Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Động lực bỏ việc của nhiều lao động trong năm 2022

Kiệt sức, thiếu sự kết nối khi làm việc từ xa, không được lãnh đạo đánh giá cao là những lý do chính khiến nhiều người có kế hoạch từ chức trong 6 tháng tới.

Crystal Lim-Lange, CEO của công ty đào tạo kỹ năng kinh doanh Forest Wolf, đã có bài viết trên Channel News Asia về làn sóng bỏ việc đang diễn ra toàn cầu cũng như động lực khiến nhiều lao động quyết định từ chức.

Tôi có thể xác định chính xác thời điểm quyết định rời bỏ công việc đầu tiên. Tôi từng làm việc cho một ngân hàng đầu tư lớn, làm việc chăm chỉ để lên tới vị trí cao.

Nhưng hôm đó lại là một buổi sáng rất khác trên sàn giao dịch. Khi ngồi xuống chỗ của mình, tôi cảm thấy sự bất an. Tôi nhận ra mình gầy gò, hao mòn, làm quá nhiều nhưng chẳng đạt được điều gì đặc biệt ý nghĩa.

Ngay sau đó, một cửa sổ hiện lên trên máy tính, thông báo tôi đã đến lúc đổi mật khẩu. Một sự thôi thúc vô hình đã khiến tôi nhập tên bí mật của doanh nghiệp mà bản thân mơ ước được gia nhập.

Hành động nổi loạn rất nhỏ ấy đã là tia lửa, nhanh chóng biến thành một bước đi táo bạo trong sự nghiệp.

nghi viec sau dai dich anh 1

Thế giới đang chứng kiến làn sóng bỏ việc hậu đại dịch. Ảnh: iStock.

Khi tôi thông báo sẽ rời bỏ ngân hàng nơi trả lương hậu hĩnh, được nhiều người thèm muốn để dành thời gian nghỉ ngơi và tính đến chuyện có con, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng, bạn bè và gia đình đều nói tôi thật điên rồ.

Cảm giác như tôi đã thật liều lĩnh khi nghỉ việc mà không có kế hoạch dự phòng hay một công việc mới tiếp theo. Thế nhưng, giữa đại dịch, nhiều người cũng đã lựa chọn nghỉ việc bất chấp khó khăn vì những lý do khác nhau.

Thay đổi

Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, chúng ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng song song trong thị trường việc làm, được gọi là "làn sóng bỏ việc" - các nghiên cứu dự đoán khoảng một nửa lực lượng lao động đang tích cực lên kế hoạch rời bỏ công việc của họ trong 6 tháng tới.

Khi tôi kết hợp nghiên cứu về xu hướng từ chức cũng như thông tin nhận được từ các công ty trong quá trình huấn luyện và tư vấn, tôi thấy có nhiều lý do khiến một người nghỉ việc.

Khi còn là một nhân viên ngân hàng, tôi biết những người bị kiệt sức (burn out), họ là nhân sự thuộc nhiều cấp bậc hoặc thậm chí là lãnh đạo. Khi đó chúng tôi không bàn về nó công khai như bây giờ. Tuy nhiên, cảm xúc trước đây và bây giờ vẫn vậy, nhiều người chỉ đơn giản là không thể tiếp tục công việc.

nghi viec sau dai dich anh 2

Kiệt sức, thiếu sự kết nối và cảm thông khiến nhiều người quyết định rời bỏ công việc hiện tại. Ảnh: CNBC.

Nghiên cứu cho thấy một trong những yếu tố lớn nhất đằng sau tình trạng kiệt sức là do thiếu sự đồng cảm từ các nhà tuyển dụng và thiếu hệ sinh thái hỗ trợ.

Nghiên cứu thị trường do công ty OC Tanner (Mỹ) thực hiện cho thấy 75% nhân viên tin rằng không đủ sự đồng cảm ở nơi làm việc và gần 80% nhân viên nghỉ việc vì không được đánh giá cao.

Có nhiều loại công việc, nghề nghiệp đòi hỏi mức độ đồng cảm cao, chẳng hạn như nhân viên y tế, giáo viên hay quản lý cấp trung - những người thường xuyên phải tiếp xúc với mọi người, đưa ra nhiều quyết định khó khăn.

Thật trớ trêu khi công việc của họ đòi hỏi phải kết nối và thể hiện sự quan tâm với con người, nhưng họ lại cảm thấy cấp trên không cho mình những điều đó.

Theo một nghiên cứu mới được Ernst & Young công bố vào tháng 10/2021 trên 1.000 nhân viên Mỹ, 49% trong đó nói rằng các nhà tuyển dụng không thông cảm với cuộc sống cá nhân của họ.

Như vậy sự đồng cảm của lãnh đạo có thể là biện pháp để giữ chân và tìm kiếm nhân viên khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyển dụng.

Từ các cuộc thảo luận kín, tôi có thể thấy một số công ty đang có tư duy cầu tiến và thực sự quan tâm đến việc đầu tư vào con người.

Tuy nhiên, nhiều quản lý nói với tôi rằng họ áp lực trong việc tái cấu trúc liên tục, cải thiện và đưa ra kết quả hàng quý để suy nghĩ một cách có hệ thống về việc hỗ trợ nhân viên.

Nhiều người đã có mong muốn rời vị trí hiện tại từ trước. Có lẽ họ không hài lòng với sếp hoặc văn hóa làm việc, hoặc đã nghĩ đến việc nghỉ việc nhưng không có thời hạn chắc chắn.

nghi viec sau dai dich anh 3

Đại dịch như một chất xúc tác khiến những người vốn chán nản công việc càng quyết tâm thay đổi, tìm hướng đi mới. Ảnh: Reuters.

Sau đó, đại dịch ập đến như một chất xúc tác. Mọi thứ biến động khiến nhiều người dễ dàng ra quyết định nghỉ việc.

Trước đại dịch, nhiều người trong số họ đến văn phòng mỗi ngày, giao du và chia sẻ những niềm vui, sự căng thẳng hay khó khăn với đồng nghiệp.

Tuy nhiên, trong đại dịch, mọi người không còn cảm thấy được kết nối theo cùng một cách với các đồng nghiệp trong văn phòng và hệ thống hỗ trợ. Điều đó khiến họ dễ dàng nghĩ ra một con đường khác hoặc tưởng tượng rằng "cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn".

Nhiều người khác bị thu hút bởi những vai trò thú vị khác trong thị trường lao động, hoặc muốn chuyển sang một công ty cho phép làm việc tại nhà.

Một số người khác có tài sản lớn sau khi thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử đã có lợi nhuận kỷ lục từ năm 2020 đến năm 2021, hoặc đã có thể tiết kiệm đủ tiền, do đó họ nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để tạm dừng lại và nhìn nhận nhiều hơn về cuộc sống.

Phụ nữ Trung Quốc sợ mất việc vì nghỉ thai sản dài ngày

Trong khi chính quyền các địa phương liên tục nâng thời gian nghỉ thai sản để khuyến khích sinh đẻ, nhiều người lo ngại điều này làm gia tăng sự phân biệt giới tính nơi làm việc.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm