Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mới hoạt động đã quá tải

Tròn một năm cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được đưa vào sử dụng, tình trạng quá tải đã xảy ra. Người bệnh ung thư xạ trị, phẫu thuật phải chờ 4-6 tuần.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đông đúc người đến khám. Nhiều người bệnh phải ngồi bệt dưới sàn để chờ lượt khám vì không đủ ghế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sau 8 đợt hóa trị điều trị ung thư vú, sáng 15/5 là hôm bà Đ.V. (59 tuổi, ngụ An Giang) được chỉ định xạ trị lần đầu tiên. Từ 7h, bà V. đã có mặt tại bệnh viện, nhưng đến 11h, cả hai vẫn mòn mỏi ngồi trước quầy tiếp nhận của khu xạ trị chờ gọi tên.

Ngồi dựa vào vai chồng trên hàng ghế dài ở cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, gương mặt người phụ nữ lộ rõ sự mệt mỏi, chán nản.

Hơn một năm từ khi phát hiện ung thư vú, bà V. cùng chồng cứ 3 tuần lại khăn gói lên TP.HCM. Sau khi hoá trị, người khoẻ, vợ chồng bà lại về với con.

"Lên đây xạ trị, vợ chồng tôi phải thuê trọ, nên được xếp lịch sớm thì tiền trọ cũng đỡ được phần nào. Đợi vài giờ như vậy cũng sốt ruột. Tôi không thấy mệt nhiều vì có máy lạnh và hàng ghế dài có thể nằm nghỉ một chút, không bị ngột ngạt", bà V. chia sẻ với Tri thức - Znews.

Người bệnh khắp nơi đổ về

Câu chuyện của bà V. chỉ là điển hình trong số rất nhiều người bệnh từ các tỉnh xa xôi, chấp nhận di chuyển đoạn đường dài đến TP Thủ Đức với hy vọng được điều trị ở bệnh viện hiện đại.

Từ khi cơ sở 2 chính thức tiếp nhận bệnh nhân vào năm ngoài, cả hai cơ sở của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận 4.800 người đến khám mỗi ngày. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường, đang có 950 bệnh nhân nội trú. Áp lực quá tải rơi vào nhóm bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú.

Mỗi ngày, trung bình các bác sĩ tại đơn vị này phải xử lý 550 lượt hoá trị, 780 lượt xạ trị. Tuy nhiên, đến nay, số lượng bệnh nhân chờ phải phẫu thuật đã xếp vào một danh sách dài. Bệnh nhân phẫu thuật phải chờ khoảng 3-4 tuần, xạ trị chờ khoảng 4-6 tuần. Số ca phẫu thuật trung bình trong một tuần dao động khoảng 350-400 ca.

benh vien ung buou TP.HCM anh 1

Người bệnh đến đăng ký khám tại quầy tiếp nhận Bệnh viên Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) sáng 15/5. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Lý giải tình trạng trên, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ với Tri thức - Znews khi cơ sở vật chất càng mới, hiện đại thì người dân ở khắp mọi nơi có tâm lý đổ về đây. Họ thấy về cơ sở này tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhưng chi phí điều trị không thay đổi so với cơ sở tuyến tỉnh.

Những cơ sở điều trị ung thư ở tuyến tỉnh cũng có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực nhưng chưa phát huy hết công suất, chưa thu hút được người bệnh trở về địa phương điều trị.

Bệnh nhân vẫn lựa chọn đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vì đặt niềm tin vào cơ sở chuyên sâu. "Có người sẵn sàng bỏ quyền lợi bảo hiểm y tế để đến đây điều trị và chấp nhận trả tiền, vì họ tin vào chất lượng chuyên môn", bác sĩ Thịnh nói.

