Làm lệnh chi giả, chuyển tiền khách hàng vào tài khoản người khác
Ngày 17/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi công khai tại tòa.
HĐXX mở đầu thẩm vấn các bên liên quan trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt 210 tỷ đồng của Huyền Như với công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank - Berjaya (SBBS).
Đại diện SBBS cho biết, tài khoản mà công ty họ mở ở Vietinbank chi nhánh TP.HCM là hợp lệ vì có đầy đủ giấy tờ theo quy định như quyết định thành lập công ty, giấy đề nghị mở tài khoản, có chữ ký của giám đốc và con dấu của công ty,...
Huyền Như thừa nhận lời trình bày của SBBS là đúng và hồ sơ mở tài khoản của công ty này là hợp lệ. Nhưng siêu lừa cho biết thêm hồ sơ của SBBS không phải do công ty này nộp trực tiếp cho Vietinbank mà thông qua người trung gian là anh Vũ Minh Hải (nhân viên công ty chứng khoán OceanBank) đưa cho Huyền Như.
HĐXX phiên tòa phúc thẩm. |
SBBS cho biết sau khi mở tài khoản họ chuyển vào 225 tỷ. Ngày 21/8/2011, công ty này rút 15 tỷ còn 210 tỷ đồng. Việc rút tiền này có lệnh chi của Vietinbank, SBBS cho rằng với tài khoản thanh toán thì số tài khoản và số dư vẫn được giữ nguyên.
Luật sư Nguyễn Thị Bắc, người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank hỏi đại diện SBBS: "Nếu việc mở tài khoản của công ty ở Vietinbank chi nhánh Nhà Bè là thật thì lãi suất quy định là 14%, nhưng SBBS lại nhận lãi suất chênh 4,2 tỷ đồng. Sao biết có chênh lệch lãi suất, SBBS không thông báo cho Vietinbank".
Đại diện SBBS trả lời họ nhận thức đó là hợp đồng thật, không nghĩ bị làm giả nên không thông báo.
Huyền Như khai nhận đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác, giả chữ ký của Võ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Vietinbank Nhà Bè, đồng phạm của Huyền Như) và làm giả con dấu của Vietinbank. Mục đích là huy động tiền gửi của SBBS để chiếm đoạt.
Siêu lừa cũng cho biết thêm để có hợp đồng mở tài khoản từ SBBS, Như đã phải bỏ tiền túi chi cho người trung gian là Vũ Minh Hải 30 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc làm sao lấy được 210 tỷ của SBBS ra khỏi tài khoản, Huyền Như cho biết đã thực hiện các lệnh chi giả, trong đó có việc chuyển tiền vào tài khoản mẹ chồng giao dịch viên là Phạm Thị Tuyết Anh. Các lệnh chi này do Như làm nên người khác, kể cả Tuyết Anh đều không biết bị làm giả.
Trả lời HĐXX, đồng phạm Tuyết Anh cho biết mẹ chồng mình không làm việc cho SBBS. "Sau khi nghỉ sinh bị cáo bị áp lực chỉ tiêu nên mở tài khoản cho mẹ chồng, vừa để gửi tiền tiết kiệm cho cả nhà", Tuyết Anh cho biết.
Nguyên giao dịch viên này cho biết tài khoản của mẹ chồng được Huyền Như mượn chuyển tiền vào giúp khách hàng.
Bà Thơm thừa nhận con dâu bà nói bị áp lực chỉ tiêu nên nhờ mẹ đứng tên mở tài khoản. "Tuyết Anh không nói đã cho Như mượn tài khoản này và tôi cũng không biết tài khoản của mình bị Như lợi dụng chuyển tiền cùa người khác vào. Chỉ đến khi bị công an mời lên làm việc tôi mới biết", bà Thơm nói.
Huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định
Sáng nay, phiên tòa tiếp tục với việc xét hỏi các bên liên quan trong vụ Huyền Như chiếm đoạt 125 tỷ của công ty bảo hiểm Toàn Cầu.
Công ty Toàn Cầu kháng cáo xin bác một phần án sơ thẩm, đề nghị Vietinbank bồi thường cho họ 125 tỷ, cộng với lãi suất phát sinh hơn 12 tỷ đồng. Trước đó tòa sơ thẩm tuyên buộc Huyền Như phải bồi thường số tiền này cho Toàn Cầu.
Bị cáo Huyền Như trước vành móng ngựa. |
Cũng như SBBS, đại diện Toàn Cầu cho biết hồ sơ xin mở tài khoản của họ là hợp lệ. Sau khi chuyển vào tài khoản 125 tỷ, Toàn Cầu nhận thông báo xác nhận có gửi tiền vào và văn bản xác nhận trách nhiệm từ Vietinbank.
“Vậy sao biết Huyền Như làm trưởng phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ nhưng Toàn Cầu vẫn giao dịch với Huyền Như tại Vietinbank Nhà Bè, và sau đó quay lại chuyển tiền vào Vietinbank Điện Biên Phủ”, VKS hỏi. “Chúng tôi thấy bình thường vì cùng hệ thống ngân hàng”, đại diện Toàn Cầu trả lời.
Đại diện Vietinbank khẳng định họ không có trách nhiệm với khoản tiền gửi của công ty Toàn Cầu vì tài khoản này được mở bằng hợp đồng ủy thác giả. Toàn Cầu giao dịch với cá nhân Huyền Như chứ không qua Vietinbank.
Cuối phiên xử buổi sáng, HĐXX quay sang thẩm vấn về món tiền hơn 175 tỷ đồng của công ty An Lộc đã bị Như chiếm đoạt. Phía An Lộc trình bày kháng cáo yêu cầu Vietinbank phải hoàn trả số tiền hơn 175 tỷ cùng tiền lãi gần 14 tỷ đồng.
Đại diện Vietinbank nói giữa ngân hàng và An Lộc chưa phát sinh quan hệ gửi – giữ, tiền của An Lộc không chuyển theo hợp đồng và tiền lãi do cá nhân Huyền Như thanh toán.
Luật sư Vietinbank hỏi đại diện An Lộc về việc chuyển tiền trong tài khoản ở Vietinbank khi chưa ký hợp đồng, công ty này cho rằng tài khoản họ mở là tài khoản thanh toán nên khách hàng có quyền chuyển tiền tự do.
"Tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiết kiệm thì tại sao An Lộc đòi tính lãi", vị luật sư tiếp tục hỏi nhưng phía An Lộc từ chối trả lời.
Huyền Như cũng thừa nhận hồ sơ mở tài khoản của An Lộc được cô làm giả, và đưa ra mức lãi suất cao hơn quy định của ngân hàng Nhà nước để huy động vốn của An Lộc.