Bắt đầu từ 8/6, Anh khai tử phần bằng lái xe giấy. |
Theo đó, người Anh chuyển sang số hóa nhằm cắt giảm thủ tục, giấy tờ và tiết kiệm tiền cho người dân. Tuy nhiên, do chuẩn bị không tốt nên nó gây ra không ít xáo trộn, khó chịu và bức xúc đối với một số người.
Số hóa bằng lái, tiết kiệm 8 triệu bảng
Để được điều khiển ôtô tại Anh, mỗi người bắt buộc phải có bộ bằng lái xe hoàn chỉnh bao gồm thẻ nhựa và tờ giấy đi cùng (gọi là counterpart). Tờ giấy trong bộ bằng lái xe chứa toàn bộ thông tin cần lưu ý về hồ sơ, cũng như chi tiết những lần bị phạt. Suốt 17 năm qua, mỗi lái xe phải mang theo cả thẻ nhựa và giấy counterpart. Điều này gây bất tiện. Trong trường hợp lái xe bị mất giấy counterpart, họ phải xin cấp lại với chi phí 20 bảng Anh (gần 700.000 đồng).
Theo thống kê của Chính phủ, năm ngoái, hơn 445.000 tờ counterpart được cấp lại. Với mục đích cắt giảm thủ tục rườm rà, tiết kiệm tiền cho người dân, Chính phủ Anh quyết định “khai tử” giấy counterpart từ 8/6. Người dân tự hủy bỏ giấy counterpart của mình. Thay vào đó, mọi thông tin (loại xe, số lần vi phạm…) trước kia được lưu trữ trên giấy counterpart nay sẽ được lên mạng.
Mọi người có thể vào trang web View Driving Licence (Theo dõi bằng lái xe) để kiểm tra hoặc có thể kiểm tra qua điện thoại hoặc ở bưu điện. Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định: “Lý do loại bỏ giấy counterpart là để giảm gánh nặng cho người lái ôtô. Họ không cần phải kè kè thêm một tờ giấy nữa và cũng không lo mất 20 bảng Anh trong trường hợp cần cấp lại”.
Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định: “Lý do loại bỏ giấy counterpart là để giảm gánh nặng cho người lái ôtô. Họ không cần phải kè kè thêm một tờ giấy nữa và cũng không lo mất 20 bảng Anh trong trường hợp cần cấp lại”.
Với thay đổi này, các chuyên gia dự tính, nó sẽ giúp tiết kiệm cho chính phủ 8 triệu bảng Anh (tương đương hơn 260 tỷ đồng). Một trong những tác dụng chính của giấy counterpart là phục vụ người thuê ôtô - nhu cầu phổ biến tại Anh. Với quy định mới, người muốn thuê ôtô, có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu trực tuyến để lấy mã và trình mã này với công ty cho thuê ôtô để họ kiểm tra thay vì phải xuất trình giấy counterpart như trước kia. Tuy nhiên, mã này chỉ có hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Chưa hẳn tiết kiệm cho người dân
Chỉ vài ngày kể từ khi áp dụng, thay đổi này làm nảy sinh rất nhiều vấn đề. Điều khiến người dân bức xúc nhất đó là, ngay ngày đầu tiên, trang web Theo dõi bằng lái xe đã bị sập vì quá tải. Công ty cho thuê ôtô U-drive tại Bristol cho biết, trang web sập nên khách hàng tới thuê xe phải chờ hàng dài tới 20 người. Anh Richard Stock đến từ U-drive bức xúc nói: “Hệ thống Theo dõi bằng lái xe bị sập đến chục lần chỉ trong một buổi sáng khiến khách đăng ký thuê xe xếp hàng dài chờ đợi”.
Về phía mình, Giám đốc điều hành Cơ quan cấp bằng cho xe cộ, phương tiện giao thông (DVLA) Oliver Morley giải thích: “Trang web phải phục vụ nhu cầu truy cập quá cao cùng lúc nên không tránh khỏi tình trạng trên. Chúng tôi biết, nhiều khách hàng bức xúc, chúng tôi rất xin lỗi vì sự bất tiện này và đang nỗ lực giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt”.
Trước đó, kế hoạch số hóa bằng lái xe đã bị lùi lại so với dự kiến khoảng 6 tháng, do trục trặc kỹ thuật. Một vấn đề khác, DVLA khẳng định việc số hóa giấy counterpart nhằm giảm chi phí cho người dân.
Tuy nhiên, đối với các đơn vị kinh doanh như công ty bán ôtô, cho thuê ga-ra, cho thuê ôtô…, DVLA đưa ra hai phương án để các đơn vị này kiểm tra mã số mà khách hàng cung cấp: Qua trực tuyến và gọi điện. Cả hai đều tốn chi phí khá cao. Trong đó, dịch vụ gọi điện có giá 51 xu/ phút (16 nghìn đồng) và ước tính DVLA sẽ nhận khoảng 10 triệu cuộc gọi/năm.
Từ đây, DVLA, có thể thu về được hàng triệu bảng Anh. Còn các công ty cho thuê, bán ôtô… sẽ không bao giờ chịu thiệt mà đánh thêm vào phụ phí cho người lái ôtô để bù vào chi phí trên. Như vậy, chưa hẳn người dân sẽ tiết kiệm được tiền từ việc số hóa bằng lái xe.
Giám đốc điều hành Hiệp Hội cho thuê và mượn ôtô (BVRLA) Gerry Keaney đánh giá: “Dự án này quá vội vàng và không thông minh”.