẻ.
Cuối tháng 11, hai bên thuận tình ly hôn và đứa trẻ do Chen Jun nuôi dưỡng. Chen muốn đổi họ cho con mình, nhưng thủ tục này cần có sự đồng ý của cả cha và mẹ. Lin Li không muốn hợp tác và câu chuyện vẫn đang trong tình trạng bế tắc.
Chuyện con cái mang họ cha phổ biến ở nhiều nước phương Đông lẫn phương Tây. Ảnh minh họa: Visual China. |
Theo luật pháp Trung Quốc, con cái có thể theo họ cha hoặc mẹ. Chuyện lấy họ của con theo bên nào do vợ chồng tự thỏa thuận trên cơ sở bình đẳng.
Đầu tháng 4, câu chuyện một phụ nữ ly dị chồng vì anh không cho phép đứa con mới sinh nhận họ của cô cũng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút nhiều ý kiến tranh luận.
Những năm gần đây, xu hướng cho con mang họ kép của cha và mẹ trở nên thịnh hành trong xã hội Trung Quốc. Thay vì đau đầu suy nghĩ, nhiều cặp vợ chồng thống nhất lấy cả 2 họ và tìm một cái tên thật hay để kỷ niệm cho đứa bé.
Trong một nghiên cứu năm 2019 về tên tiếng Trung, hơn 1,1 triệu người Trung Quốc mang cả họ cha và mẹ, tăng gấp 10 lần so với năm 1990.