Một loại vắc xin thử nghiệm đang mở ra nhiều hứa hẹn trong việc điều trị một số bệnh ung thư có tốc độ phát triển nhanh như ung thư buồng trứng, đường ruột, tuyến tiền liệt và dạ dày thực quản.
Vắc xin thử nghiệm này sẽ định hướng cho hệ miễn dịch nhận diện các tế bào đã bị nhân bản một cách mất kiểm soát do đột biến trong gen HER2.Trong khoảng 25% trường hợp ung thư vú, đột biến HER2 làm cho khối u phát triển mạnh hơn và tăng mạnh nguy cơ xuất hiện trở lại của khối u, kể cả sau khi đã được điều trị thuyên giảm.
Liệu pháp miễn dịch mới được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) phát triển, tuy chưa được thử nghiệm với ung thư vú, nhưng có thể tấn công các gen có hại. Theo công bố gần đây về kết quả thử nghiệm lâm sàng, vắc xin đã ức chế sự phát triển của 54% các khối u HER2 trong thử nghiệm quy mô nhỏ và thậm chí trong một trường hợp ung thư buồng trứng, khối u đã biến mất hoàn toàn trong vòng 18 tháng.
Một liều vắc xin miễn dịch mới ít nhất có thể tạm thời làm chậm sự phát triển và kiềm chế các tế bào HER2 vốn là nguyên nhân làm cho khoảng 1/4 trường hợp ung thư vú trở nên ác tính. Cuộc thử nghiệm đã được tiến hành trên 11 bệnh nhân có khối u HER2 và đang được thử nghiệm với các bệnh nhân ung thư vú.
Vắc-xin mới kiềm chế sự phát triển của tế bào HER2. Ảnh: Shutterstock. |
Hóa trị là một thay đổi mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại các loại ung thư. Tuy nhiên, không phải mọi loại ung thư đều giống nhau, kể cả khi chúng khởi phát từ cùng một bộ phận trên cơ thể con người, và việc đáp ứng với các liệu pháp điều trị cũng như vậy.
Trong nhiều trường hợp, đặc điểm ung thư ở mỗi người được quy định từ gen của họ. Khi bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư vú, họ sẽ được xét nghiệm mô khối u để kiểm tra tình trạng HER2. Thông thường, gen này sẽ lưu giữ và điều chỉnh cách thức mô tế bào vú phát triển. Khi đột biến làm gián đoạn chức năng của nó, HER2 sẽ lại thúc đẩy tăng sinh các tế bào đó, làm cho khối u phát triển nhanh hơn và tăng nguy cơ ung thư tái phát.
Các trường hợp ung thư vú dương tính với HER2 đã bắt đầu được điều trị bằng một loại thuốc khác có tên là Trastuzumab hay Herceptin khi tiến hành quá trình hóa trị. Trastuzumab được truyền vào tĩnh mạch với tần suất 3 tuần một lần trong vòng một năm. Thuốc này có tác dụng kéo dài sự sống cho phần lớn các bệnh nhân, nhưng không phải trường hợp nào dương tính với HER2 cũng có hiệu quả. Ngoài ra, thuốc cũng khá độc hại, nó gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, mẩn đỏ, tiêu chảy, nhức đầu, đau xương khớp...
Để thử nghiệm loại vắc xin chống ung thư mới, các nhà nghiên cứu cần phải thử nghiệm trên cơ thể bệnh nhân không chịu ảnh hưởng của Herceptin. Vì thế, họ đã lựa chọn 11 bệnh nhân mắc các loại ung thư khác có gắn với HER2 ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Jay Berzofsky, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Trưởng khoa Vắc xin của Viện Ung bướu Quốc gia thuộc NIH, giải thích: “Những bệnh nhân này cũng ở trong bệnh cảnh nặng, các biện pháp điều trị khác đã thất bại và được dự đoán bệnh ung thư sẽ tiếp tục phát triển”.
Khi áp dụng liệu pháp vắc xin tăng cường miễn dịch, phác đồ điều trị sẽ giảm tải hơn. Bệnh nhân được điều trị trong vòng sáu tháng qua ba đợt. Đợt đầu tiên bao gồm ba liều, mỗi liều cách nhau bốn tuần, và hai đợt cuối cùng cách nhau tám tuần.
Phương pháp này liên quan tới việc tách các tế bào miễn dịch ra khỏi cơ thể người bệnh, thay đổi chúng trong phòng thí nghiệm để chúng có thể “nhìn thấy” một loại protein phổ biến trong nhiều dạng ung thư có tên là HER2 và rồi lại được bơm vào trong các tế bào.
Do biện pháp điều trị này sử dụng chính tế bào của người bệnh nên nó có xu hướng được dung nạp tốt hơn và nhắm trúng tế bào ung thư hơn. Thử nghiệm này tuy nhỏ, nhưng đã mang lại hi vọng cho sáu trong số các bệnh nhân. Sự phát triển của khối u đã chững lại đối với bốn bệnh nhân ung thư buồng trứng, dạ dày, tinh hoàn và đường ruột di căn. Vắc xin đã có tác dụng rất tốt đối với một trường hợp, khi bệnh nhân thoát khỏi ung thư trong vòng gần hai năm.
Điểm đáng chú ý là khi căn bệnh tái phát, không còn xuất hiện các tế bào HER2. Tiến sỹ Berzofsky và nhóm nghiên cứu đang bắt đầu tiến trình thử nghiệm vắc-xin trên các bệnh nhân ung thư vú mà Herceptin và các liệu pháp dành riêng cho HER2 khác đã thất bại.