Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai chị em ‘vô danh tính’ 30 năm ở Hong Kong

30 năm qua, Dawn và Kaye (sống tại Hong Kong, Trung Quốc) không được đi học, không thể đến gặp bác sĩ hay làm chứng minh thư, hộ chiếu.

Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post về hành trình được chứng nhận danh tính của chị em Dawn và Kaye sau 30 năm.

Dawn (30 tuổi) cười vang khắp phòng. Kaye (29 tuổi) chăm chú nhìn chị gái với vẻ ngưỡng mộ, giống như khi còn nhỏ, cô lẽo đẽo theo chị đi khắp nơi.

Thoạt nhìn, dường như không có gì bất thường về hai chị em này. Nhưng đằng sau nụ cười của họ là sự thất vọng kéo dài ba thập kỷ.

Cả Dawn và Kaye đều được sinh ra tại Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Yau Ma Tei, Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, về mặt luật pháp, hai chị em "không hề tồn tại".

Bà Feli (58 tuổi), mẹ của Dawn và Kaye, là người Philippines đến Hong Kong làm giúp việc gia đình, hết hạn visa năm 1980. Khi Feli sinh ra 2 đứa con, người bạn trai 5 năm của bà đột nhiên biến mất và không hỗ trợ gì trong việc nuôi con.

Vì đã quá hạn visa, bà Feli không dám đi đăng ký khai sinh cho 2 con gái và phải chấp nhận làm việc chui để có tiền trang trải.

"Tôi từng cố gắng làm các giấy tờ cho con và yêu cầu bạn trai làm điều đó nhưng ông ấy luôn đổi ý và tôi không muốn ép buộc ông ấy", người phụ nữ 58 tuổi cho biết.

Những năm sau đó, 3 mẹ con sống nhờ nhà bạn bè, khoảng 7 người, ở Jordan, Yau Ma Tei, Hung Hom và Mong Kok. Đổi lại, Feli sẽ phụ giúp việc nhà và chăm sóc con cái của bạn bè và nuôi nấng các con mình.

"Tôi không thể cho 2 con đi học nhưng luôn cố gắng dạy dỗ chúng", bà chia sẻ.

Khi Dawn 11 hoặc 12 tuổi, một người bạn đã cho cô mượn thẻ thư viện và có thể mượn 5 cuốn sách cùng lúc. Sau đó, Kaye sẽ đọc lại sách chị gái mượn được. Dù không được học hành bài bản, hai chị em thông thạo tiếng Anh và tiếng Tagalog (ngôn ngữ của 1/4 dân số Philippines).

“Vào thời điểm đó, tôi đã nghĩ đến việc trở lại Philippines. Nhưng tôi nghĩ rằng nuôi hai đứa trẻ ở đây sẽ dễ dàng hơn là về lại quê nhà nghèo khó. Tôi rất tiếc vì đã không quay lại và cho chúng đi học", người mẹ nói.

hai chi em khong ton tai trong 30 nam anh 1

Hai chị em Dawn và Kaye không thể đi học, khám bệnh vì không có giấy tờ tùy thân.

Dawn nhận thức được hoàn cảnh của 3 mẹ con vào năm 10 tuổi. Mẹ luôn né tránh nói về vấn đề này, nhưng cô biết được điều đó từ những người lớn khác.

“Khi có khách đến thăm, lúc mẹ tôi không có mặt ở đó, họ thường nói những điều như là họ có thể nhận nuôi chúng tôi. Ai đó nói với tôi rằng chúng tôi có thể bị kiểm tra và mẹ tôi có thể bị bắt. Điều đó thật đáng buồn và đáng sợ", Dawn kể.

Hai chị em chủ yếu ở nhà xem tivi và chơi điện tử, chỉ đi chơi với mẹ. Cuối tuần, hai chị em có thể đến một nhà thờ Công giáo để tham gia các hoạt động xã hội và chơi với bạn bè.

