Theo Box Office Mojo, Titanic (1997) là phim lẻ duy nhất có mặt trong Top 10 doanh thu mọi thời đại (chưa điều chỉnh theo lạm phát). Dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh của xu hướng xây dựng phim thương hiệu (franchise) cũng như lợi nhuận tiềm năng nó có thể mang về.
Bài toán kinh tế an toàn
Năm 2019, người hâm mộ chứng kiến sự trở lại của rất nhiều thương hiệu điện ảnh ăn khách, có thể kể đến như Avengers, X-Men, John Wick hay Toy Story.
Giới chuyên gia khẳng định doanh thu là động cơ lớn nhất chi phối xu hướng này. Dựa trên thành tích phòng vé, các hãng phim cân nhắc mở rộng franchise sẵn có hoặc tạo dựng franchise mới. Do đó, màn ảnh rộng ghi nhận ngày càng nhiều phim thương hiệu chào đời.
John Wick là thương hiệu đang ăn nên làm ra. |
Ra mắt năm 2014, John Wick đem về 88,7 triệu USD trong khi chi phí sản xuất chỉ bằng nửa con số đó. Tỷ suất lợi nhuận hơn 50% là quá đủ để Lionsgate bật đèn xanh cho phần hậu truyện. Dù được giữ nguyên mức đầu tư, John Wick: Chapter Two (2017) lại có thể "bỏ túi" tới 171,5 triệu USD. Mới nhất, tập 3 của loạt phim cũng đạt lãi suất khoảng 70% khi kiếm về 279,9 triệu USD.
Sở hữu bảng thành tích không ngừng tiến bộ, Lionsgate đã ấn định ngày công chiếu ra mắt phần 4 ngay trong thời gian John Wick: Chapter 3 - Parabellum còn oanh tạc phòng chiếu toàn cầu.
Năm 1916, The Fall of a Nation được sản xuất để tiếp nối Birth of a Nation (1915), đánh dấu lần đầu xuất hiện của phim nhiều phần trong lịch sử điện ảnh. Theo The Guardian, đây từng là phương thức phổ biến được áp dụng cho các phim hạng B để tận dụng trang phục và đạo cụ.
Bên cạnh lý do trên, các hãng phim hiện đại còn có xu hướng "liều ăn nhiều", gia tăng đầu tư cho các phần kế tiếp. Ví dụ, trong khi mức chi cho Avengers (2012) là 220 triệu USD, Marvel Studios đã rót vốn cao hơn 1,5 lần cho Avengers: Endgame (2019). Đáng nói, độ chịu chơi của Marvel tỉ lệ thuận với doanh thu đạt được lần lượt là 1,5 tỷ USD và 2,7 tỷ USD (phim vẫn đang trình chiếu).
Avengers: Endgame đươc Marvel chủ lực đầu tư. |
Trái lại, Jurassic World (2015) được đầu tư 150 triệu USD, thu về 1,6 tỷ USD trong khi phần hậu truyện (2018) mở rộng ngân sách lên 170 triệu lại chỉ gặt hái 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, dù lãi ít hay lãi nhiều, phim thương hiệu vẫn là chiến lược an toàn khi hãng phim có được dự tính về lượng người ra rạp dựa theo thành thích của các phần tiền nhiệm. Theo đó, thương hiệu điện ảnh trở thành xu hướng được ưa chuộng hiện nay.
Phim thương hiệu "ăn mòn" Hollywood?
Mặt khác, việc phim thương hiệu đang chiếm thế thượng phong trên màn ảnh rộng khiến giới chuyên môn lo ngại về sự lụn bại của Hollywood.
The Guardian cho rằng: "Trong quá khứ, mỗi lần ghé thăm rạp chiếu, người xem lại khám phá một thế giới mới về nhân vật, tình huống, địa điểm hay cách nhìn".
Tờ báo công nhận lợi ích mà phim thương hiệu mang lại, nhưng cũng phải khẳng định hệ lụy của nó. "Một vài tác phẩm chỉ nên là phim lẻ thay vì kéo dài tới hai, ba hay bốn phần. Chưa kể, những người kế nhiệm cũng gặp nhiều khó khăn khi sản xuất. Điều này dẫn tới sự kiệt sức trong sáng tạo", The Guardian nhận định.
Dark Phoenix là trận thua thảm của X-Men trên đường đua phòng vé. |
Thế nhưng, có nên quy kết trách nhiệm quá sớm cho các series điện ảnh. Bởi lẽ, việc mở rộng câu chuyện hoàn toàn là cơ hội để các nhà làm phim đào sâu tâm lý nhân vật và sản xuất câu chuyện có tính đặc trưng.
Marvel Studios là cái tên điển hình trên con đường phim thương hiệu và là trường hợp thiểu số tại Hollywood thành công trong việc xây dựng vũ trụ điện ảnh. Kế thừa nguyên tác truyện tranh và sửa đổi sáng tạo, hãng phim liên tiếp gặt hái thành công trên cả hai mặt chuyên môn và doanh thu.
Trên Rotten Tomatoes, Marvel sở hữu 16 tác phẩm đạt điểm trên 80% trong tổng số 22 phim đã ra mắt. Đồng thời, bộ đôi Avengers: Infinity War (2018) và Avengers: Endgame xuất sắc đem về hơn 2 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu. Yếu tố cốt lõi giúp Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) được yêu thích được cho là sự kết nối mạch lạc, có hệ thống giữa các phim lẻ.
Mặt khác, phòng vé mùa hè năm 2019 còn gây thất vọng với những cái tên như Godzilla: King of Monsters (Warner Bros.), Dark Phoenix (Fox) hay Men in Black: International (Sony). Cả ba sản phẩm đều được chấm điểm không quá 40% trên Rotten Tomatoes.
Đáng nói, các bộ phim trước đó trong mỗi thương hiệu lần lượt được Rotten Tomatoes đánh giá 75%, 47% và 68% - thể hiện sự mong đợi thấp từ khán giả. Hơn nữa, sở hữu nội dung không thực sự xuất sắc, CNBC đánh giá ba cái tên trên là những phần hậu truyện "lười biếng".
Khán giả không mong chờ sự trở lại của thương hiệu Men in Black. |
Trái lại, tiếp tục đưa lên màn ảnh những câu chuyện người hâm mộ muốn thấy từ một gã sát thủ, John Wick: Chapter 3 - Parabellum đã có được thành công.
Tuy nhiên, Gamespot nhận định phần mới của loạt phim dường như được sản xuất chỉ với mục đích kéo người xem ra rạp những dự án tiếp theo. Bởi lẽ, Parabellum khép lại với việc John Wick bị truy đuổi như món thưởng lớn - cái kết tương đồng phần tiền truyện.
"Khi mỗi bộ phim mới được sản xuất chỉ đơn giản là để thiết lập phần tiếp theo thì thương hiệu điện ảnh có nguy cơ sụp đổ trước khi câu chuyện thực sự hoàn thành", Gamespot đánh giá. Theo đó, trọng tâm của vấn đề vẫn nằm ở cốt truyện và nội dung.
Tạm kết, dù xuất thân "con ông, cháu cha", không phải bộ phim nào cũng gặt hái kết quả tích cực. Nhiều "sự quen thuộc" tái xuất mỗi năm, rồi kết thúc là bom xịt thảm hại.
Bởi lẽ, nội dung sáng tạo và nguyện vọng của người hâm mộ mới là những yếu tố chủ chốt quyết định sự thành bại của một bộ phim - dù riêng lẻ hay nằm trong chuỗi thương hiệu đình đám.