Tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, nhiều trường học bắt đầu thực hiện chính sách cấm chia sẻ điểm số, thứ hạng trong lớp của học sinh tại các nhóm chat của phụ huynh và giáo viên.
Thông tin này đang dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội xoay quanh sự cân bằng giữa việc động viên và gây căng thẳng cho trẻ thông qua việc công khai điểm số, Sixth Tone đưa tin.
Theo 21 Century Business Herald, phòng giáo dục quận Tân Giang đã vạch ra một loạt biện pháp để cải thiện phép xã giao và giao tiếp liên quan đến trường học trên ứng dụng nhắn tin WeChat.
Nhiều học sinh Trung Quốc gặp áp lực học hành khi thường bị cha mẹ so sánh điểm số với các bạn trong lớp. Ảnh: Sixth Tone. |
Cụ thể, trong phần về “thông tin được chấp nhận công khai”, tài liệu cho biết giáo viên nên được khuyến khích bảo vệ quyền riêng tư của học sinh, do đó không nên tiết lộ điểm hoặc xếp hạng của các em trong nhóm trò chuyện với phụ huynh học sinh.
Kể từ khi chính sách được công bố vào tuần trước, hashtag liên quan đến chủ đề "Có nên công khai điểm của học sinh không?" xuất hiện trên mạng hơn 360 triệu lần.
Nên hay không?
Theo nội dung chính sách được giáo viên, phụ huynh và cơ quan giáo dục địa phương thống nhất xây dựng, phụ huynh nên "đưa ra các yêu cầu hợp lý", "hiểu lịch trình bận rộn của giáo viên" và "không nhắn tin cho giáo viên từ 21h30 đến 7h hôm sau".
Trong khi đó, giáo viên “phát hành thông tin có thể chấp nhận được” và “cung cấp phản hồi kỹ lưỡng”.
Nhiều người nhận định chính sách này sẽ vừa bảo vệ quyền riêng tư của học sinh, vừa giúp giảm sự cạnh tranh, áp lực cho các em và thậm chí là cả cha mẹ.
Tuy nhiên, với hệ thống giáo dục phụ thuộc nhiều vào tiêu chuẩn điểm số của Trung Quốc cho các kỳ thi zhongkao (thi vào lớp 10) và gaokao (thi đại học), nhiều người lo ngại rằng việc bảo vệ học sinh quá mức bằng cách không công khai điểm và xếp hạng có thể gây bất lợi.
“Ai mà không gặp phải sự cạnh tranh hay thất bại trong suốt thời thơ ấu. Lớn lên như một bông hoa mỏng manh, xinh xắn nhưng không chịu được mưa gió thì có ích lợi gì”, một bình luận nhận được hơn 68.000 lượt thích.
Một người khác đồng tình: "Nếu không có sự so sánh, sẽ chẳng ai có động lực tiến lên".
Kỳ thi đại học ở Trung Quốc được xem là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới. Ảnh: Xinhua. |
Sự cân bằng giữa một bên là tiết lộ điểm số để tạo động lực thúc đẩy, một bên là quyền riêng tư và sức khỏe tinh thần của các học sinh cũng trở thành chủ đề thảo luận ở quốc gia tỷ dân trong nhiều năm qua.
Với sự căng thẳng của thị trường việc làm, nhiều phụ huynh Trung Quốc tin rằng một môi trường trường học cạnh tranh sẽ có lợi cho con cái họ về lâu dài, giúp chúng có được suất vào các trường đại học hàng đầu, kiếm được mức lương cao hơn và đương đầu với khó khăn tốt hơn.
Tuy nhiên, từ năm 2009, nhiều nơi ở tỉnh Chiết Giang khuyến cáo các trường học không công khai thứ hạng của học sinh trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Năm 2018, một chính sách của chính phủ nhằm giảm bớt căng thẳng cho học sinh tiểu học và trung học cũng không khuyến khích giáo viên “tiết lộ điểm số dưới bất kỳ hình thức nào”.
Bên cạnh đó, các nhóm chat của phụ huynh và giáo viên cũng là chủ đề thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Đây là một đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai bên, nơi có thể tràn ngập các bậc phụ huynh sẵn sàng nịnh nọt, hối lộ giáo viên để con mình có được sự ưu ái.
Theo SCMP, đây được coi là tình trạng tham nhũng. Dù có quy mô nhỏ, nhưng đây trở thành vấn đề lớn đến mức một số thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải phải áp dụng các biện pháp cứng rắn để loại bỏ.