“Những chiếc lót ly này làm bằng chất liệu đá phải không?”.
“Không, đây là jesmonite, chất liệu thường được ứng dụng trong xây dựng, mỹ thuật và hiện tại là cả thủ công”.
Đó là thông tin đầu tiên tôi nhận được khi đến với craft house mang tên Tiệm Nửa Thước. Chiều thứ bảy, tại một pop up store trên đường 3/2 (quận 10, TP.HCM), tiệm tổ chức buổi workshop hướng dẫn làm lót ly từ chất liệu khá lạ lẫm này.
Cầm hai chiếc lót ly mẫu hình tròn và lục giác trên tay, tôi đã ngỡ đây là sản phẩm làm từ đá, được xử lý để có họa tiết marble và terrazzo. Sau lời giải thích từ nhân viên của tiệm, tôi khá hồi hộp bước vào “cuộc vui chơi” cùng jesmonite trong 2,5 giờ cùng 11 học viên khác cạnh mình.
Những sản phẩm thủ công từ chất liệu Jesmonite được trưng bày tại Tiệm Nửa Thước. |
Nhập môn
Workshop được tổ chức trong một không gian nhỏ nhắn nhưng nhiều ánh sáng tại lầu 3 của pop up store.
Khi đến đây, mỗi học viên cần khai báo y tế và đối chiếu thông tin cùng nhân viên. Sau đó, từng người lựa chọn vị trí ngồi yêu thích, kiểm tra lại bộ đồ dùng được cung cấp bao gồm tạp dề, găng tay cao su cùng set giấy xi măng và giấy nến.
Học viên được chuẩn bị sẵn tạp dề, găng tay trước khi bước vào buổi workshop. |
Trong khoảng 10 phút đầu tiên, nhân viên của tiệm giới thiệu về jesmonite, cho biết chất liệu này được nhập khẩu từ Anh, thân thiện với môi trường, sức khỏe, đồng thời dễ sửa chữa và điều chỉnh khi ứng dụng sản xuất đồ thủ công.
Jesmonite sẽ đông cứng khi được pha trộn với tỷ lệ chuẩn, mang hình dáng của khuôn chứa và sau đó có thể phối hợp cùng nhiều nguyên liệu khác như nhựa, gỗ, kim loại nhằm cho ra các vật dụng thủ công theo ý thích.
Lượng jesmonite dạng lỏng và bột đã được nhân viên của tiệm chuẩn bị sẵn cho từng học viên. |
Nhân viên của tiệm cho biết đã cân đo khối lượng jesmonite dạng bột và lỏng vừa đủ để từng học viên tự tay làm bộ hai chiếc lót ly đường kính khoảng 8cm. Đây là tỷ lệ được hãng khuyến cáo để sản phẩm có độ đông cứng nhanh và tốt nhất.
Mỗi học viên được nhân viên của tiệm hướng dẫn tỉ mỉ trong từng công đoạn. |
Thực hành không dễ
Bước đầu tiên, tôi cùng các học viên được hướng dẫn làm vụn jesmonite cho chiếc lót ly họa tiết terrazzo.
Theo đó, với 6 màu sơn acrylic, chúng tôi pha chế thành màu sắc yêu thích rồi trộn vào ly nhựa chứa jesmonite dạng lỏng. Sau đó, tôi trút toàn bộ jesmonite dạng bột vào ly hỗn hợp nêu trên rồi khuấy đều bằng que gỗ.
Công đoạn pha màu khiến tôi gặp khó khăn, cảm thấy chưa hài lòng với màu sắc cuối cùng. |
Sắp đến Giáng sinh, tôi quyết định làm chiếc lót ly terrazzo màu trắng, có vụn màu xanh và đỏ. Tuy vậy, đối với tôi, việc pha sơn để cho ra màu sắc rực rỡ như mong muốn là khá khó khăn.
Tôi đã loay hoay nhiều phút, nhờ đến sự hướng dẫn của nhân viên tại tiệm nhưng vẫn chưa đạt được tông màu như tưởng tượng.
Chúng tôi kết thúc bước làm vụn đá bằng việc đổ hỗn hợp jesmonite lên giấy nến, dàn mỏng và mang phơi khô chờ đông cứng.
Trong lần làm đồ thủ công jesmonite tiếp theo, chắc chắn tôi sẽ chú ý nhiều hơn vào công đoạn pha màu này. Màu sắc quyết định rất lớn đến độ thẩm mỹ của sản phẩm.
Lớp jesmonite được dàn mỏng trên giấy nến và phơi khô. |
Bước thứ hai, chúng tôi chuyển sang làm chiếc lót ly họa tiết đá marble. Cách thực hiện khá đơn giản, tương tự việc làm vụn jesmonite nhưng với liều lượng lớn hơn.
Sau khi pha các hỗn hợp jesmonite với màu sắc yêu thích, tôi lần lượt đổ từng lớp dung dịch vào khuôn, dùng que gỗ đầu nhọn “vẽ” vân đá marble.
