Zing trích dịch bài đăng trên The Paper, đề cập đến sự vất vả của những người phụ nữ làm nội trợ toàn thời gian ở Trung Quốc. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng triệu bà mẹ khác tại nhiều quốc gia.
Nấu bữa sáng, ăn đồ thừa của chồng con, giặt giũ, ủi quần áo, dọn cơm tối, rửa bát đũa, nửa đêm mất ngủ vì tiếng ngáy của chồng.
Đây là cuộc sống hàng ngày của một bà mẹ toàn thời gian do diễn viên Bai Baihe thủ vai trong bộ phim về đề tài gia đình đang gây chú ý tại Trung Quốc.
Những phụ nữ trong phim được khắc họa mắc kẹt trong chính gia đình của mình. Vì khó cân bằng giữa công việc và gia đình, họ phải đối mặt với việc lựa chọn trở thành bà nội trợ toàn thời gian hay không.
Những vấn đề các bà nội trợ trong bộ phim phải đối mặt cũng chính là tình cảnh chung của hàng triệu bà mẹ toàn thời gian khác.
Công việc lặp đi lặp lại với cường độ cao, sự nghiệp bị gián đoạn, thiếu ý thức về giá trị, sự cô đơn do xa rời xã hội, bỏ bê bản thân trong thời gian dài... Những điều này dần dần khiến họ mất tự tin vào bản thân, dường như không còn được là chính mình.
Không còn lựa chọn
Trên mạng xã hội, thường xuyên có những người kêu gọi các bà mẹ hãy mạnh dạn rời khỏi công việc nội trợ và đừng từ bỏ việc nhận ra, đề cao giá trị của bản thân. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều phụ nữ sau khi sinh con thường buộc phải lui về chăm lo cho gia đình.
Trước khi mang thai, Li Xinran, sống ở miền Bắc Trung Quốc, là nhân viên kinh doanh ưu tú tại chi nhánh địa phương của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500.
Sau khi sinh con, Li dường như không còn thời gian để “thở”.
Ban ngày cô đi làm, con nhờ mẹ chồng chăm sóc. Đều đặn sáng và chiều, cô tranh thủ về nhà nửa tiếng cho con bú, buổi tối lại tiếp quản công việc của mẹ chồng.
Nhịp sống này nhanh chóng khiến cô mệt mỏi, thiếu ngủ, mất phong độ làm việc, lãnh đạo bắt đầu tỏ thái độ không hài lòng với cô.
Nhiều phụ nữ buộc phải nghỉ làm, ở nhà chăm sóc con cái sau khi sinh. Ảnh minh họa: Getty Image. |
Ở cơ quan, việc nghỉ phép, vắng mặt thường xuyên khiến Li mất đi cơ hội được thăng tiến trong khi gánh nặng nuôi dạy con cái đan xen với suy yếu thể lực dày vò cô. Bất cứ khi nào con ốm đau hoặc có một vết sưng nhỏ, bà mẹ trẻ lại vô cùng tự trách. Cuối cùng, Li phải xin nghỉ việc để ở nhà chăm con.
Đối với bà mẹ Zhu Yuanyuan, việc thuê bảo mẫu rất tốn kém, là một khoản chi lớn đối với những gia đình bình thường như nhà cô. Vì vậy, khi ông bà cả hai bên không thể giúp đỡ chăm sóc cháu, phải có một người ở nhà toàn thời gian và thường phụ nữ là người “hy sinh”.
Trong mắt người ngoài, công việc của một bà mẹ toàn thời không cần đối mặt với áp lực nơi làm việc, sự soi mói của lãnh đạo, có một cuộc sống vô cùng nhàn hạ.
Tuy nhiên, chỉ những bà mẹ từng nuôi con nhỏ mới hiểu rằng vừa chăm con vừa làm việc nhà tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra lại rất phức tạp và mệt mỏi.
Steven Nelms (Texas, Mỹ) từng thu hút sự quan tâm khi làm phép tính cho thấy giá trị sức lao động của vợ, Glory Nelms. Anh bày tỏ bản thân luôn thấy trân trọng và thấu hiểu công việc không công của vợ trong nhiều năm qua.
Các bà nội trợ toàn thời gian phải giải quyết nhiều việc không tên mỗi ngày. Ảnh: Jpninfo. |
Giữ trẻ: 705 USD/tuần. Dịch vụ dọn dẹp: 50-100 USD/lần, một tuần cần dọn một lần. Đầu bếp riêng: 240 USD/tuần. Trợ lý tài chính: 15 USD/giờ, 5 giờ mỗi tuần. Giặt là 25 USD/lần, cần ít nhất một lần/tuần…
Tổng kết lại, trong một năm, những công việc mà người vợ làm không công trị giá 73.960 USD, và công việc này thậm chí chẳng có ngày nghỉ.
Ít ai nhận ra rằng làm mẹ toàn thời gian thực ra là một công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như: bảo mẫu, dọn dẹp, hộ tống, giáo viên mẫu giáo, đầu bếp... Các bà mẹ đều tận tâm với công việc này, tốn rất nhiều sức lực để làm tốt nhưng họ lại bị đánh giá thấp.
