Đảo Jeju ở phía nam Hàn Quốc, từ lâu được coi là viên ngọc quý của ngành du lịch, đang mất dần sức hút. Những du khách trong nước giờ đây thích ra nước ngoài du lịch, trong khi cuộc tranh cãi về món thịt lợn đen đặc sản quá nhiều mỡ cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến các nhà hàng địa phương.
Trong một nỗ lực đảo ngược tình thế, chính quyền Jeju gây bất ngờ khi mời Anang Hermansyah (55 tuổi), một người có sức ảnh hưởng đến từ Indonesia, để làm đại sứ quảng bá.
Có hơn 6 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, ông Anang được giao nhiệm vụ thu hút thêm nhiều khách du lịch Đông Nam Á đến với hòn đảo này.
Ông Anang (ngoài cùng, bên phải) được mời làm đại sứ quảng bá du lịch cho Jeju. |
Thống đốc Jeju Oh Young-hun đã tự hào công bố quan hệ đối tác này trong một bài đăng gần đây trên Instagram, lạc quan về tiềm năng phục hồi vận mệnh của hòn đảo du lịch.
"Tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời với gia đình Anang, những người rất tích cực trên mạng xã hội. Tôi hy vọng các cuộc trao đổi giữa Jeju và Indonesia, cũng như nhiều quốc gia khác, sẽ trở nên tích cực hơn", ông viết.
Trước khi được bầu vào Hạ viện Indonesia năm 2014, ông Anang đã là người nổi tiếng với tư cách nhạc sĩ. Hiện tại, ông đảm nhiệm nhiều vai trò - là giám khảo trong cuộc thi ca hát thực tế ăn khách Indonesian Idol, đồng thời làm sáng tạo nội dung với vợ là ca sĩ nổi tiếng Ashanty (người có hơn 30 triệu người theo dõi trên mạng xã hội).
Ông Anang đang phát huy sức ảnh hưởng để thúc đẩy du lịch Jeju bằng cách đăng tải các video quảng bá các nhà hàng và chợ trên đảo cho gần 5 triệu người theo dõi trên Instagram của mình.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Jeju đang nỗ lực thu hút du khách trong nước. Lượng khách du lịch trong nước đến đảo đã giảm 8,3% vào năm 2023, từ 13,8 triệu người vào năm trước xuống chỉ còn 12,66 triệu người.
Xu hướng này cho thấy sự thay đổi lớn hơn trong thói quen du lịch của người Hàn Quốc. Các chuyến đi nước ngoài được thực hiện dự kiến sẽ vượt quá mức trước đại dịch vào cuối năm nay, với Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan nổi lên là những điểm đến hàng đầu, theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu GlobalData.
Lượng khách du lịch trong nước vốn chiếm hơn 90% ngành du lịch của Jeju, vì vậy làn sóng "di cư" này đã giáng một đòn mạnh vào các nhà hàng, khách sạn và sân golf trên đảo. Trên thực tế, hơn 200 doanh nghiệp lưu trú quy mô nhỏ đã phải đóng cửa trong nửa đầu năm nay.
Jeju ảm đạm hơn sau cuộc tranh cãi về miếng ba rọi siêu mỡ. |
Jaemun Byun, phó giáo sư khoa quản lý khách sạn và du lịch của Đại học Sejong, cho biết: "Có nhiều du khách Hàn Quốc cho rằng chi phí của các tour du lịch trong nước tại Hàn Quốc là quá cao, đặc biệt là khi so sánh với các chuyến đi nước ngoài ở Đông Nam Á".
Tóm lại, du khách đã có sự đánh giá về cán cân giá trị - chi phí, đẩy Jeju vào thế phải vật lộn cạnh tranh trước sự hấp dẫn của du lịch quốc tế.
Jeju còn chịu tổn hại về mặt danh tiếng do vụ bê bối đặc biệt khó chịu liên quan đến "miếng ba rọi 98% mỡ".
Một chủ nhà hàng chia sẻ với tờ Korea Times vào tháng 5 rằng bài đăng trên mạng xã hội của một du khách giấu tên giới thiệu món thịt ba chỉ lợn đáng ngờ, được cho là chứa tới 98% mỡ, đã làm tổn hại đến danh tiếng của nhiều quán ăn trên khắp Jeju.
Theo dữ liệu từ Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, hòn đảo này đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch Đông Nam Á. Lượng khách đến từ khu vực này đã tăng vọt lên 277.600 người trong quý đầu tiên của năm 2023, gấp hơn 5 lần so với lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục.
Tổ chức du lịch của hòn đảo cho biết "Jeju là một điểm đến rất nổi tiếng đối với người Indonesia trước đại dịch", lưu ý rằng họ đang tìm cách phục hồi lượng du khách từ quốc gia Đôgn Nam Á này. Năm 2019, khoảng 22.000 người Indonesia đã đến thăm Jeju. Năm ngoái, con số đó chỉ là 4.348, theo số liệu chính thức.
Moon Sung-jong, giáo sư quản lý du lịch tại Đại học Cheju Halla, cho biết: "Chúng ta cần tạo ra nhu cầu cho khách du lịch trong nước và thiết lập các biện pháp mới và sáng tạo để cải thiện hình ảnh du lịch của Jeju".
"Trên hết, ngành du lịch phải cam kết giá cả công bằng và chất lượng dịch vụ tốt", ông nhấn mạnh.
Những nỗ lực quảng bá của Anang là một giải pháp tiềm năng. Byun của Đại học Sejong tin rằng sự tham gia của người nổi tiếng có thể là một "chiến thuật tiếp thị hiệu quả" cho Jeju. Nhưng một chiến lược bền vững hơn nằm ở sự hợp tác liên tục giữa các doanh nghiệp du lịch địa phương và các cơ quan chính phủ.
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno coi vai trò đại sứ Jeju của ông Anang là cơ hội để gián tiếp quảng bá đất nước mình.
"Khi anh ấy trở thành đại sứ, chắc chắn sẽ có người hỏi về quê hương của Anang và anh ấy có thể gián tiếp quảng bá cho Indonesia. Tôi có thể giao phó cho Anang nhiệm vụ quảng bá các điểm đến du lịch ở Indonesia", Sandiaga phân tích.
Đây là một chiến lược khôn ngoan có thể mang lại lợi ích cho cả Jeju và Indonesia khi bối cảnh du lịch đang thay đổi. Jeju cần mọi sự giúp đỡ có thể để khôi phục sức hấp dẫn của mình, và tiềm năng quảng bá chéo của Anang có thể đem lại giá trị mới trong nỗ lực đó.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.