Đổ xong lớp hỗn hợp cuối cùng, đó cũng là lúc chúng tôi được hướng dẫn phải đập nhẹ khuôn silicon xuống mặt bàn để làm vỡ các bọt khí, tránh tình trạng sản phẩm bị rỗ sau khi hoàn thiện.
Thao tác vẽ hình trên jesmonite và đập nhẹ khuôn silicon cũng đòi hỏi sự khéo léo. |
Bước thứ ba, sau khi vụn jesmonite đông cứng, các học viên quay trở lại hoàn thành chiếc lót ly terrazzo.
Tôi bẻ lớp jesmonite khô thành từng vụn lớn nhỏ, trộn đều vào hỗn hợp jesmonite đã pha, sau đó đổ đầy vào khuôn lục giác. Tôi cũng lặp lại thao tác đập nhẹ khuôn xuống bàn, sau đó chờ đông cứng trong khoảng 20 phút.
Lớp jesmonite mỏng đã khô được bẻ vụn, phục vụ làm chiếc lót ly họa tiết terrazzo. |
Bước cuối cùng, tôi được nhân viên của tiệm hướng dẫn mài để loại bỏ phần nguyên liệu dư thừa trên sản phẩm, giúp chiếc lót ly có được độ phẳng và mịn.
Đây có lẽ là công đoạn mệt nhất trong cả buổi workshop bởi chúng tôi phải mài liên tục khối jesmonite trong khoảng 10 phút với giấy nhám, giữ sản phẩm đều tay để không bị cong, vênh.
Việc mài sản phẩm khá lâu khiến một số người mỏi tay. |
Sau khi mài đến tình trạng thích hợp, chúng tôi lau hai chiếc lót ly bằng khăn giấy và phủ lớp dung dịch bảo vệ cuối cùng. Đây là hóa chất giúp sản phẩm giữ được màu sắc tươi sáng, sử dụng được lâu hơn trong điều kiện thông thường.
Thành phẩm nhiều màu sắc của các học viên tại workshop. |
Thành quả chưa mấy hài lòng
Cầm hai chiếc lót ly là thành quả của chính mình, tôi thấy bất ngờ và hào hứng. Cả hai có hình dạng đúng như mẫu, độ dày khoảng 0,7-1 cm, không cong vênh, nứt vỡ.
Nhìn sang những học viên khác của workshop, tôi thấy mỗi người đều có sản phẩm rất xuất sắc với màu sắc nổi bật.
Tuy vậy, tôi vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với sản phẩm thủ công jesmonite đầu tiên của mình bởi hai chiếc lót ly vẫn có vết rỗ do bọt khí. Theo nhân viên của tiệm, đây là lỗi không thể tránh khi làm đồ thủ công với mọi nguyên liệu dạng lỏng.
Tôi khá hài lòng với hai sản phẩm thủ công của mình. |
Đối với tôi, workshop làm đồ thủ công jesmonite khá đơn giản và thư giãn. Hầu hết học viên đều có thể mang về nhà sản phẩm như mong muốn, sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, mỗi người vẫn cần lưu ý một số điều khi thực hành:
- Cần theo dõi sát hướng dẫn từ nhân viên của tiệm để có thể thực hiện chính xác từng công đoạn.
- Cũng như việc làm mọi đồ thủ công khác, để làm sản phẩm từ jesmonite đẹp mắt, học viên cần sự khéo léo, sáng tạo và một chút kinh nghiệm.
Tôi rất ngưỡng mộ sản phẩm của các học viên cùng lớp bởi sự phối màu độc đáo, sáng tạo. |
- Trong quá trình thực hành, tay học viên sẽ bị lấm bẩn với màu acrylic và nguyên liệu jesmonite. Những vết bẩn này có thể rửa sạch với nước. Tuy nhiên, nếu muốn bảo vệ móng tay, học viên nêu đeo găng tay cao su.
- Đặc biệt, công đoạn mài sản phẩm sẽ gây ra khá nhiều bụi. Dù đã đeo tạp dề, tôi vẫn bị bám bụi khá nhiều vào váy và áo.
Bàn tay và chiếc tạp dề lấm bẩn trong quá trình làm đồ thủ công. |
Tôi kết thúc buổi workshop bằng việc tham quan các gian hàng thủ công khác tại pop up store, tranh thủ ghi lại những tấm hình tràn ngập không khí Giáng sinh.
Vào thứ bảy mỗi tuần, Tiệm Nửa Thước đều tổ chức workshop làm các đồ thủ công như khay đựng trang sức, đến cắm bút hoặc phụ kiện trang trí Noel từ jesmonite.
Bởi đã có kinh nghiệm hơn với chất liệu này, tôi sẽ quay lại để tiếp tục thực hành với những món đồ khác nhau, dành tặng cho người thân, bạn bè vào mùa lễ hội cuối năm đã cận kề.
Không gian tràn ngập sắc màu Giáng sinh tại pop up store. |