Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng phạm của 'siêu lừa' 4.000 tỷ òa khóc ở chốn công đường

Ở phần xét hỏi công khai, nhiều bị cáo là đồng phạm của "siêu lừa" kêu oan và cho rằng do tin tưởng Huyền Như nên vô tình phạm tội. Có người òa khóc, đổ lỗi cho cơ quan điều tra.

Chỉ vi phạm quy định của Vietinbank chứ không vi phạm pháp luật?

Ngày 19/12, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết nhiệm vụ của mình là xác thực tài sản đảm bảo và nhập kho số tài sản này. "Việc này không cần gặp trực tiếp khách hàng mà chỉ cần có chữ ký của họ là được, bị cáo thừa nhận đã vi phạm quy định vì không có chữ ký của khách hàng mà vẫn thực hiện", Quyên nói.

Nguyên Phó phòng giao dịch này cũng cho biết vì quá tin tưởng Huyền Như nên mới thực hiện theo lời cô ta nói. Quyên kêu oan và cho rằng mình chỉ vi phạm quy định của Vietinbank chứ không vi phạm pháp luật.

Huyền Như cùng đồng phạm tại tòa phúc thẩm.
Huyền Như cùng đồng phạm tại tòa phúc thẩm.

Nhân viên của ACB và Navibank có lỗi, còn bị cáo vô tội...

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian từ tháng 5 – 10/2011, Như đặt vấn đề cho khách hàng của mình (nhân viên ACB) vay tiền tại phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng. Lúc này Đoàn Lê Du đang giữ chức trưởng phòng nên đã chỉ đạo cho cấp dưới lập 51 hồ sơ đứng tên 16 cá nhân cho vay gần 240 tỷ đồng. Được thế chấp bằng 37 sổ tiết kiệm do nhân viên Navibank và ACB đứng tên tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM.

Tuy nhiên, trong số 16 cá nhân này chỉ có 6 người được Như nhờ đứng tên vay tiền có mặt để ký hồ sơ, còn lại vắng mặt vì... bận nhưng Du vẫn chấp nhận.

Nhưng trước vành móng ngựa Du cho rằng hành vi của mình là vô ý chứ không cố ý, vì không biết Như gian dối nên đã vô tình giúp cho “siêu lừa” này chiếm đoạt số tiền lớn của 2 ngân hàng ACB và Navibank. Du kêu oan và cho rằng nhân viên của 2 ngân hàng này cũng có lỗi rất lớn, còn anh ta không có tội gì.

"Vậy bị cáo duyệt hồ sơ cho vay nhưng không gặp khách hàng thì đúng hay sai", một vị trong HĐXX thẩm vấn. Du thừa nhận anh ta sai. "Biết sai mà vẫn làm thì là cố ý chứ vô ý gì", HĐXX truy vấn. Lúc này, Du im lặng.

HĐXX nhận định Du là trưởng phòng giao dịch thì phải nắm rõ quy định, những khoản nào cần tất toán. Lúc này Du quay qua đổ lỗi cho lãnh đạo Vietinbank: "Trước khi tất toán số tiền cho vay này, bị cáo đã báo cáo cho cấp trên".

Sau một hồi vòng vo, nguyên Trưởng phòng này không đưa ra được tình tiết nào chứng minh mình bị oan, Du không kêu oan nữa mà xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Vụ án 4.000 tỷ: thủ đoạn tinh vi của 'siêu lừa' Huyền Như

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc làm sao lấy được 210 tỷ của SBBS ra khỏi tài khoản, Như nói đã thực hiện các lệnh chi giả. Mục đích là huy động tiền gửi của SBBS để chiếm đoạt.

HĐXX tiếp tục thẩm vấn các nhân viên dưới quyền Du tại phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng gồm Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Nguyễn Thị Phúc Ngân và Huỳnh Trung Chí. Hai bị cáo Ngân và Chí thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt, còn Tiên thì kêu oan và cho rằng tất cả hồ sơ mà anh ta duyệt đều có chữ ký của khách hàng thì mới thực hiện.

Khi tòa đưa bản tự khai ra đối chất, Tiên òa khóc và đổ lỗi cho cơ quan điều tra: “Khi bị bắt, bị cáo không được hỏi gì, công an chỉ đưa ra một tờ giấy có sẵn nội dung bảo bị cáo đọc rồi kí vào”.

 

 

Khắc Thành

Bạn có thể quan tâm