Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đóng cửa các trường giáo dưỡng: Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng học sinh vào hệ thống trường giáo dưỡng giảm sút nhanh chóng. Toàn quốc chỉ còn hơn 500 em đang được học tập giáo dục tại 4 trường.

Vì từ đầu năm đến nay chỉ tiếp nhận bảy học sinh mới trong khi số học sinh cũ sẽ lần lượt ra trường về địa phương, Bộ Công an đã ra quyết định đóng cửa Trường Giáo dưỡng số 5 (Long An).

Buộc phải thay đổi

Theo trung tá Tạ Văn Lương - Phó hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 5 (Long An), những năm trước số lượng học sinh trong trường luôn ổn định từ 400-600 em. 

“Chúng tôi có đội ngũ giáo viên dạy văn hóa, giáo dục công dân và dạy nghề cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, chuẩn bị để giáo dục cho hàng ngàn học sinh. Nhưng số học sinh ra trường nhiều mà số học sinh vào trường ít nên bộ mới có kế hoạch giải tán trường để chuyển đổi công năng” - trung tá Lương cho biết.

Giáo viên Trường Giáo dưỡng số 4 hướng dẫn các em trong giờ lao động - Ảnh: Hoàng Điệp
Giáo viên Trường giáo dưỡng số 4 hướng dẫn các em trong giờ lao động - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo kiến nghị của Tổng cục VIII, Trường giáo dưỡng số 5 sẽ được chuyển thành... trại giam đối với những phạm nhân ở độ tuổi chưa thành niên. “Toàn bộ học sinh cũ của trường sẽ được chuyển sang Trường Giáo dưỡng số 4 (Đồng Nai)” - thầy Lương cho biết.

Nhưng tại Trường giáo dưỡng số 4, từ tháng 4 đến nay đã có gần 30 giáo viên chuyển công tác về các trại giam. “Tan tác lắm” - thượng tá Lê Công Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 4, nói về hiện trạng của ngôi trường, nơi được xây dựng với cơ sở vật chất thích hợp cho cả ngàn học sinh. 

Lúc cao điểm, ngôi trường này tiếp nhận hơn 1.500 học sinh với 120 thầy cô giáo vừa dạy văn hóa, dạy nghề, vừa dạy kỹ năng sống. Nay số học sinh còn lại chưa đến 100 em, tương lai mỗi năm chỉ còn vài em nên hầu hết giáo viên được điều động đi các nơi khác.

“Chúng tôi không mong muốn các trường giáo dưỡng có đông học sinh. Hiện tại Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực và có những quy định rất chặt chẽ đối với việc đưa các em vào trường giáo dưỡng nên số lượng học sinh sụt giảm” - thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII (Bộ Công an), nói. Ông thừa nhận việc chuyển đổi này là tình huống bức thiết từ thực tế, và “chúng tôi cũng đang lúng túng lắm, chưa biết sẽ xử lý thế nào”.

Vấn đề là, theo thiếu tướng Bằng, báo cáo từ các ban ngành địa phương cho thấy tình hình an ninh trật tự do người chưa thành niên gây ra không hề giảm. 

“Tổng cục VIII đã báo cáo tình hình thực tế đó với Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ban cải cách tư pháp trung ương để tìm hướng giải quyết” - ông Bằng cho biết.

Khi các gia đình “bó tay”

Trường giáo dưỡng đóng cửa vì vắng học sinh, nhưng không phải bởi số vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật giảm mà bởi khó khăn khi áp dụng luật.

Thượng tá Lê Công Hiệp cho biết, trong nửa năm gần đây, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại của phụ huynh năn nỉ đưa con vào trường giáo dưỡng: “Cha mẹ các em nói với tôi rằng nhiều đứa trẻ rất bướng bỉnh và vượt quá sự kiểm soát giáo dục của họ. Có phụ huynh đến tận trường đề nghị gửi con vì gia đình đã bó tay với con”.

Bà Trần Lệ Hằng (Chi cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Đồng Nai)

Trường giáo dưỡng đóng cửa vì vắng học sinh, nhưng không phải bởi số vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật giảm mà bởi khó khăn khi áp dụng luật.

Thượng tá Lê Công Hiệp cho biết, trong nửa năm gần đây, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại của phụ huynh năn nỉ đưa con vào trường giáo dưỡng: “Cha mẹ các em nói với tôi rằng nhiều đứa trẻ rất bướng bỉnh và vượt quá sự kiểm soát giáo dục của họ. Có phụ huynh đến tận trường đề nghị gửi con vì gia đình đã bó tay với con”.

Đại úy Hà Thị Xuyến, một giáo viên của trường, kể về những ngày trực điện thoại của đơn vị, chị thường xuyên nhận điện thoại từ các nơi hỏi về thủ tục để đưa trẻ đi trường giáo dưỡng. 

“Họ thật sự bất lực với con mình, lo lắng nếu các cháu vuột khỏi sự kiểm soát của cha mẹ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Có chị còn tâm sự với tôi rằng chị rất đau lòng khi gọi điện thoại để xin cho con vào trường giáo dưỡng, nhưng thà để con ở trường một thời gian để tách xa khỏi các trò chơi điện tử, cám dỗ của bạn bè ngoài xã hội, hi vọng cháu sẽ nhận thức được mà tu chí học hành, chăm lo lao động. Để con cái lêu lổng có khi phạm tội lớn, lúc ấy cha mẹ cũng không gánh được mà còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội”.

