Đúng 4h, cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 mở, hàng trăm bệnh nhân nối chân nhau vào khu tiếp nhận trung tâm. Như đã quen với điều này, từng người đến lấy ghế rồi xếp thành hàng dọc ngồi xuống, rất trật tự và yên tĩnh. Lúc này, bảo vệ của bệnh viện thông báo người khám dịch vụ và bảo hiểm y tế sẽ xếp hàng khu vực nào, người bệnh cần chuẩn bị sẵn giấy tờ gì để đến giờ nhận bệnh được thành thủ tục nhanh chóng. |
Nhiều người chờ đợi từ tờ mờ sáng, hơn 80% là người bệnh từ tỉnh đổ về đây. Vừa di chuyển một quãng đường dài và đến bệnh viện từ sáng sớm, khiến họ gần như kiệt sức. Chờ khoảng 30 phút, những người bệnh đăng ký khám dịch vụ bắt đầu được nhân viên hướng dẫn làm thủ tục, lấy số, đến quầy tiếp nhận hoàn tất giấy tờ và đến khoa Khám bệnh dịch vụ. |
Cũng như người bệnh, nhân viên y tế phải có mặt 4h30 để bắt đầu công việc tiếp nhận, phát số và hướng dẫn người bệnh đến những khoa phòng cần. Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tiếp nhận khám từ 4h30, giải pháp này giúp giảm mật độ bệnh nhân và tiện ích cho họ. Nhân viên y tế đăng ký làm việc khoảng thời gian này được nhận trợ cấp làm ngoài giờ. |
Chị Hạnh (35 tuổi, ngụ Đắk Nông) bắt xe từ tối hôm trước để lên TP.HCM tái khám. Chị khám theo diện bảo hiểm y tế, sẽ bắt đầu từ lúc 7h30, nhưng vẫn lựa chọn ngồi đợi từ 3h để tiết kiệm chi phí thuê phòng trọ. Chia sẻ với Tri thức - Znews, mắt chị Hạnh đượm buồn nói không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu bắt xe từ quê đến Bệnh viện Ung bướu để khám. Phát hiện ung thư tử cung hơn một năm trước, chị đã suy sụp một thời gian, nhờ sự động viên của gia đình mới có động lực để tiếp tục chống chọi với bệnh tật. |
Vẻ mặt mệt mỏi, kiệt sức của người bệnh khi đi khám từ sáng sớm. Có người đang chờ đợi thì cơn buồn ngủ ập đến, dẫu mệt nhưng trước tình trạng quá đông đúc người bệnh, không muốn chờ đợi lâu, họ buộc phải đến đăng ký khám bệnh vào giờ "gà chưa gáy". |
Bước tiếp nhận tại khu trung tâm giúp nhân viên y tế sàng lọc được bệnh nhân ngay từ đầu. Những bệnh nhân chỉ cần khám, làm xét nghiệm hoặc siêu âm sẽ được hướng dẫn đến khu khám bệnh trước. Có người khám từ 5h đến 7h30 là hoàn thành hết các kiểm tra có kết quả và ra về. |
Từ 6h30 mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ phát số trước cho hơn 100 bệnh nhân, để 7h30 bác sĩ có mặt thì người bệnh đã xong các bước thủ tục ban đầu và vào khám. Tuy vậy, mới 7h, bệnh nhân ngồi đợi ở quầy tiếp nhận đã rất đông, gần như không còn ghế trống. Nhân viên y tế phải làm việc hết công suất, không nghỉ tay để giải toả áp lực quá tải. |
Từ 2h sáng, Yến Nhi, 30 tuổi (ngụ Bình Thuận), đã đợi trước cổng bệnh viện, khi cửa mở thì vào ngồi đợi lấy số. Chị cho biết đây không phải là lần đầu tiên mình phải đợi, trong hơn một năm điều trị và tái khám lúc nào cũng đến từ sáng sớm và đợi. "Có hôm tôi lấy số từ 6h30, khám và làm các xét nghiệm, đến nhận kết quả cũng là chiều muộn", chị Nhi nói. |
Nhân viên y tế tại khoa Xét nghiệm làm việc từ sáng sớm để người bệnh có kết quả sớm nhất. Theo lãnh đạo bệnh viện, một số bệnh nhân sẵn sàng bỏ quyền lợi bảo hiểm y tế để vượt tuyến điều trị và chấp nhận trả tiền, vì họ tin vào chất lượng chuyên môn. |
Người bệnh ngồi kín hai bên hàng ghế ở khu vực chờ Siêu âm lúc 5 giờ sáng. Khác với hình ảnh bệnh viện chật chội, người bệnh ngồi vật vờ như trước đây ở cơ sở cũ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM dù đang quá tải, người bệnh được ngồi chờ trong không gian điều hòa mát mẻ, sạch sẽ và thoải mái hơn. |
Các nhân viên y tế đang chỉnh lại tư thế, chuẩn bị cho một bệnh nhân xạ trị. Mỗi ngày, trung bình các bác sĩ tại đơn vị này phải xử lý 550 lượt hoá trị, 780 lượt xạ trị. Đến nay, số lượng bệnh nhân chờ xạ trị còn rất nhiều. Trung bình người bệnh muốn xạ trị có khi phải chờ khoảng 4-6 tuần mới đến lượt. |
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam chuyên điều trị về ung bướu. Bệnh viện có 1.000 giường, với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Bệnh viện được kỳ vọng góp phần giảm tải cho trung tâm thành phố và trở thành trung tâm y tế chuyên sâu về điều trị các bệnh ung bướu của cả nước và trong khu vực. |
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.