Nhắc đến việc xin sớm được thi hành án tử hình, Nguyễn Hải Dương (hung thủ vụ thảm sát ở Bình Phước) nói với luật sư rằng không muốn vì bản thân mình để ảnh hưởng tới mọi người, nhất là cha mẹ thường xuyên lên trại giam thăm nom, tốn kém tiền bạc. Sau nhiều đêm dằn vặt, suy nghĩ, ngày cuối tháng 3, anh ta đã nộp đơn cho công an.
Nguyễn Hải Dương trong phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Hải An. |
Theo luật sư Trịnh Bá Thân (Đoàn luật sư TP HCM), đơn xin thi hành án tử hình của Dương không có giá trị pháp lý. Vị luật sư lý giải, việc thi hành án tử hình sẽ do một hội đồng gồm đại diện tòa án, VKS, cơ quan quản lý thi hành án hình sự.
Hội đồng này được thành lập bởi vị chánh án tòa án xét xử sơ thẩm (trong vụ án này là TAND tỉnh Bình Phước). Vị chánh án này sẽ là người ra quyết định thi hành án tử hình. Hội đồng sẽ lên kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cho việc thi hành án tử hình.
Vì thế, việc thi hành án sớm hay muộn phụ thuộc vào Hội đồng thi hành án tử hình, tử tù không thể tác động được.
"Sau phiên tòa sơ thẩm, Dương không làm kháng cáo hay đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước, điều đó đồng nghĩa án tử hình đã có hiệu lực với anh ta. Tuy nhiên, vụ án vẫn chưa khép lại vì Tiến và Thoại làm kháng cáo. Dương vẫn phải đến tòa phúc thẩm với vai trò nhân chứng và bị cáo trong vụ án, vì thế, anh ta có muốn được thi hành sớm cũng không được", luật sư Thân phân tích.
Đồng thời, vị luật sư cho biết, nhà nước đã chuyển hình thức thi hành án tử hình từ bắn sang tiêm thuốc. Thi hành án có phần chậm trễ hơn trước vì lý do không đủ thuốc, điều đó cũng có nghĩa việc thi hành án tử hình với Dương có thể cũng bị ảnh hưởng, kéo dài.
Theo TAND cấp cao tại TP HCM, dự kiến trong tháng 5 sẽ đưa vụ thảm sát Bình Phước ra xét xử phúc thẩm. Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm ngày 17/12/2015, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên Dương tử hình, Vũ Văn Tiến (25 tuổi, ngụ Bình Phước) tử hình và Trần Đình Thoại (28 tuổi, quê Vĩnh Long) 16 năm tù cùng về tội Giết người và Cướp tài sản.
Sau phiên tòa, Tiến và Thoại có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Gia đình nạn nhân cũng có đơn xin nâng mức án với Thoại và xem xét trách nhiệm hình sự với dì ruột Dương, người đã cất balô chứa hung khí trong nhiều ngày và cho anh ta mượn xe máy đi gây án.
Theo bản án sơ thẩm, Dương và chị Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái ông Lê Văn Mỹ ở huyện Chơn Thành, Bình Phước) yêu nhau từ tháng 10/2013. Đến tháng 4/2015, Linh nói lời chia tay, Dương cho rằng mình bị hắt hủi và nảy sinh ý định trả thù tình bằng cách giết cả nhà người yêu.
Dương tìm mua nhiều hung khí như súng điện, súng bắn bi, dây rút, dao, khẩu trang, găng tay,... rồi rủ Thoại tham gia. Rạng sáng 4/7/2015, 2 thanh niên này đến nhà ông Mỹ nhưng không gây án được nên bỏ về.
Sau đó, Thoại thấy kế hoạch của Dương giết quá nhiều người nên không tham gia nữa nhưng vẫn mua thêm dao cho hung thủ gây án.
Rạng sáng 7/7/2015, Dương rủ Tiến đột nhập vào nhà ông Mỹ. Tại đây, Tiến đã siết cổ các nạn nhân để Dương trực tiếp dùng dao sát hại 6 người trong gia đình ông Mỹ.