Nhưng những đề nghị như vậy của các phụ huynh không thể nào thực hiện được vì luật pháp có quy định chặt chẽ về những việc này. “Tôi thông cảm với các bậc cha mẹ nhưng trường giáo dưỡng không thể tự nhận học sinh” - thượng tá Hiệp nói.

Từ ngày 1/1/2014, quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng có hiệu lực. Pháp lệnh số 09 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/1/2014 hướng dẫn thi hành cũng đã được ban hành nhưng lại thiếu các loại biểu mẫu áp dụng, nên có rất ít hồ sơ do các cơ quan chức năng lập đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của TAND cấp huyện.

Tại một hội thảo mới đây về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên, một số địa phương cho rằng, việc áp dụng pháp luật và các văn bản hướng dẫn hiện nay đang chồng chéo, dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm bị đề nghị áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án vẫn chưa hoặc ít bị xử lý.

Lúng túng xử lý

Khi đánh giá thực tiễn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành mới đây, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Tư pháp), nhận xét, qua hai năm thực hiện (từ ngày 1/7/2013), công tác này “đang đi vào nề nếp, xử lý kịp thời, đúng người, đúng vi phạm”. 

Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhận định: “Luật có nhiều quy định mới, phức tạp, trong khi văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, một số văn bản có nội dung quy định chưa sát với thực tiễn khiến các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai”.

Theo quy định, đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự chưa đến mức phải khởi tố thì tùy độ tuổi, tính chất, mức độ vi phạm áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. 

Ngoài ra, người vi phạm là vị thành niên còn có thể bị áp dụng biện pháp thay thế là giáo dục tại gia đình (thuộc thẩm quyền quyết định của chủ tịch UBND cấp xã). 

Riêng việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (được coi là hà khắc đối với người chưa thành niên vì phải cách ly họ trong thời gian theo quy định là từ 6-24 tháng) thì phải được quyết định bởi TAND cấp huyện.

Nhưng tại địa bàn như TP HCM, đến nay, chưa có đối tượng nào đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng theo quyết định của TAND cấp huyện. 

Các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ có các đối tượng trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự đang phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Bến Tre có 14 trường hợp như thế trong khi số vi phạm bị “nhắc nhở” lên tới 951 trường hợp.

Đứng đầu về số lượng vi phạm và phải áp dụng giáo dục tại phường, xã, thị trấn là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo số liệu thống kê từ tỉnh này, từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015 có 449 đối tượng bị áp dụng giáo dục tại phường, xã, thị trấn và 27 đối tượng giao gia đình giáo dục, quản lý.

Quy định “trói tay” cơ quan chức năng

Biện pháp trên được áp dụng thực tế nhiều nhất, chiếm 80-90% tổng số quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Đây cũng là tiền đề để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác như đưa vào trường giáo dưỡng nếu đối tượng tiếp tục vi phạm. Nhưng điều kiện áp dụng rất ngặt, chẳng hạn căn cứ trên số lần thanh thiếu niên bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn sáu tháng.

Theo ông Huỳnh Minh Thiện - Phó giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai, nhiều trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần nhưng ở địa phương khác nên khó có thể áp dụng theo quy định “2 lần trở lên trong 6 tháng”.

Một cán bộ công an quận Tân Phú (TP HCM) cho biết, các trường hợp vi phạm pháp luật hình sự vị thành niên chủ yếu là trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, đánh bạc, đánh nhau, gây rối trật tự... Đa số em thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, là trẻ dạt nhà, tụ tập sống theo nhóm và rủ nhau gây chuyện. Tình trạng khá phổ biến nữa là người chưa thành niên vi phạm thường là con gia đình lao động nghèo hoặc không có cha mẹ, dạt từ các tỉnh về, thường thay đổi nơi cư trú... nên việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính rất khó khăn.

“Chưa kể dù cơ quan chức năng ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên mà họ không chấp hành thì cũng không có chế tài” - một lãnh đạo Q.Tân Phú (TP HCM) cho biết. 

Trẻ em hư thì không thể đổ lỗi cho các em mà chính là do người lớn, là gia đình, là môi trường nơi các em sống. 

Nhiều người sinh con ra rồi để mặc con lang thang, đây là vấn đề toàn diện, không thể chỉ xử lý cái ngọn. Đối với trẻ em chưa ngoan thì giáo dục là cái gốc. 

Có những đứa trẻ đến gia đình còn đuổi đi, không cho học hành nên trộm cắp mà kiếm miếng ăn. Vậy các em có thể được học hành ở chỗ nào, xã hội có phải nơi nào cũng mở cửa cho những đứa trẻ này vào học đâu mà hoàn toàn trông chờ vào sự từ tâm.

Để những trẻ này được học hành, được sửa sai thì vẫn cần có trường lớp, vì giáo dưỡng nghĩa là vừa nuôi vừa dạy các em. 

Làm được điều này cần phải có sự vào cuộc của các chuyên gia, các tổ chức dân cử và xã hội chung tay góp sức chăm lo cho các em.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên đại biểu Quốc hội).

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/chuyen-de/20150717/dong-cua-cac-truong-giao-duong-nhieu-van-de-con-bo-ngo/778935.html

Theo Hoàng Điệp - Ái Nhân/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm