Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột nhập 'hậu trường' nghề nhiếp ảnh

Tạo ra được một bức ảnh đẹp là một công việc cực kỳ công phu và hậu trường cũng lắm kỳ thú. Cùng lắng nghe tâm sự của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam và Milor Trần.

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, một trong những người tiên phong thực hiện các bộ ảnh thời trang trên các tạp chí lớn đầu tiên tại Sài Gòn, giám khảo của chương trình VietNam’s Next Top Model (mùa thứ hai, thứ ba). Trong khi đó, Milor Trần là nhiếp ảnh gia “ruột” của nhiều tạp chí như Đẹp, Elle…và cũng là người cộng tác hình ảnh với ấn phẩm Hoa Học Trò của Sinh Viên Việt Nam.

- Nghề nhiếp ảnh đến với các anh như thế nào?

- Phạm Hoài Nam: Em gái tôi làm thiết kế thời trang và muốn gửi sản phẩm đi dự thi nước ngoài. Sẵn biết dùng máy ảnh, tôi thực hiện luôn một bộ cho em gái. May mắn là bộ ảnh ấy được tạp chí đăng tải sử dụng, thế là tôi bắt đầu vào con đường nhiếp ảnh thời trang.

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam.

Milor Trần: Bố tôi làm nhiếp ảnh nên tôi được hưởng “gen” của bố. Sau này, khi học đại học, tôi chọn một ngành có phân nhánh về chụp hình để theo học nhưng rồi phát hiện ra, chương trình không phù hợp với mình, kiến thức về nhiếp ảnh rất ít, thế là tôi xin nghỉ và tự học.

- Công việc cụ thể của một người làm nhiếp ảnh?

- Phạm Hoài Nam: Một buổi chụp mất vài ngày để lên ý tưởng và chuẩn bị đạo cụ. Tôi khá kỹ tính nên cứ nghĩ ra cái gì là tự tay mình chuẩn bị đạo cụ, từ vương miện cho người mẫu đến phông màn. Nhiếp ảnh là một cuộc chơi của ánh sáng, của góc chụp. Phải có một thời gian tìm hiểu nghề, tập sử dụng đèn mới có thể chụp đẹp chứ không đơn thuần chỉ là bấm máy. Hiện nay, các bạn khá lạm dụng Photoshop. Một người chụp giỏi, trước tiên, phải có được bức ảnh tốt, bắt được thần thái người mẫu rồi mới tới việc chỉnh sửa dựa trên đó.

Người đẹp Tăng Thanh Hà. (Ảnh: Phạm Hoài Nam)
- Những khó khăn của nghề?

- Phạm Hoài Nam: Có những ngày rất kinh khủng vì phải làm việc nhiều tiếng đồng hồ. Như lần thực hiện ảnh cho một tạp chí, có đến chục người mẫu, phải chụp cật lực đến 4 – 5 ngày liên tục mới xong bộ ảnh.

Milor Trần: Với những người mới thì thời gian đầu tiếp xúc với nghề cực khó khăn và tốn kém. Một studio kha khá cần ít nhất 4 – 5 chiếc đèn đánh sáng giá ngót nghét 20 triệu đồng/chiếc. Đó là chưa tính đến máy móc, ống kính…

Nhiếp ảnh gia Milor Trần chia sẻ về nghề nhiếp ảnh.

- Một vài sự cố nghề nghiệp mà các anh từng gặp phải?

- Milor Trần: Công việc phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Có lần, chụp cho một nhãn hiệu nội y khá có tiếng ngoài biển, thời gian chụp được một-tấm-ảnh ra hồn bằng thời gian chụp của cả một buổi bình thường vì trời quá nắng. Rồi đang nắng thì mưa, thế là mọi người phải vào nhà thay đổi make up, bối cảnh. Một lúc sau, trời nắng lại và phải dời bối cảnh ra bên ngoài. Cứ nắng mưa như thế và di chuyển liên tục đến chục lần làm mọi người trong đoàn kiệt sức, người mẫu ngất xỉu luôn tại hiện trường.

Một tác phẩm của Milor Trần.
- Nghề nhiếp ảnh có hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ?

- Milor Trần: Chụp thời trang cho báo là để tôi có thêm kinh nghiệm và những mối quan hệ, trên hết là có thể phổ biến những tác phẩm của mình với công chúng. Nguồn thu chính của tôi đến từ quảng cáo, ảnh cưới và những khách hàng bên ngoài. Chi tiêu hợp lý thì chắc chắn là thu nhập từ nghề vẫn dư sức sống.

- Vậy nếu các bạn trẻ muốn vào nghề cần phải chuẩn bị gì?

- Phạm Hoài Nam: Các bạn có thể tự học tại nhà bằng cách xem sách báo, tạp chí hay làm thêm tại studio của một nhiếp ảnh gia đã lành nghề. Cũng có vài khóa học online, nếu các bạn chịu khó tìm kiếm. Tôi mất 7 năm từ khi bắt đầu mới dám mở studio. Còn nếu các bạn đi học, thời gian chỉ khoảng 3 – 4 năm. Các bạn có thể học những kiến thức cơ bản nhất từ đây rồi nghiên cứu thêm từ các nguồn. Quan trọng của việc học là phải thực hành, qua đó, tìm được kiểu chụp của riêng mình.

Theo Hoa học trò

Bạn có thể quan tâm