Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đột nhập' lò luyện chuyên gia robot nhí ở Hà Nội

Robot tự hành chạy lòng vòng trên con đường ngoắt nghéo theo sự cài đặt của bé Giang và thực hiện những công việc đặc biệt dưới đáy đại dương.

'Đột nhập' lò luyện chuyên gia robot nhí ở Hà Nội

Robot tự hành chạy lòng vòng trên con đường ngoắt nghéo theo sự cài đặt của bé Giang và thực hiện những công việc đặc biệt dưới đáy đại dương.

Hình ảnh trên xuất hiện tại căn phòng đặc biệt của ngôi trường tiểu học dân lập nổi tiếng Hà Nội, là Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Nói căn phòng đặc biệt, là bởi vì, tại căn phòng cực kỳ hiện đại này, 24 “chuyên gia robot nhí” đang miệt mài luyện tập để chuẩn bị cho Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Mỹ Đình) vào ngày 27/10 tới đây.

Thầy giáo Trần Văn Cường với cặp kính cận trễ nải, cặm cụi chỉ dẫn học sinh ráp robot, cài đặt phần mềm để con robot hoạt động theo mong muốn. Thầy Cường bảo: “Bình thường các em trong đội tuyển chỉ học 2 tiết một tuần, nhưng cuộc thi sắp diễn ra rồi, nên phải tăng cường học thêm, ôn luyện ngoài giờ để các em hoàn thiện kỹ năng ở mức tốt nhất”.

 
Thầy Cường chỉ dẫn học sinh cài đặt phần mềm để robot hoạt động

Có tới 8 rổ chứa hàng ngàn linh kiện bé tí xíu lẫn lộn với nhau. Thầy Cường bấm đồng hồ và kêu: “Bắt đầu!”. Tức thì, 24 học sinh, chia làm 8 đội, hộc tốc bê rổ linh kiện về góc phòng. Mỗi đội gồm 3 học sinh, làm việc đâu ra đấy. “Chuyên gia nhí” chuyên về lắp ráp làm việc luôn tay. Những ngón tay búp măng bới nhặt linh kiện nhoay nhoáy. Chỉ vài phút, con robot đã hoàn thiện.

Robot vừa giống xe tăng, với bánh xích đi được trên địa hình phức tạp, vừa giống máy cẩu với cần trục, tay bốc, nâng. Đó quả thực là một cỗ máy thông minh thu nhỏ, mà vài năm trước thôi, chỉ thấy trên phim ảnh. Lắp ráp xong, “chuyên gia nhí” là nữ sinh Lê Hoàng Vi Giang làm công việc cực kỳ phức tạp, ấy là “thổi hồn”, tức cài đặt phần mềm cho con robot.

Bé Giang phải tính toán kỹ lưỡng hướng robot đi, tốc độ đi, đoạn đường đi, đường rẽ, thực hiện công việc rồi nhập phần mềm đã tính toán đó vào robot.

 
"Chuyên gia robot nhí" Lê Hoàng Vi Giang.

Bé Vi Giang bảo: “Phần khó nhất trong thi đấu robot là lập trình. Con phải tính toán xem mô tơ quay bao nhiêu vòng để lấy được đồ vật. Nhóm của con đã thực hiện nội dung thi chỉ trong 20 giây. Bọn con đang cố gắng phấn đấu giành chức vô địch để làm rạng danh nước nhà”.

Ngay khi “nhà sáng chế nhí” Vi Giang cài đặt xong phần mềm cho robot, anh chàng Lê Trần Công Hưng bê con robot đặt lên đấu trường và điều khiển.

Robot tự hành chạy lòng vòng trên con đường ngoắt nghéo theo sự cài đặt của bé Giang và thực hiện những công việc đặc biệt dưới đáy đại dương. Anh chàng Hưng nói như một nhà khoa học: “Con người mỗi ngày lại sinh sôi nảy nở, rồi trái đất cũng sẽ hết chỗ ở. Vậy thì phải sống cả dưới đáy đại dương. Ở dưới đáy đại dương, chỉ robot có thể đảm đương được các công việc”.

Vậy là có tới mấy con robot, làm nhiều công việc để phục vụ con người. Con thì lọc nước lấy oxy và nước để con người có không khí thở, có nước uống trong ngôi nhà kín dưới đáy biển; con thì săn bắt hải sản cung cấp dinh dưỡng; con sản xuất năng lượng… Robot phải làm được ít nhất 4 nhiệm vụ thì con người mới tồn tại được dưới đáy biển.

Đó là một môi trường mô hình, môi trường tưởng tượng, nhưng đầy sự sáng tạo và nhân văn.

 
"Chuyên gia" Lê Trần Công Hưng ráp robot cùng bạn nữ

Hưng bảo, học robotics em thấy rất bổ ích, vì được học thêm nhiều kiến thức về máy tính, lập trình phần mềm.

Em say mê với môn học và ấp ủ mong ước sẽ thành một chuyên gia robot trong tương lai. Trong căn phòng máy lạnh tràn ngập các thiết bị của một thế giới hiện đại, có một phụ nữ ngồi lặng yên ở góc phòng, theo dõi đám trẻ say mê học tập.

Chị là Trần Thu Hằng, phụ huynh “nhà sáng chế nhí” Lê Trần Công Hưng.Nhà chị ở mãi Định Công, cậu con học ở tận Mỹ Đình, nhưng vì trường Đoàn Thị Điểm có môn học robotics, nên xa xôi thế nào chị cũng chấp nhận. Bình thường, có xe của trường đưa đón, nhưng vì con tham gia đội tuyển robotics, phải học thêm ngoài giờ, nên làm việc xong, chị lại tất bật chạy vòng vèo mấy chục cây số đến trường đón con.

 
Chị Hằng luôn theo sát công việc học tập của con trai

Chị bảo, bé Hưng yêu thích máy tính từ nhỏ, nên môn học robotics cuốn hút bé khủng khiếp. Thời điểm chuẩn bị cho cuộc thi, Hưng ăn robot, ngủ robot. Có những chi tiết Hưng lắp thành thạo, nhưng có những chi tiết cô bạn trong đội là Vi Giang lại thuần thục hơn.

Các bé phải làm việc theo nhóm, có sự phối hợp ăn ý thì mới thành công. Tôi hỏi chị Hằng, rằng chị mong ước gì cho tương lai của bé, liệu bé có thành nhà sáng chế vĩ đại? Chị bảo, chị chưa nghĩ tới điều đó. Chị chỉ mong con được thư giãn, được học những thứ con thích.

Nhưng chị tin rằng, môn học đặc biệt này có tác dụng kích thích năng lực sáng tạo, làm việc tập thể, giúp con chị tự tin hơn trong cuộc sống.

 
Thầy Nguyễn Bá Tuấn chỉ dạy các em phương pháp thi đấu

Thầy Nguyễn Bá Tuấn, phụ trách công nghệ thông tin Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, môn học robotics là tự nguyện, như các môn năng khiếu khác. Tuy nhiên, mới đưa môn học này vào trường, mà có tới 300 em tham gia học tập. Các em được học cả lý thuyết lẫn thực hành và được giảng dạy bởi các chuyên gia.Những em trong đội tuyển đều là những học sinh xuất sắc.

Các em phải có tư duy toán học và phải giỏi tiếng Anh, để giao tiếp, kết nối với bạn bè trên khắp thế giới. Trong các cuộc thi, mọi sự trao đổi đều bằng tiếng Anh, nên không nghe, không hiểu, thì các em sẽ không tham gia cuộc thi được.

 
Môn học robotics rèn luyện kỹ năng sáng tạo và làm việc theo nhóm

Môn học robotics giúp các em học được nhiều kỹ năng và sự sáng tạo là vô bờ bến. Từ những mảnh nhựa, mẩu sắt vô tri, vô giác, các em có thể sáng tạo không giới hạn, làm ra hàng ngàn con robot thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.

Tìm ra giải pháp tối ưu để robot làm việc hiệu quả, nhanh nhất không phải dễ dàng. Con robot hoạt động chính xác cần cả một quá trình phức tạp của nhiều thao tác, nhiều bộ não học sinh. Đơn giản như việc lắp ráp, chỉ cần một vết ráp nối lỏng lẻo, không cân bằng, robot sẽ không thể di chuyển bình thường, nhịp nhàng được. Rồi lập trình không chính xác từng milimet, thì robot làm việc cũng không thành công.

Theo thầy Tuấn, việc học môn robot không nhất thiết phải là các em học sinh giỏi toán. Các bạn giỏi toán thì lập trình tốt, nhưng những bạn có năng khiếu nghệ thuật thường lắp ráp robot cũng rất tốt, nhiều ý tưởng sáng tạo và đẹp mắt. Các bạn nữ thì thường nổi trội hơn về mặt chiến thuật, sự tỉ mỉ, cẩn thận.

Liên doanh DTT - Eduspec (Tập đoàn Công nghệ thông tin DTT Việt nam và Eduspec Holdings Berhad – Malaysia), hình thành từ năm 2011 với mục tiêu phát triển mô hình hợp tác công tư về giáo dục và đào tạo tại Việt Nam hướng tới: Triển khai Mô hình trường học thế kỷ 21 theo chuẩn ASEAN tại Việt Nam; Phát triển kỹ năng cho học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu trên nền tảng CNTT (e-citizen).

 

Sau khi làm việc với Bộ giáo dục và Đào tạo về chủ trương đưa công nghệ vào các trường học từ cấp Tiểu học để đáp ứng nhu cầu học tập ở thế kỷ 21, cũng như từng bước một hiện đại hóa trường học, hướng tới xây dựng một cộng đồng trường học số kết nối với nhau, để hỗ trợ và chia sẻ các nội dung giảng dạy, liên doanh DTT - Eduspec đã thực hiện triển khai thí điểm giảng dạy ngoại ngữ và công nghệ thông tin thông qua môi trường phòng Lab và giảng dạy môn học robotics.

Mục tiêu liên doanh hướng tới là xây dựng hệ thống các trường học điện tử (e-school) hiện đại cho khối các trường phổ thông tại Việt Nam và góp phần đạo tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu xứng đáng của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Đầu năm học 2011-2012, liên doanh DTT - Eduspec đã triển khai thí điểm giảng dạy công nghệ thông tin và tiếng Anh tại hai trường Tiểu học Xuân Đỉnh và Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Cho đến nay, số lượng học sinh theo học tiếng Anh đã lên tới 1.500 học sinh. Trong năm học tới, liên doanh tiếp tục mở rộng triển khai tới các thành phố như Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và tiếp tục mở rộng cho các trường tại Hà Nội.

“Đội tuyển robotics của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm gồm 24 học sinh khối 4 và khối 5. Từ ngày 11/6/2012, trường đã chia thành 8 đội để bắt đầu tham gia khóa đào tạo Robotics thông minh mang chủ đề: Deep Blue – Triton.

Sau gần 3 tháng học tập, các em học sinh đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của bài thi đề ra và đang trong quá trình tối ưu hóa các bước lắp ráp, lập trình để có được kết quả tốt nhất cho kỳ thi quốc tế sắp tới. Cuộc thi cấp trường dự kiến sẽ được tổ chức để lựa chọn 03 đội tuyển xuất sắc nhất tham dự Cuộc thi Robotics Quốc tế vào 27/10 năm nay".

Theo VTC

Theo VTC

Bạn có thể quan tâm