Đây cũng là nguyên nhân khiến một số dịch bệnh truyền nhiễm như: sởi, ho gà… có nguy cơ quay trở lại.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, cần thiết phải bịt “lỗ hổng” miễn dịch, triển khai tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung cho trẻ là vấn đề đang được ngành y tế quan tâm, nhằm tránh bùng phát dịch bệnh.
Nhiều bệnh truyền nhiễm có vaccine gia tăng
Theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), tính đến ngày 15/7, số ca mắc sởi, ho gà và viêm não Nhật Bản trên địa bàn tỉnh tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, 10 ca mắc sởi, 8 ca ho gà, tăng 100%; viêm não Nhật bản 5 ca, tăng 4 ca. Phần lớn trẻ nhập viện với nhiều triệu chứng như: ho, sốt, phát ban, đau bụng…
Như trường hợp bé H.M.T. (16 tháng tuổi, ngụ tại phường Long Bình, TP Biên Hòa), bé thường bị sốt cao liên tục, có sử dụng thuốc hạ sốt nhưng không giảm, kèm ho nhiều nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark khám. Kết quả, bé được chẩn đoán bị viêm phổi phải nhập viện điều trị 1 tuần.
Sau đó, bé được xuất viện, nhưng bé vẫn tái diễn sốt cao, khò khè và tiếp tục nhập viện điều trị thêm 1 tuần nữa. Tuy nhiên, tình trạng không được cải thiện.
Trẻ mắc sởi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai. |
Mẹ của bé cho hay đến đầu tháng 6, bé có triệu chứng sốt cao, ho nhiều, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám và phải nhập viện điều trị do viêm phổi.
Tại đây, bé có nằm chung phòng với một bệnh nhân nghi ngờ mắc sởi ngày 2, trong quá trình điều trị, sau đó bé được chẩn đoán xuất viện với bệnh sởi.
“Bé đã được tiêm các loại vaccine cơ bản như: 6 trong 1, uống vaccine Rota, cúm, não mô cầu, phế cầu khuẩn… Tuy nhiên, bé chưa được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi, vì thường xuyên bị sốt, gia đình không đưa bé đi tiêm vaccine sởi theo lịch của Trạm y tế”, mẹ của bé T. nói
Hay trường hợp bé M.N.Q.T. (31 tháng tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa), ngày 7/7, bé bị sốt, có sử dụng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, 2 ngày sau bé vẫn sốt, kèm tiêu chảy nhiều lần, ngoài ra còn xuất hiện triệu chứng nổi ban đỏ ở mặt.
Gia đình đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), kết quả bé phải nhập viện điều trị nội trú theo dõi bệnh sởi. Bé T. cũng được tiêm các loại vaccine khác, nhưng chưa được tiêm vaccine có thành phần sởi.
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai, cho hay trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận rải rác một số bệnh truyền nhiễm như: sởi, thủy đậu, quai bị, ho gà, viêm não Nhật Bản B…
Những bệnh truyền nhiễm này đã được khống chế nhờ được tiêm vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2024, vẫn ghi nhận nhiều ca mắc là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làm gián đoạn tiêm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tạo nên một “khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng” trên địa bàn tỉnh.
Điều này có nguy cơ làm bùng phát dịch trong năm 2024, vì những ca mắc sởi này chưa được tiêm vaccine, dù đã đến hoặc qua tuổi tiêm vaccine.
Tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi là cách bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm. Trong ảnh: Người dân đưa trẻ tiêm chủng tại CDC Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai. |
Khẩn trương tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella
Vừa qua, CDC Đồng Nai phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức đánh giá nguy cơ theo bộ công cụ đánh giá nguy cơ dịch sởi của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.
Theo đó, Đồng Nai được xếp vào nguy cơ sởi rất cao, ở cấp huyện có 3 địa phương (Xuân Lộc, Tân Phú và Nhơn Trạch) được xếp ở nguy cơ rất cao và TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Định Quán, Vĩnh Cửu là địa phương có nguy cơ cao.
Với mục tiêu đạt tỷ lệ 95% trẻ em từ 9 tháng tuổi đến 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh được tiêm bổ sung 1 mũi vaccine sởi hoặc vaccine sởi - rubella. Sở Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho hơn 174.400 trẻ trong độ tuổi này tại 7 địa phương có nguy cơ cao và rất cao.
Trong đó, trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tháng tuổi sẽ được tiêm vaccine sởi; trẻ từ đủ 18 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi sẽ được tiêm vaccine sởi - rubella. Áp dụng tiêm bù, tiêm vét cho hơn 9.000 trẻ tại 4 địa phương được đánh giá mức độ nguy cơ trung bình và thấp.
“Đối với công tác tiêm bù, tiêm vét thực hiện cho những trẻ sinh năm 2023, 2024; riêng tiêm bổ sung sẽ thực hiện cho những trẻ sinh những năm 2021, 2022. Đối với những trường hợp này, không quan tâm đến tiền sử tiêm chủng, mà tổ chức tiêm đồng bộ, đây là một giải pháp quyết liệt để khống chế nguồn lây đến mức thấp nhất dịch sởi”, bác sĩ Phúc nói.
Ngay sau khi Bộ Y tế cấp vaccine, CDC Đồng Nai sẽ phân bổ cho các đơn vị để tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho trẻ. Tới đây, khi có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân biết và đi tiêm ngừa để phòng bệnh.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.