Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, phát biểu khai mạc phiên giới thiệu dự án của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội hôm 3/12. Ảnh: Trần Hoàng. |
Chiều 3/12, 13 doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) đã tham dự vòng giới thiệu dự án (pitching) cuối cùng trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy Doanh nghiệp tạo tác động xã hội - chương trình dưới sự hợp tác của Học viện Acumen và Đại học Fulbright Việt Nam.
Tham dự chương trình, 13 doanh nghiệp mang đến những mô hình đa dạng trên nhiều lĩnh vực như sản phẩm tái chế, công nghệ, nông nghiệp bền vững, y tế, giáo dục. Các doanh nghiệp tham gia chương trình hướng đến việc xây dựng mô hình kinh doanh có thể mang lại tác động tích cực cho xã hội, đồng thời tạo ra lợi nhuận.
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết những tác động xã hội đang là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam, trong bối cảnh có nhiều cuộc thảo luận về tình trạng biến đổi khí hậu, thất nghiệp, gián đoạn chuỗi cung ứng hay thiếu lực lượng lao động chất lượng cao.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cho rằng việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường vừa là mục tiêu, vừa là xu thế toàn cầu hiện nay, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG).
Trên cơ sở đó, một số mô hình doanh nghiệp tham gia chương trình hướng đến các sản phẩm tái chế, phân loại rác thải, từ đó giảm thiểu lượng rác thải đổ ra môi trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ tập trung vào tận dụng trí tuệ nhân tạo để đảm bảo tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải từ các tòa nhà, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Chia sẻ với những vị khách đến tham quan mô hình kinh doanh, bà Lương Thị Thu Huyền, nhà sáng lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển ECO Việt Nam, cho biết mô hình thùng rác tái chế thức ăn thừa thành phân bón của doanh nghiệp thể hiện mục tiêu hướng đến phát triển lâu dài và bền vững, thay vì tối đa hóa lợi nhuận trước mắt.
Khách tham quan khu trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia chương trình. Ảnh: Trần Hoàng. |
Trao đổi với Zing, bà Võ Quốc Thảo Nguyên, CEO của GreenJoy - doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thiên nhiên thân thiện với môi trường - cho biết xu thế tiêu dùng hiện nay đang hướng đến sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện, trong khi các nước ở châu Âu đã cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bà Nguyên nói thêm doanh nghiệp hướng đến sử dụng các sản phẩm tái chế từ cây cỏ bàng, loại cây đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó giúp đỡ về sinh kế cho người dân ở khu vực này, vốn chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Cây cỏ bàng cũng là nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam, tạo nên sự khác biệt, so với các loại sản phẩm làm từ giấy hay gỗ, vốn phổ biến trên thế giới, bà nói.
Sau chương trình kéo dài 3 tháng, 13 SIB hôm 3/12 đã trưng bày mô hình kinh doanh và có vòng giới thiệu dự án trước các giám khảo của chương trình. Dự án được lựa chọn sẽ nhận được khoản tài trợ 10.000 USD.
Với tầm nhìn trở thành một nền tảng cho tác động xã hội tích cực ở Việt Nam và khu vực, thông qua chương trình chiến lược, Đại học Fulbright Việt Nam đặt mục tiêu đóng vai trò lớn hơn trong việc tạo điều kiện và dẫn dắt hệ sinh thái doanh nghiệp tác động xã hội tại Việt Nam.
Chương trình Thúc đẩy Doanh nghiệp tạo tác động xã hội kéo dài 12 tuần, dành cho những nhà sáng lập các doanh nghiệp tạo tác động xã hội có quy mô ở giai đoạn trước thềm tăng trưởng tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội kết nối với các doanh nhân, đối tác tiềm năng và nhà đầu tư về hệ sinh thái của mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội.