Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột nhập tài khoản ngân hàng để rút tiền tỷ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng nhiều cách đã lập ra tài khoản, thẻ tín dụng giả... để rút hàng tỷ đồng của nhiều người.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, trong các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao thì tội phạm chiếm đoạt tài sản qua lĩnh vực ngân hàng, thẻ tín dụng là tinh vi nhất.

Tội phạm điều khiển từ xa

Để thực hiện hành vi phạm tội, bọn chúng thường cấu kết với người dân nước sở tại. Sau đó, từ quốc gia khác nhóm này tiến hành điều khiển từ xa để đồng bọn rút tiền chia nhau. Điều này khiến cho lực lượng công an rất khó khăn trong việc triệt phá, truy bắt hung thủ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an TP Hà Nội đã triệt phá nhiều ổ nhóm, bắt giữ nhiều tên chủ mưu là người nước ngoài, thu lại tang vật và tài sản hàng tỷ đồng. 

Toi pham cong nghe cao anh 1
Nhiều người lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội bị Công an Hà Nội bắt giữ.

Điển hình là vụ án do 2 người Trung Quốc thực hiện, với thủ đoạn thuê một số người Việt Nam mở tài khoản ngân hàng để các bị hại chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt luôn. Hiện, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội đã chuyển toàn bộ tài liệu, tang vật và bị can đến cơ quan điều tra để khởi Zhao Xiao Mei (36 tuổi) và Tan Shi Ren (32 tuổi, cùng ở Trung Quốc) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, Zhao Xiao Mei và Tan Shi Ren đã cấu kết với một người để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại tại Việt Nam. Vào khoảng giữa tháng 8/2016, anh trai của Mei là Zhao Wei Zhong (hiện đang sống tại Trung Quốc) nói với Mei là cần tìm một người để nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, sau đó rút tiền chuyển lại cho Zhong. Anh này còn hứa trả cho Mei 2% số tiền được chuyển.

Mei sau đó đã thuê một số người Việt Nam và hứa trả 1% số tiền được chuyển đến. Mei nói rõ số tiền chuyển tới là tiền bất minh, không trong sạch nhưng nhóm người Việt vẫn đồng ý.

Ngày 24/8, tài khoản của những người Việt nhận được 600 triệu đồng từ một bị hại ở Hà Nội chuyển đến. Zhong bảo Mei đi gặp nhóm người Việt đang ở thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hoà (Cao Bằng) để lấy tiền thì bị cảnh sát bắt giữ.

Theo trung tá Đặng Hồng Minh, Phó đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm mạng máy tính (Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội) thì trong thời gian ngắn, nơi đây đã tiếp nhận 64 đơn trình báo của người bị hại với số tài sản thiệt hại trên 42 tỷ đồng. Trong đó có vụ thiệt hại lên đến 5,4 tỷ đồng chỉ bằng thủ đoạn xâm nhập tài khoản, cấu kết với người nội địa lập tài khoản và thực hiện lệnh chuyển tiền từ xa.

Xâm nhập mạng ảo, lấy tiền thật

Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 6/2015, chị Tiên ở đường Trần Quý Cáp, thành phố Hà Nội nhận được tin nhắn qua  Facebook của cháu gái đang du học bên Nga nhờ dì chuyển tiền vào tài khoản. Chị này đã ra ngân hàng chuyển vào tài khoản cho cháu 7 triệu đồng. Sau khi chuyển xong, chị Tiên về nhà gọi điện thoại cho cháu để thông báo thì mới phát hiện mình đã bị lừa đảo. 

Theo giới chuyên gia an ninh mạng, chiếm quyền truy cập thông qua mạng xã hội Facebook là dễ nhất, trong khi đó, tại mỗi tài khoản này thể hiện rõ những mối liên hệ của chủ nhân. Từ đây, tội phạm dễ dàng lừa đảo người thân, bạn bè  đã kết bạn với chủ tài khoản.