Như vậy, không phải mở rộng Bệnh viện Ung bướu là giải quyết định tình trạng quá tải. Càng mở rộng có thể bệnh nhân càng dồn về nhiều hơn. Do đó, vấn đề cốt lõi là tìm giải pháp thu hút, giữ được bệnh nhân ở tuyến tỉnh, để giảm áp lực cho những trung tâm chuyên sâu như bệnh viện. Điều này góp phần giúp trung tâm chuyên sâu thực hiện đúng vai trò là phát triển những kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ cho trường hợp khó, đặc biệt.

Việc quá tải kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Người bệnh cảm thấy bất an, khi kỳ vọng được điều trị ngay nhưng không được đáp ứng.

Cần giải pháp căn cơ

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, từ khi xây dựng cơ sở 2, ban lãnh đạo bệnh viện đã hình dung được tình huống quá tải.

Khi cơ sở mới được xây dựng, mọi thứ khang trang hơn nên bệnh nhân khắp nơi đổ về là điều dễ hiểu. Dù quá tải, nhưng người bệnh ở đây được chờ đợi trong một điều kiện tốt hơn, không còn hình ảnh chen chúc, ngột ngạt như trước đây.

"Thực chất đây là tình trạng quá tải về mặt thời gian để đáp ứng điều trị ngay, còn vấn đề chăm sóc thì bệnh viện đang đáp ứng rất tốt", bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Theo ông, trước mắt rất khó thay đổi tình trạng quá tải vì còn phụ thuộc vào tâm lý, nguyện vọng của người bệnh. Từ khu khám bệnh đến xạ trị, phẫu thuật, hoá trị đều đông bệnh nhân, nếu duy trì thời gian làm việc 8 giờ/ngày cũng không đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết trước mắt tình trạng này.

benh vien ung buou TP.HCM anh 2

Trong khu xạ trị rất nhiều người đợi đến lượt, một người đã tranh thủ chợp mắt. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Đầu tiên, bệnh viện tiếp nhận khám từ 4h30, giải pháp này giúp giảm mật độ bệnh nhân và tiện ích cho họ. Nếu cứng nhắc bắt đầu khám từ 7h30, có nhiều bệnh nhân khám xong, làm xét nghiệm, triển khai kế hoạch hoá trị phải chờ qua ngày hôm sau.

Khi mở phòng khám từ sáng sớm, bệnh nhân được giải quyết xét nghiệm xong sớm thì đến cuối ngày là xong. Người bệnh được về, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí lưu trú.

Thêm nữa, bệnh viện cũng triển khai khám bệnh ngoài giờ, từ 16h30-19h để giảm tình trạng bệnh nhân chờ đợi. Các bộ phận có liên quan cũng mở rộng thời gian làm việc.

Ví dụ, trên nguyên tắc các bác sĩ xạ trị làm việc 6h/ngày, vì đây là môi trường độc hại. Khi kết thúc giờ làm việc thì các bác sĩ, kỹ thuật viên vận hành máy xạ vẫn ở lại tiếp tục làm việc thì họ được hưởng thêm mức chi trả làm ngoài giờ quy định, vừa giảm tải vừa tăng thêm thu nhập cho nhân viên.

Bác sĩ Thịnh cho rằng đó là những giải pháp để giải quyết được tình trạng bệnh nhân chờ, nhưng chờ thì vẫn chờ. Bởi, với nguồn lực hiện tại không thể đáp ứng được hết bệnh nhân. Do đó bệnh viện vẫn cầm mua sắm thêm thiết bị, tăng cường nhân lực.

"Quan trọng là phải có biện pháp lâu dài, giải quyết vấn đề từ gốc. Giải pháp căn cơ là bệnh viện tuyến tỉnh cần phát triển năng lực, tăng cường đầu tư để giữ bệnh nhân ở lại", bác sĩ Thịnh nhấn mạnh.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam chuyên điều trị về ung bướu. Bệnh viện có tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng và chính thức đi vào hoạt động toàn bộ cơ sở hồi đầu năm 2023.

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

Bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư ở TP.HCM quá tải

Được kỳ vọng giảm áp lực điều trị ung thư cho cơ sở 1, nay Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở TP Thủ Đức lại rơi vào tình trạng quá tải.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm