Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng nghiệp dạy thêm 100 triệu/tháng, giáo viên môn phụ muốn bỏ nghề

Chứng kiến các giáo viên dạy thêm Toán, Văn, Anh thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng, nhiều thầy cô Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ, Giáo dục công dân không khỏi chạnh lòng.

Cô đừng bắt các con học Giáo dục công dân nhiều quá, để dành thời gian cho các con học Toán, Văn, Tiếng Anh cuối năm còn thi vào lớp 10. Lời đề nghị của phụ huynh khiến tôi lặng người”, cô Trần Thị Hòa (41 tuổi, giáo viên dạy THCS ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nói.

Chênh lệch thu nhập

Theo đuổi nghề giáo gần 18 năm, đây không phải lần đầu tiên cô Hòa nghe được những lời đề nghị như vậy. Từng có phụ huynh than với cô "môn phụ thì học làm gì nhiều, tập trung cho môn chính là đủ". Mỗi lần rơi vào tình huống khó xử này, cô chỉ gượng cười, tự an ủi bản thân không suy nghĩ tiêu cực.

Dù khá buồn, cô chưa khi nào giận phụ huynh, họ đề nghị như vậy cũng có lý do riêng. Hết lớp 9 mà học sinh không đỗ được vào trường THPT công lập sẽ rất khó khăn với nhiều gia đình khi không đủ khả năng cho con em học trường tư thục.

giao vien mon phu anh 1

Học sinh học Mỹ thuật. Ảnh minh họa: T.L.

Các trường không quy định hay có khái niệm môn chính, môn phụ. Chính hay phụ là do giáo viên, phụ huynh, học sinh tự phân định theo mức độ quan trọng, độ phổ biến và độ khó từng môn.

"Môn nào học sinh càng thi cử nhiều, kiến thức càng khó và càng học thêm, dạy thêm nhiều, mặc định đó là chính. Còn môn nào học sinh không cần học thêm, dễ dàng đạt điểm cao, đó là môn phụ", cô nói. Các giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Công nghệ, Thể dục, Tin học, Âm nhạc đều bị xem là môn phụ.

Tủi thân nhất là những đợt chuẩn bị thi cuối học kỳ, dịp nghỉ hè, đồng nghiệp kín lịch dạy thêm, còn giáo viên môn phụ "nhàn rỗi".

Nhiều thầy cô dạy Toán, Văn, Tiếng Anh "khoe" dạy thêm hàng tháng thu nhập từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, đồng lương dạy trên trường với họ chẳng thấm vào đâu, thậm chí có người không bao giờ phải tiêu đến.

Trong khi đó, cô Hòa và nhiều giáo viên môn phụ khác đếm từng ngày chờ đến kỳ lương mỗi tháng. 18 năm vào nghề, lương vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng, cô Hòa nói chỉ ước được dạy thêm như đồng nghiệp, để gia đình có thêm kinh tế, con cái có điều kiện học tập hơn. "Giá như ngày ấy tôi chọn học sư phạm Toán...", nữ giáo viên nói.

Từng tốt nghiệp thủ khoa lớp Sư phạm Mỹ thuật, cô Đinh Thúy Quỳnh (28 tuổi, gốc Sơn La) ngậm ngùi nhận tổng lương 3,8 triệu đồng/tháng sau 3 năm đi làm tại một trường THCS ở thủ đô Hà Nội. Cô Quỳnh là giáo viên THCS hạng III bậc 1 là 2,1, thêm 30% phụ cấp. Sau khi trừ hết các khoản (công đoàn, quỹ...), hàng tháng cô thực lĩnh còn 3,8 triệu đồng.

Giáo viên dạy môn chính đỡ hơn. Ngoài lương, họ có khoản tiền thu nhập tăng thêm bằng dạy tăng tiết, dạy thêm hoặc xin đi dạy ở các trung tâm. Trong khi đó, giáo viên dạy môn phụ chỉ sống bằng lương "muốn đi dạy thêm cũng không ai thuê".

Xưa nay, phụ huynh không tiếc tiền bỏ vài trăm nghìn, vài triệu đồng cho con đi học thêm Toán, Văn, Tiếng Anh, kỳ vọng các em đạt điểm 9, 10 trong các kỳ thi. Thế nhưng, mấy ai bỏ tiền cho con học thêm Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục công dân... bởi tâm lý "điểm các môn này thấp chút cũng không sao". Càng lên các lớp lớn hơn, ranh giới môn chính, môn phụ càng phân định rõ ràng, đúng tinh thần thi gì học đó.

"Mang tiếng giáo viên dạy ở Hà Nội nhưng mức lương chỉ đủ ăn uống, thuê trọ. Nhiều khi đau bệnh trong người còn không dám đi khám. Lần tự uống không khỏi buộc phải đi viện lại chạy đôn đáo gặp kế toán để ứng lương", cô Quỳnh nói.

Không ít lần cô viết đơn xin nghỉ việc, rồi lại bỏ đi vì thương học trò, "cố chấp bám trụ lấy nghề giáo thêm vài năm nữa, chờ ngày lương tăng, cuộc sống sẽ dễ thở hơn".

Nhìn điểm môn chính để chấm môn phụ

"Bài vẽ của em Thoa lớp 7A1 nguệch ngoạc, màu sắc tô lộn xộn, chấm thẳng tay chỉ đạt 5 điểm. Thế nhưng đây là bài thi giữa học kỳ, nếu điểm thấp quá sẽ kéo điểm các môn học khác. Em Thoa đang học lực giỏi, lỡ điểm Mỹ thuật thấp sẽ kéo tụt điểm trung bình học các môn từ xếp loại giỏi xuống khá", thầy Huỳnh Phước Bách (38 tuổi, giáo viên một trường THCS ở quận 1, TP.HCM) đắn đo không đành lòng chấm điểm thấp.

Thầy Bách thừa nhận việc cân đong, đo đếm học lực để chấm điểm các bài thi môn phụ đã diễn ra nhiều lần, thường xuyên. Nhiều khi muốn thẳng tay chấm điểm, nhưng nghĩ thương các em, học Toán, Văn, Tiếng Anh vất vả, nặng kiến thức, đạt điểm cao khá khó. Em nào học lực giỏi mà chỉ vì bài thi Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ điểm kém kéo xuống, giáo viên không đành.

Thậm chí, khi chấm điểm thấp, giáo viên chủ nhiệm các lớp lại xin giúp các em, để đảm bảo thành tích học tập tốt, lớp cũng đạt chỉ tiêu đề ra. Cứ thế, tâm lý môn phụ khắc sâu vào suy nghĩ của các giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục công dân... mỗi khi chấm điểm họ lại cân nhắc có ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của các em không.

"Học sinh cấp hai bây giờ chỉ chú trọng vào Toán, Văn, Anh để thi lên cấp 3, còn những môn phụ hoàn toàn bị bỏ xó nếu như không muốn nói là bị coi thường", giáo viên nói. Chính vì lối học để thi đó, các cô Toán, Văn, Anh có thể kiếm thêm, còn giáo viên môn phụ như thầy Bách chỉ lương tháng 3,7 triệu đồng.

Không có điều kiện dạy thêm như đồng nghiệp, thầy Bách vừa dạy trên lớp vừa kiêm nhiệm thêm văn thư, hồ sơ, sổ sách, giấy tờ. Ngoài ra, thầy cũng luôn phần họp hành, thao giảng, dự giờ, thi giáo viên giỏi, giờ dạy giỏi.

giao vien mon phu anh 2

Gần 20 năm gắn bó với nghề, giáo viên Công nghệ như cô Trần Thị Phương Thảo (43 tuổi, Thanh Hóa) quen với cảnh "phân biệt" thầy cô dạy môn chính quần áo đẹp, xe máy, ôtô xịn đi đến trường. Còn cô vẫn gắn bó với chiếc xe máy Honda cũ từ ngày lấy chồng đến giờ.

Để nhận được 10 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, ngoài dạy học cô Thảo xung phong kiêm nhiệm thêm vị trí phó chủ tịch công đoàn, đi sớm về khuya như cơm bữa. Mức lương ít ỏi này chỉ đủ lo cho gia đình ăn uống, quần áo, đi lại. Tiền học ôn, các khoản chi tiêu lớn trong nhà chồng cô sẽ đảm nhận.

"Nhìn đồng nghiệp có học sinh để dạy thêm, bản thân cũng ao ước. Nhưng thực tế, đâu ai đi học thêm môn Công nghệ bao giờ. Mỗi lần nghĩ đến mà ngậm ngùi, đành lấy chuyện khác ra làm niềm vui, khỏa lập sự tủi thân", cô giáo nói.

Cô cũng từng xin đảm nhận giáo viên chủ nhiệm lớp để tăng thêm phụ cấp trách nhiệm, nhưng không lần nào thành công. Nhà trường thường ưu tiên cho giáo viên bộ môn chính Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Giáo viên dạy Công nghệ, Giáo dục Công dân, Tin học, Thể dục mà làm chủ nhiệm lớp là chuyện xưa nay hiếm.

Do đó, nhiều thầy cô vừa được dạy thêm, vừa được chủ nhiệm, họ đã giàu lại giàu hơn, có tiền mua ô tô, quần áo đẹp, nuôi con đầy đủ. Còn giáo viên môn phụ đã nghèo ngày càng nghèo hơn.

Làm sao để xóa quan niệm môn chính - phụ?

Nhiều chuyên gia cho rằng, môn chính, môn phụ cũng là một trong những hệ lụy của vấn đề dạy thêm, học thêm gây ra. Môn nào được coi trọng, học sinh đi học thêm nhiều, giáo viên kiếm bộn tiền nhờ dạy thêm. Còn môn nào không được coi trọng điểm số, thi cử, giáo viên chỉ có lương, không có cơ hội dạy thêm.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, cho rằng dạy thêm học thêm là nguồn cơn của việc phân biệt môn chính, môn phụ, tạo ra sự chênh lệch lớn trong thu nhập của giáo viên.

Muốn xóa khoảng cách này cần thay đổi thi cử, điểm số, đánh giá học sinh. Chừng nào chúng ta còn thi cử nặng kiến thức, không chú trọng kỹ năng, chừng đó còn dạy thêm, học thêm, còn môn chính, môn phụ. Một nền giáo dục tồn tại bằng điểm số, thi cử, điều tất yếu học sinh sẽ đổ xô đi học thêm những môn bắt buộc thi.

giao vien mon phu anh 3

Thầy cô giáo dạy môn phụ. Ảnh: VTC.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhìn nhận chừng nào việc thi cử đầu cấp chưa thay đổi, vấn đề dạy thêm và môn chính, phụ chưa thay đổi. Sở GD&ĐT yêu cầu học sinh thi vào lớp 10 bằng 3 môn Toán, Văn, Anh, buộc phụ huynh nảy sinh tâm lý "ưu tiên cho con đi học 3 môn này mới đỗ vào lớp 10". Nguồn cơn môn chính, môn phụ cũng từ đó mà ra và ngày càng cắm sâu vào tư duy phụ huynh, xã hội việc "thi cái gì thì học cái đó".

Như vậy, lý do để tồn tại của dạy thêm, học thêm là nền giáo dục nặng về lý thuyết, áp lực kiểm tra, thi cử và tâm lý bằng cấp, hơn thua của phụ huynh. Giáo dục chưa dựa trên nền tảng học thật, thi thật và chất lượng thật mà chạy theo thành tích ảo, xếp loại học sinh giỏi ngày càng tăng, đỗ tốt nghiệp 100%, đỗ đại học 100%, bất chấp tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong xã hội.

Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, chi phí học thêm là khoản lớn nhất với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%.

Nhiều phụ huynh có con học THCS cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho tất cả học sinh cấp THCS kể từ năm học 2022-2023 là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, số tiền được miễn này chẳng thấm gì với các khoản tiền học thêm mà phụ huynh bỏ ra hàng năm. Họ phải đóng rất nhiều tiền học buổi 2, tiền học thêm, học câu lạc bộ ngoài giờ.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Gần 30 trường đại học thông báo mở thêm các ngành đào tạo mới năm 2023

Năm 2023, nhiều trường đại học trên cả nước đã thông báo mở thêm các ngành đào tạo mới, trong đó, có trường mở mới 10 ngành học.

https://vtc.vn/dong-nghiep-day-them-thu-100-trieu-thang-nhieu-giao-vien-mon-phu-muon-bo-nghe-ar761197.html

Hà Cường / VTC News

Bạn có thể quan tâm