Toi pham cong nghe cao anh 2
Xie Feng và Hu Li Guo (người Trung Quốc) bị bắt về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cũng từ số tài khoản có được, kẻ phạm tội truy cập vào hệ thống tài khoản ngân hàng của cá nhân thực hiện lệnh chuyển tiền. Tuy vậy, bọn lừa đảo phải có sự tiếp tay của người thứ ba, tức là người tại nước sở tại để gây án. Khi thực hiện lệnh chuyển tiền đến tài khoản của người Việt Nam, bọn chúng nhanh chóng đi rút tiền và tẩu thoát. 

Thông thường, thủ đoạn này thường chỉ bắt được bị can là người Việt Nam, bởi kẻ chủ mưu thường ở nước khác, chủ yếu là ở Trung Quốc và Đài Loan. Mới đây, Công an Hà Nội đã khởi tố Xie Feng và Hu Li Guo (người Trung Quốc) về hành vi chiếm đoạt tài sản. Hai người này đã làm giả thẻ để rút tiền tại cây ATM trên địa bàn Hà Nội với chiêu khá phổ biến là “skimming”.

Loại tội phạm này thường đến những trụ ATM vắng vẻ, rồi tiến hành lắp đặt các thiết bị theo dõi. Người dân dùng thẻ ATM khi thao tác rút tiền sẽ bị các thiết bị đặt lén sao chép lại dữ liệu. Từ đó, kẻ gian không quá khó khăn đánh cắp thông tin của khách hàng và dùng thẻ giả để rút hết tiền trong tài khoản.

“Phishing” - một thủ đoạn cũng thường được nhắc tới khi kẻ phạm tội lừa đảo bằng cách lập những trang web giả mạo với giao diện giống như các trang mạng xã hội nổi tiếng, các trang web mua bán, hay web giao dịch trực tuyến của các ngân hàng.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng điện tử - Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, bắt giữ nhóm người nước ngoài sử dụng thẻ ngân hàng giả để chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra mở rộng đã làm rõ được Kim Young Yun (41 tuổi), Kim Seong Huyn (34 tuổi) và Yang Dong Kook (54 tuổi, đều là người Hàn Quốc). Kim Seo Huyn khai, anh ta thường xuyên nhập cảnh vào Việt Nam với danh nghĩa buôn bán mỹ phẩm nhưng thực chất là tham gia mạng lưới quẹt thẻ  tín dụng giả từ thông tin đánh cắp được để thực hiện chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn quẹt thẻ tín dụng giả, chỉ trong thời gian ngắn bọn chúng đã chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng.

Đánh sập ổ nhóm tội phạm bàn phím

Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho biết: "Nhiều vụ án sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội nói riêng và địa bàn cả nước nói chung. Trong số đó, nhiều vụ án trị giá tài sản bị chiếm đoạt rất lớn, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Tuy nhiên, với việc kiên quyết đấu tranh loại tội phạm này, đơn vị đã triệt xóa nhiều ổ nhóm tội phạm tinh vi, bắt hàng chục bị can là người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam thực hiện chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng”.

Trước đây, từ vụ bà Lương ở quận Tây Hồ trình báo về việc bị chiếm đoạt  2,35 tỷ đồng thông qua vài cuộc điện thoại, cảnh sát đã xác định ổ nhóm phạm tội gồm 2 người nghi vấn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có sự cấu kết hoạt động chặt chẽ giữa một người Đài Loan với một số đồng phạm tại Việt Nam. 

Theo trung tá Minh, để tránh bị lừa và kịp thời xử lý kẻ gian, việc đầu tiên khi thấy dấu hiệu tình nghi hoặc phát hiện bị lừa cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để có thông tin xác minh. Đặc biệt, đối với những trường không phải người thân thì tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, thông tin cá nhân.

Đối với các hợp đồng chuyển tiền làm ăn kinh tế, phải có giấy tờ hợp pháp theo quy định của cơ quan Nhà nước.

Người nước ngoài rút tiền bằng thẻ ATM giả

Một số người nước ngoài lắp đặt thiết bị giấu kín tại trụ ATM ở Quảng Nam và Đà Nẵng để lấy cắp thông tin của chủ thẻ, nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

http://anninhthudo.vn/phap-luat/dot-nhap-tai-khoan-ngan-hang-rut-tien-ty/708351.antd

Theo Đức Trí/An ninh Thủ đô

Bạn có thể quan tâm