“Công việc” rủi ro cao
Dù đã đảm nhận công việc cường độ cao trong một thời gian dài nhưng sự công nhận, bảo vệ dành cho những bà mẹ toàn thời gian chẳng là bao. Và nếu chọn kết thúc “công việc” đó bằng cách ly hôn, họ cũng phải mạo hiểm.
Tại Trung Quốc, Luật Hôn nhân không bảo vệ quyền và lợi ích của các bà nội trợ một cách rõ ràng. Một khi đã ly hôn thì họ không có lợi gì. Trừ khi đứa trẻ còn quá nhỏ và phải cần mẹ, nếu không, bên nào có tài chính tốt hơn sẽ dễ dàng giành được quyền nuôi con.
Sau khi xử lý hàng nghìn vụ kiện ly hôn, luật sư Wu Jiezhen phát hiện ra rằng trong hầu hết thủ tục ly hôn, ngay cả khi người đàn ông phải rời khỏi ngôi nhà, anh ta vẫn có thể nhanh chóng gây dựng lại tài sản. Vì người đàn ông tích lũy kinh nghiệm làm việc trong nhiều năm, họ có thể đảm bảo thu nhập ổn định kể cả sau ly hôn.
Nhưng sau khi ly hôn, những bà mẹ toàn thời gian gần như mất đi kinh nghiệm nghề nghiệp, không có tài sản riêng.
Không có thu nhập, nhiều bà mẹ sẽ mất dần quyền phát ngôn không chỉ ngoài xã hội, trước mặt họ hàng, thậm chí ngay trong chính gia đình nhỏ của mình, con cái sẽ cảm thấy tiền ở nhà đều là của cha kiếm được, mẹ chỉ biết làm việc nhà.
Bên cạnh đó, sự xa cách xã hội lâu ngày khiến họ mất dần tiếng nói chung với những người chồng thành đạt.
Nếu ly hôn, phụ nữ khó có thể ổn định lại cuộc sống như nam giới. Ảnh minh hoạt: Asia Nikkei. |
Làm mẹ toàn thời gian là một “công việc” có rủi ro cao, giống như việc ký hợp đồng giữa vợ và chồng.
Người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc bên ngoài, người phụ nữ làm việc trong nhà. Tuy nhiên, phía nữ không được thống nhất về giờ giấc làm việc, tiền lương, bảo hiểm phúc lợi... Khi phá vỡ hợp đồng, người đàn ông về cơ bản không bị ảnh hưởng gì do có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, còn người phụ nữ không có cách nào quay lại vị trí xuất phát ban đầu.
Điều này cũng dẫn đến việc nhiều bà mẹ dù không hài lòng với cuộc sống hôn nhân cũng không thể nộp đơn ly hôn và bỏ chồng, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong hôn nhân.
Cần sự tôn trọng
Trong một "Báo cáo Chỉ số Lo lắng", nỗi lo của các bà mẹ toàn thời gian đứng thứ 3, chỉ xếp sau các bà mẹ làm việc trong lĩnh vực tài chính và Internet. Hơn 3/4 số bà mẹ toàn thời gian cho biết nếu có người giúp chăm sóc con, họ sẽ ra ngoài đi làm, tức là cứ 10 bà mẹ toàn thời gian thì có 7,5 người muốn quay lại làm việc.
Theo một nghiên cứu về “Tình trạng của các bà mẹ đi làm năm 2019" do trang Zhaopin thực hiện cho thấy 71,3% lý do khiến các bà mẹ quay trở lại nơi làm việc là vì họ "không muốn bị tách rời khỏi xã hội", và 59,9% muốn "duy trì trạng thái tốt của bản thân".
Để dành cho những người mẹ toàn thời gian sự tôn trọng và địa vị mà họ xứng đáng không chỉ là trách nhiệm của gia đình và xã hội, mà còn đòi hỏi các chính phủ có chính sách để bảo vệ quyền lợi của họ trên bình diện pháp luật.
Ở Mỹ, những người làm nội trợ khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn có thể nhận được một nửa lương hưu của vợ/chồng (số tiền này do chính phủ cấp và sẽ không ảnh hưởng đến số tiền mà vợ/chồng nhận được).
Chính phủ nhiều nước ban hành chính sách hỗ trợ phụ nữ làm nội trợ toàn thời gian. Ảnh minh họa: Istock. |
Ở Pháp, các bà mẹ toàn thời gian có thể nhận được 1.200 USD trợ cấp của chính phủ mỗi tháng và được giảm giá khi đưa con họ ra ngoài sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ở Italy, luật pháp quy định rằng nếu người mẹ toàn thời gian không có lỗi trong vụ ly hôn, người chồng cần phải trả cho vợ một khoản chi phí sinh hoạt nhất định nếu ly hôn, cho đến khi cô ấy tìm được việc làm hoặc một người chồng mới.
Ở Thụy Điển, chính phủ khuyến khích các ông bố và bà mẹ nghỉ phép trong một khoảng thời gian như nhau. Chính phủ bố trí đủ các nhà trẻ và trường học với chi phí thấp, khoảng từ 150 USD.
Nguồn gốc thực sự đằng sau loạt chính sách này là mọi người tin rằng trẻ em thuộc về xã hội, và cha mẹ đang đóng góp cho xã hội bằng cách sinh ra con cái. Vì vậy, xã hội nên xóa bỏ mọi trở ngại và tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho cha mẹ.