Kaye không biết về hoàn cảnh đặc biệt của gia đình cho đến khi khoảng 16 tuổi. “Chị dặn dò tôi cẩn thận. Tôi sợ hãi và cảm thấy tuyệt vọng. Trước đó, tôi rất tò mò nhưng không hỏi".

Cô gái 29 tuổi có năng khiếu về nhiếp ảnh, từng nghĩ đến việc trở thành một kiến ​​trúc sư nhưng đã từ bỏ ước mơ đó vì không có tư cách pháp nhân.

Khi hai chị em đến tuổi trưởng thành, những nghi ngờ và sợ hãi hồi nhỏ bắt đầu thành hiện thực.

“Thật buồn khi chúng tôi không thể làm những điều giống bạn bè. Chúng tôi không thể đi học và kiếm được một công việc tốt. Tôi đã luôn tưởng tượng mình làm giáo viên, dạy những đứa trẻ nhỏ hơn", Dawn nói.

Sự thất vọng của Dawn ngày càng lớn khi cô bắt đầu hẹn hò. Cô biết rằng mình không thể kết hôn và rời thành phố khi không có giấy tờ tùy thân.

Hy vọng

Khoảng 5 năm trước, hai chị em tìm thấy một tia hy vọng khi nghe thông tin buồn về một cô gái 15 tuổi tự vẫn. Cô gái này ở vịnh Repulse, lớn lên cũng không có giấy tờ tùy thân. Sự việc đau lòng này gợi ý hai chị em thay đổi hoàn cảnh của mình.

“Tôi tìm thông tin về sự việc và biết đến người phát ngôn của PathFinders - tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các bà mẹ nhập cư và gia đình của họ. Cô ấy nói có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ những người như chúng tôi", Dawn nói.

Tháng 9 năm ngoái, bà Feli đã gọi cho PathFinders.

"Bà ấy tỏ ra bình tĩnh nhưng mặt đẫm nước mắt".

Với sự giúp đỡ của tổ chức phi lợi nhuận và hai luật sư, 3 mẹ con đã tiến hành xét nghiệm ADN để xác nhận mối quan hệ mẹ con để làm giấy khai sinh. Sau đó, họ tìm kiếm các nhân chứng và những bức ảnh cho thấy 3 người đã sống cả đời ở Hong Kong và soạn thảo tiểu sử. Cuối cùng, họ trải qua một cuộc phỏng vấn.

Ngày 22/10 vừa qua, chị em Dawn và Kaye nhận được giấy khai sinh và giấy thông hành từ lãnh sự quán Philippines.

hai chi em khong ton tai trong 30 nam anh 2

Sau 30 năm, chị em Dawn và Kaye mới có giấy khai sinh.

Ngay cả đối với PathFinders, trường hợp của 3 mẹ con bà Feli cũng không dễ giải quyết.

“Chúng tôi từng làm việc với những người hết hạn visa và làm việc chui trong vài năm, nhưng không lâu đến mức đó", Hina Ali, quản lý hồ sơ của tổ chức, cho biết.

Gia đình Dawn đang lên kế hoạch trở lại Philippines và gặp bà ngoại. Dawn sẽ tới Mỹ, nơi chồng sắp cưới đang ở, để kết hôn và kiếm một công việc.

Kaye dự định đi học và lấy bằng đại học về nhiếp ảnh và nghệ thuật kỹ thuật số. Bà Feli muốn có một cuộc sống yên tĩnh, nuôi dê và gà cũng như trồng rau tại một trang trại ở quê nhà.

“Đối với những ai ở trong trường hợp như chúng tôi, đừng sợ hãi. Hãy tin rằng có những thứ ở ngoài kia dành cho bạn, những người có thể giúp bạn", Dawn chia sẻ.

Những bà mẹ toàn thời gian, chỉ biết đến chồng con ở Trung Quốc

Quay cuồng với đủ loại công việc không tên vất vả trong gia đình và việc nuôi dạy, chăm sóc con cái, nhiều bà nội trợ toàn thời gian dường như không còn được là chính mình.

Mai An

Bạn có thể quan tâm